Hà Nội chủ động ứng phó với biến chủng Omicron

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/12, Việt Nam ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên. Để chủ động kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, TP Hà Nội đã đưa ra thêm nhiều giải pháp ứng phó với biến chủng Omicron, trong đó, tăng cường kiểm soát người nhập cảnh từ các quốc gia có biến chủng Omicron.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Nguyễn Anh
Biến chủng Omicron lây lan gấp 5 - 6 lần Delta
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay, biến thể Omicron đã được ghi nhận ở hơn 100 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Myanmar. Hiện tại những nghiên cứu đều cho thấy, sự lây lan mạnh mẽ và nguy hiểm của biến chủng này không hề kém biến chủng Delta mà thế giới đang phải đối mặt. Minh chứng là cứ 1,5 - 3 ngày, số ca nhiễm Covid-19 lại tăng gấp đôi ở những nơi có lây nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng. Theo các nhà nghiên cứu, biến chủng Omicron có nhiều đột biến so với biến thể Vũ Hán ban đầu, lo ngại có thể lây lan nhanh. WHO đánh giá Omicron là biến chủng "đáng lo ngại", bởi 80% ca nhập viện là những người trẻ tuổi, nguy cơ tái nhiễm với Omicron cao hơn 3 lần so với Delta và Beta. Omicron lây lan gấp 5 - 6 lần Delta. Đặc biệt, Omicron có khả năng gây tái nhiễm cao gấp 3 - 8 lần so với Delta.

Hiện đại dịch Covid-19 trên thế giới cũng như trong nước vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường. Ngày 28/12, Bộ Y tế đã thông tin về trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam. Cụ thể, ngày 19/12/2021, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 tiếp nhận 1 trường hợp là hành khách trên chuyến bay QH9028 từ Anh Quốc về Việt Nam. Khi về đến sân bay Nội Bài (tối 19/12/2021), hành khách có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2. Hành khách được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ sân bay về khu cách ly cho ca nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 và được cách ly ở phòng riêng. Khoa Sinh học phân tử của Bệnh viện đã thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả dương tính.

Với yếu tố dịch tễ của bệnh nhân là hành khách trở về từ Anh Quốc, ngày 20/12/2021, Bệnh viện đã tiến hành giải trình tự bộ gene SARS-CoV-2 nhiễm trên bệnh nhân này bằng công nghệ Oxford Nanopore (ONT), kết quả là nghi ngờ nhiễm biến chủng Omicron. Tuy nhiên, do biến chủng Omicron có chứa đến 36 đột biến trong gai protein, trong đó có một số đột biến điểm, đột biến mất đoạn trong lần giải trình tự này còn chưa rõ ràng. Do vậy, ngày 21/12/2021 Bệnh viện tiếp tục tiến hành lấy mẫu, giải trình tự lại cho bệnh nhân. Kết quả giải trình tự gene của Bệnh viện cho thấy bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron (B.1.1.529).

Do đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết, điều tra, xử lý ổ dịch. Người dân tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch bệnh và tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương nâng cao năng lực y tế cơ sở, chủ động và sẵn sàng trang bị, nhân lực, thuốc điều trị, oxy y tế để bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa. Đồng thời, quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn, tổ chức tiêm vét vaccine, thực hiện tiêm lưu động ngay tại nhà, bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ...

Nâng cao năng lực y tế cơ sở

Để chủ động kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 do biến chủng Omicron, tối 27/12, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch ứng phó với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 (chủng Omicron) trên địa bàn TP. Theo đó, TP yêu cầu tăng cường giám sát kiểm dịch tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài; thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch y tế quốc tế, đặc biệt yêu cầu hành khách nhập cảnh phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ khi nhập cảnh vào Việt Nam; tăng cường việc kiểm soát giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính, việc khai báo y tế của hành khách nhập cảnh. Cùng với đó, tăng cường rà soát các hành khách nhập cảnh có tiền sử đến/về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới như khu vực Nam châu Phi.

Hà Nội đề nghị tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch. Với các chuyến bay xuất phát hoặc có hành khách đến từ các quốc gia đang có sự xuất hiện của biến thể Omicron, bắt buộc thực hiện cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ các quốc gia này, bất kể tiền sử đã tiêm vaccine hoặc đã mắc Covid-19 trước đó.

Các địa phương, đơn vị cần tăng cường giám sát, quản lý, theo dõi sức khỏe với người nhập cảnh, người lao động về lưu trú tại địa phương, đặc biệt là người trở về từ các quốc gia đã ghi nhận sự có mặt của biến chủng Omicron.

TP cũng đề nghị các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai vaccine phòng Covid-19 liều bổ sung, liều nhắc lại ngay từ tháng 12 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ưu tiên các đối tượng nguy cơ. Ngoài ra, TP Hà Nội cũng lưu ý, khi phát hiện các trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại địa bàn, tập trung điều tra truy vết tìm nguồn lây ban đầu và người tiếp xúc gần để khẩn trương xử lý dập dịch, cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Tùy theo mức độ nguy hiểm về khả năng lây lan và gây bệnh nặng của biến thể Omicron được cập nhật, kịp thời triển khai các biện pháp kiểm soát dịch tương ứng như truy vết, cách ly tập trung nghiêm ngặt đối với F1. Đồng thời, theo dõi, phân tích dữ liệu theo nhóm, chuỗi người nhiễm Omicron để đánh giá mức độ lây nhiễm, mức độ nặng, tử vong...

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cho rằng, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán sắp đến, hoạt động đi lại, vui chơi… gia tăng trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, sẽ có nhiều ca bệnh tăng lên. Vì vậy, các địa phương phải xây dựng kế hoạch, kịch bản phòng, chống cũng như điều trị chi tiết khi chủng này xuất hiện trên địa bàn. Ngoài nâng, cao năng lực của hệ thống y tế, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế; tăng cường y tế cơ sở, tiếp cận với F0 để tư vấn, phân tầng hợp lý, can thiệp y tế kịp thời.

“Hà Nội phải kiên định với những giải pháp phòng, chống dịch như điều tra, truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch. Nhưng các giải pháp trong “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả” phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Người dân phải luôn phòng bệnh, không chủ quan, tuân thủ 5K, hạn chế đi lại, tụ tập, giao lưu… khi không cần thiết. Có như vậy mới bảo vệ được sức khỏe cho mình, cho gia đình và cộng đồng” - PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến nghị, người dân cần nghiêm túc đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn liên tục vì đây là những yếu tố then chốt để phòng ngừa lây nhiễm. Biện pháp phòng lây nhiễm tiếp theo là tăng tối đa độ phủ vaccine, không để quá tải hệ thống y tế trên diện rộng. “Đặc biệt, Hà Nội cần tập trung điều trị cho các bệnh nhân nặng, giảm thiểu số lượng người tử vong và nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện tốt 5K" - PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.

Hiện diễn biến dịch vẫn đang rất phức tạp và khó lường, người dân không được chủ quan, lơ là, đặc biệt không nên thả lỏng, nghĩ rằng tiêm vaccine rồi thì không nhiễm Covid-19. Thực tế, những người tiêm rồi vẫn bị nhiễm và vẫn có thể nhiễm nặng, đặc biệt lây lan cho người già, người có bệnh nền, trẻ em...

Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế, PGS.TS Trần Đắc Phu
Hà Nội cần nâng cao hơn nữa năng lực tuyến y tế cấp cơ sở, bởi mỗi xã, phường đủ năng lực chủ động ứng phó với dịch là điểm then chốt. Tuyến y tế phường, xã cùng chính quyền phải rà soát lại toàn bộ các trường hợp trên 50 hoặc trên 60 tuổi, những người có bệnh nền chưa được tiêm vaccine; đi từng ngõ, gõ từng nhà để lập danh sách, tuyên truyền giáo dục việc cần phải tiêm vaccine cho người dân.

Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung