Nguy cơ bùng phát dịch cao
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay trên địa bàn TP đã bùng phát 35 ổ cúm gia cầm, ở 18 xã, 10 huyện; tổng số gia cầm tiêu hủy là 69.767 con. Đáng chú ý, trong tháng 7/2021 Hà Nội đã phát sinh 2 ổ dịch cúm A/H5N8 tại xã Cẩm Lĩnh và Ba Trại, huyện Ba Vì. Tổng số gia cầm tiêu hủy 2.528 con gà. Hiện tại 2 ổ dịch này chưa qua 21 ngày, vẫn được tiếp tục theo dõi, giám sát và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhận định nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H5N8 của Hà Nội rất cao |
Trưởng Phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết, ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn đã tập trung chỉ đạo thực hiện tiêu hủy ngay số gia cầm dương tính với cúm A/H5N8. Việc tiêu hủy thực hiện theo đúng quy định về hố tiêu hủy, vận chuyển gia cầm đến hố tiêu hủy, sử dụng hóa chất, thuốc sát trùng, vôi bột trong tiêu hủy, khử trùng toàn bộ khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh hộ chăn nuôi. Đồng thời, ngăn chặn việc vận chuyển lưu thông gia cầm toàn bộ khu vực xã đã có ổ dịch, tổ chức tổng tẩy uế môi trường trên địa bàn toàn huyện để khống chế, ngăn chặn mầm bệnh phát sinh.
Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H5N8 ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng là rất cao. Bởi, Hà Nội hiện có tổng đàn gia súc gia cầm lớn nhất cả nước với tổng đàn gia cầm khoảng 38 triệu con, tuy nhiên chủ yếu phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi tận dụng, chăn nuôi nông hộ. Hàng ngày, lưu lượng xe qua lại TP và lượng hàng hóa giao thương qua địa bàn rất lớn… Đây là nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm như cúm gia cầm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, cúm A/H5N8 là bệnh truyền nhiễm ở gia cầm và động vật có vú (gồm một số loài gia súc, các loài động vật hoang dã và người). Gia cầm bị mắc bệnh có tỷ lệ chết có thể lên đến 100%. Nguồn bệnh cúm A/H5N8, virus có trong hầu hết các cơ quan nội tạng của động vật mắc bệnh, trong phân, dịch tiết như nước mũi, nước bọt, dịch tiết của con vật mắc bệnh. Mới đây, đã có 7 công nhân ở trang trại chăn nuôi gà ở Nga bị nhiễm virus cúm A/H5N8. Đây là báo cáo đầu tiên về sự lây nhiễm cúm A/H5N8 từ gia cầm sang người mặc dù virus này đã lưu hành trên gia cầm và chim hoang dã từ năm 2016.
Tiến sĩ Satoko Otsu – Điều phối viên nhóm các bệnh truyền nhiễm và tình trạng y tế khẩn cấp của WHO, dù nguy cơ lây nhiễm sang người đối với virus cúm A/H5N8 ở Việt Nam rất thấp, nhưng vẫn cần cảnh giác và tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân để phòng chống bệnh cúm gia cầm.
Tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia cầm
Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch cúm gia A/H5N8, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, giải pháp quan trọng và hiệu quả hàng đầu là cần tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia cầm bằng vaccine. Mặt khác cần phải giám sát dịch bệnh để phát hiện kịp thời các ổ dịch, có biện pháp khống chế ngay không để phát sinh. Mạng lưới thú y cơ sở là lực lượng quan trọng để hàng ngày thực hiện nhiệm vụ này.
Trường hợp phát hiện, hộ dân báo có dịch trên đàn vật nuôi phải thực thi nhiệm vụ ngay (kể cả trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19) để xử lý không để dịch lây lan rộng. Bên cạnh đó cần tổ chức tổng tẩy uế môi trường toàn TP, trong đó tập trung cao độ ở các huyện có chăn nuôi gia cầm lớn, các khu vực lây nhiễm cao, các bãi rác, chợ có kinh doanh động vật và sản phẩm động vật. Phối hợp với ngành y tế của các địa phương để tổ chức tổng tẩy uế môi trường, kể cả các khu vực phải phong tỏa nhưng các hộ vẫn có chăn nuôi gia súc gia cầm. Tùy tình hình thực tế tại cơ sở để triển khai việc phun thuốc sát trùng, vệ sinh tiêu độc đảm bảo có hiệu quả.
Song song với đó, người chăn nuôi cần chủ động phòng chống dịch bệnh ngay tại hộ như chăm sóc nuôi dưỡng tốt, tiêm phòng đầy đủ, định kỳ tổng tẩy uế môi trường, phát hiện và khai báo kịp thời khi thấy gia cầm không bình thường để có biện pháp khống chế, ngăn chặn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, TP đã có văn bản chỉ đạo tất các quận, huyện thị xã thực hiện nhiêm vụ kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, bên cạnh đó, địa phương cũng cần tập trung chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Mặt khác, tăng cường kiểm tra việc vận chuyển lưu thông, đặc biệt việc vận chuyển lưu thống gia cầm về chợ Hà Vĩ (Thường Tín), các chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông. Xử lý nghiêm các vi phạm trong việc vận chuyển lưu thông, không chấp hành các biện pháp kỹ thuật, không khai báo chăn nuôi, không khai báo dịch bệnh gia súc gia cầm.