Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội thảo “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Hà Nội cần đi đầu cả nước về công nghiệp văn hoá

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 21/3, Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” tiếp tục diễn ra với nội dung bảo tồn phát huy, phát triển giá trị di sản của Thủ đô...

Dự và chủ trì phiên Hội thảo buổi chiều có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải.

Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hoá

Lâu nay, trong giới nghiên cứu vẫn còn tồn tại các luồng ý kiến trái chiều như: Bảo tồn để phát triển hay phát triển để bảo tồn? Phát triển trước hay bảo tồn là tiền đề cho phát triển?

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phát triển bao giờ cũng phải dựa trên cơ sở khai thác, sử dụng hợp lý các loại tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn.

Quang cảnh Hội thảo chiều 21/3.
Quang cảnh Hội thảo chiều 21/3.

Mở đầu phiên thảo luận chiều 21/3, PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia nhấn mạnh về việc tạo lập sự hài hoà giữa bảo tồn và phát triển.

"Tôi nghĩ Hà Nội chưa tạo dựng được sự cân bằng, khái quát được tiềm năng tài nguyên văn hoá. Trong chừng mực nhất định có thái độ ứng xử chưa thoả đáng với tài sản quý giá cha ông đã trao" - PGS.TS Đặng Văn Bài nói.

So sánh giữa dòng sông Tô Lịch và dòng sông cổ của Seoul, PGS.TS Đặng Văn Bài chia sẻ: Trong khi dòng sông cổ Seoul trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách, sông Tô Lịch bị đô thị hoá và thu hẹp lại. Tây Hồ có làng đào Nhật Tân nổi tiếng cả nước lại được đẩy ra phía bên ngoài… Đó là sự lãng phí tài nguyên.

Mặt khác, PGS.TS Đặng Văn Bài đặt vấn đề, Đà Nẵng có Lễ hội quốc tế pháo hoa, Huế có Festival, Quảng Ninh có Canaval nhưng Hà Nội chưa có sự kiện mang tầm quốc tế. Từ việc đặt vấn đề, PGS.TS Đặng Văn Bài đề nghị Hà Nội cần phát triển, đi đầu cả nước về công nghiệp văn hoá.

PGS. TS Đặng Văn Bài.
PGS. TS Đặng Văn Bài.

Từ thực tiễn, PGS.TS Đặng Văn Bài kiến nghị TP cần quan tâm xây dựng cơ chế đặc thù để phát triển mạng lưới bảo tàng ngoài công lập với tư cách là một loại tài nguyên du lịch có tiềm năng.

Đồng thời nghiên cứu và thể nghiệm mô hình hợp tác công - tư trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững. Tăng cường đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn TP.

Cùng với đó đào tạo, nâng cao năng lực cho bộ máy quản lý di sản văn hóa và du lịch của TP để tạo cơ hội thuận lợi nhất cho phát triển công nghiệp văn hoá - mũi nhọn kinh tế mà Hà Nội có nhiều lợi thế và tiềm năng so với các địa phương khác trong cả nước.

Ưu tiên phát triển hình thức du lịch cộng đồng để bảo tồn di sản văn hoá tại cộng đồng, tạo sinh kế cho cộng đồng thông qua các dịch vụ văn hóa do cộng đồng tự sáng tạo và quản lý.

Phản hồi các ý kiến của PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho hay: TP Hà Nội là địa phương đầu tiên có Nghị quyết về Phát triển công nghiệp văn hóa (Nghị quyết số 09-NQ/TU).

Trong thời gian tới, TP Hà Nội tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế như: Làng nghề truyền thống, du lịch văn hoá, ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn, trò chơi điện tử… Phấn đấu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 5% GRDP; 2030 đóng góp 8% GRDP của TP.

Tiếp nối lịch sử ngàn năm văn hiến

Lấy di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long làm trọng tâm bài phát biểu, PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam chia sẻ: Tổng thể di sản Kinh đô Thăng Long có giá trị vô cùng to lớn như GS Phan Huy Lê từng đánh giá: “Tầng tầng lớp lớp di tích, di vật hiện lên như một bộ sử nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội phản chiếu trình độ văn hoá lớn nhất của đất nước”.

Khu khai quật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Lại Tấn.
Khu khai quật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Lại Tấn.

Hay như GS.Yamanaka (Đại học Mie, Nhật Bản) đánh giá: “Di tích này có giá trị xứng đáng là Di sản văn hoá Thế giới. Và để hiểu biết lịch sử nhân loại, di tích này là không thể thiếu được”.

Để khai thác các giá trị của khu Di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, PGS.TS Tống Trung Tín đưa ra các giải pháp gồm: Nghiên cứu tiến đến khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên; xây dựng Bảo tàng tại chỗ các dấu tích Cung điện Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu.

Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long; nghiên cứu và phát huy các gía trị văn hoá phi vật thể của Hoàng Thành hăng Long (nghi thức thiết lễ Đại Triều, hội đèn Ánh sáng Thăng Long.

Khôi phục các hình thức, lễ hội hoặc trò chơi khác như Hội thề, thi Đình, nghi thức tế lễ đầu Xuân, đá cầu, bơi chải. Gắn kết việc phát huy với các di tích trọng điểm khác.

PGS.TS Tống Trung Tín phát biểu tại Hội thảo.
PGS.TS Tống Trung Tín phát biểu tại Hội thảo.

Tiếp thu các ý kiến của PGS.TS Tống Trung Tín, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong chia sẻ: “Các kiến nghị của PGS.TS Tống Trung Tín, TP Hà Nội đều đang triển khai và nhận được sự đồng tình ủng hộ của UNESCO Việt Nam”.

Cùng với các ý kiến trên, tại phiên Hội thảo chiều 21/3, các nhà khoa học thảo luận xoay quanh các vấn đề về: Phục hưng lễ hội truyền thống ở Hà Nội trong bối cảnh hội nhập quốc tế; sông Hồng trong quy hoạch phát triển Thủ đô…