Hà Nội chú trọng bảo tồn làng nghề, phát triển kinh tế nông thôn

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bảo tồn làng nghề và phát triển kinh tế nông thôn là một trong những nội dung được UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm, nhằm cụ thể hoá các mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2022 - 2025.

Theo Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất cho cư dân nông thôn.

Những năm qua, TP rất quan tâm; hằng năm đều bố trí nguồn lực nhằm bảo tồn, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển làng nghề và các ngành nghề nông thôn.

Mô hình trồng nấm hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Tùng Nguyễn.
Mô hình trồng nấm hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Tùng Nguyễn.

Dù vậy, đại diện Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho rằng, nhiều làng nghề trên địa bàn TP đang đứng trước những thách thức lớn trong bối cảnh đô thị hoá. Việc phát triển ngành nghề nông thôn hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún. Giá trị kinh tế mang lại chưa tương xứng, chưa đáp ứng đòi hỏi đặt ra như một thành tố quan trọng trong phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn… 

 

Trong định hướng giải pháp bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn giai đoạn 2022 - 2025, UBND TP Hà Nội sẽ hỗ trợ các làng nghề truyền thống đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, thiết bị, máy móc; nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Dự kiến, TP hỗ trợ 50 dự án phát triển ngành nghề nông thôn.

Đứng trước yêu cầu trên, mới đây UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch về bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, kế hoạch xác định tập trung vào 5 nhóm nội dung gồm: Rà soát, hoàn thiện chính sách bảo tồn và phát triển ngành nghề; bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, phát triển nghề mới; đào tạo nguồn nhân lực làng nghề; tăng cường bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu gắn với phát triển sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết thêm, một nét mới trong bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống đó là TP sẽ thực hiện thu thập và bảo tồn, lưu giữ tư liệu về giá trị truyền thống của làng nghề và sản phẩm làng nghề; hỗ trợ xây dựng các phòng trưng bày, bảo tàng nghề, làng nghề thủ công mỹ nghệ, khu trình diễn nghề truyền thống. Xây dựng các trung tâm xúc tiến thương mại hàng thủ công mỹ nghệ. Tập trung nguồn lực, ưu tiên bảo tồn 7 làng nghề thuộc Danh mục làng nghề truyền thống tiêu biểu do HĐND TP Hà Nội ban hành tại Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND.

TP cũng khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới tiên tiến vào sản xuất. Chú trọng bảo tồn các nghề truyền thống và sản phẩm làng nghề mang đậm nét văn hóa đặc trưng, độc đáo, hội tụ những tinh hoa truyền thống và có hướng đổi mới, phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp với sản xuất tại các làng nghề.

Đánh giá tầm quan trọng của chất lượng nguồn nhân lực đối với phát triển ngành nghề nông thôn, trong định hướng giải pháp giai đoạn 2022 - 2025, Hà Nội sẽ tăng cường công tác đào tạo nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề. Cùng với đó, nghiên cứu triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm duy trì, phát triển đội ngũ nghệ nhân, nhất là tại các làng nghề đang có xu hướng mai một...