Thực hiện theo Nghị quyết số 18-NQ/TU, Hà Nội đã nâng chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) năm 2022 lên thứ 24/63 tỉnh/TP, tăng 16 bậc so với năm 2021.
Có thể thấy, Hà Nội đã có những bước đi và lộ trình phù hợp để đạt những kết quả quan trọng: Chính quyền số được quan tâm đầu tư; Hạ tầng số được thúc đẩy; Kinh tế số, xã hội số phát triển mạnh,...
Quyết tâm cao của Hà Nội
Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, trong khi chuyển đổi số là xu hướng, phong trào có tính toàn cầu.
Nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU vào cuối năm 2022 về chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, năm 2023 được coi là năm cơ bản chạy đà, khởi động ngay các dự án và đảm bảo hoàn thành cán đích thành công vào năm 2025.
Tuy nhiên, đến nay, nhiều người dân và doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ về khái niệm chuyển đổi số và coi đó là nhiệm vụ của chính quyền. Chính điều này là rào cản không dễ vượt qua trên hành trình chuyển đổi số.
Nhận thức được khó khăn trên, Thành ủy Hà Nội thẳng thắn chỉ ra: Nhận thức của cấp ủy đảng, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị về chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh còn hạn chế, bất cập và chưa thống nhất.
Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn bị động, chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành của TP, giữa TP với các địa phương trên cả nước và giữa TP với Trung ương còn chưa chặt chẽ, có những vướng mắc chưa được tháo gỡ.
Vì vậy, Thành ủy Hà Nội đã có chỉ đạo quyết liệt nhằm thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động về thực hiện chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh.
Theo đó, việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi số được coi là một nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Các cấp ủy, người đứng đầu trực tiếp chủ trì, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn, lĩnh vực quản lý; Đổi mới mạnh mẽ tư duy và nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh; Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể các cấp, các hiệp hội ngành nghề trong công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người dân tích cực hưởng ứng tham gia chuyển đổi số.
Nỗ lực số hóa thủ tục hành chính
Sau một năm thực hiện đề án 06 của Chính phủ, nhiều chuyển biến tích cực đã được tạo ra, tác động sâu rộng đến đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc cho xã hội và cả nền kinh tế.
Tinh thần chuyển đổi số đã được thực tế hóa ở nhiều dịch vụ công, dịch vụ công ích, nhiều công đoạn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, nhiều giấy tờ đã được bãi bỏ, cắt giảm nhiều thủ tục và chi phí, giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt...
Dù vậy, thách thức vẫn còn nhiều cả từ khách quan lẫn chủ quan, từ công nghệ, dữ liệu và cả sự thiếu chủ động vào cuộc của một số địa phương, bộ, ngành dẫn đến kết quả còn chưa được đồng bộ, thông suốt.
Thực tế, việc thực hiện các báo cáo về các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch chưa khoa học; số hóa các văn bản, số hóa quy trình, an ninh an toàn, văn hóa số… còn chậm. Do đó, các sở, ngành cần xây dựng lộ trình kiểm đếm từng phần việc, nhiệm vụ liên quan đến công tác số hóa mà TP chỉ đạo để bảo đảm tiến độ đề ra.
Tuy nhiên, từ ngay sau Tết Nguyên đán cho đến nay, không thể phủ nhận thành tích của Hà Nội trong việc giải quyết thủ tục hành chính của người dân.
Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, 100% cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch kiểm tra cải cách hành chính. TP đã triển khai và đưa vào vận hành các hệ thống thông tin quan trọng, cốt lõi nhằm cung cấp số liệu, thông tin phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo TP đến 3 cấp.
Trong đó, hệ thống quản lý văn bản và điều hành TP đã triển khai tới 633 cơ quan, đơn vị; Cấp 31.345 tài khoản cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phục vụ nhu cầu khai thác sử dụng và xử lý công việc; 96.240 văn bản đã được cập nhật và 12.492 văn bản điện tử được giao dịch qua hệ thống. Nhờ đó, TP bảo đảm chỉ tiêu 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng.
Cùng với đó, hệ thống thông tin báo cáo TP đã triển khai tới 100% cơ quan, đơn vị; Cấp 3.345 tài khoản cho đại diện các cơ quan, đơn vị phục vụ nhu cầu khai thác sử dụng và thực hiện các chế độ báo cáo; Hình thành 2 kho dữ liệu, chia sẻ dùng chung (gồm: Kho biểu mẫu, với 134 biểu mẫu và kho chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với 2.136 chỉ tiêu); Tổ chức kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu về 8 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội TP với Hệ thống thông tin báo Chính phủ theo quy định.
Cấp chữ ký số miễn phí cho người dân
Đến nay, 10.000 chữ ký số đã được cấp miễn phí cho công dân để thực hiện dịch vụ công trực tuyến của TP. Nhờ đó, Hà Nội là một trong các tỉnh/TP đầu tiên đảm bảo đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.
Hà Nội tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp tập trung triển khai chữ ký số miễn phí cho người dân tại bộ phận một cửa của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã.
Ngoài ra, UBND TP đã tập trung chỉ đạo để trong thời gian ngắn, các hệ thống lớn, dùng chung toàn TP đã hoàn thành: Hệ thống thông tin báo cáo; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết TTHC.
Cùng với đó là các quy định, quy chế kèm theo để đảm bảo vận hành, khai thác các hệ thống thông tin, như: Quy chế đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động cơ quan chức năng TP đã hoàn thành trong quý I năm nay, quy chế hoạt động hệ thống thư điện tử TP…
Về hạ tầng số, Trung tâm Dữ liệu chính của TP đang được tập trung triển khai để sớm đưa vào khai thác, sử dụng trong quý IV năm nay.
Còn về phát triển dữ liệu, năm 2023, TP đã ban hành danh mục dữ liệu mở của TP là những dữ liệu chuyên ngành sẽ được triển khai chia sẻ trong nội bộ cơ quan nhà nước và với công dân tổ chức trong thời gian tới. Đồng thời, TP đã chỉ đạo triển khai Cổng dữ liệu TP và hệ thống nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của TP (LGSP). Đây là 2 hệ thống cơ bản làm nền tảng để các đơn vị tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong cơ quan nhà nước.
Chuyển đổi số là một quá trình thường xuyên, liên tục đặc biệt với quy mô rất lớn của TP 10 triệu dân thì đây là khối lượng công việc không nhỏ. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị của TP chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.