Chủ trương này một mặt sẽ tạo cơ hội cho xe buýt phát triển, mặt khác lại tạo áp lực lên xe buýt, đòi hỏi phương tiện này phải tăng hơn nữa năng lực để đáp ứng nhu cầu. Vậy xe buýt của Hà Nội liệu có đáp ứng được "áp lực" này hay không? Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với ông Nguyễn Phi Thường, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) xung quanh vấn đề này.
- Chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân sẽ buộc người dân tìm đến các loại hình VTHKCC để đi lại, trong khi đó, tại Hà Nội chưa có tàu điện, buýt nhanh, vậy xe buýt Hà Nội có thể "gánh" được?
Tôi có cảm giác đây là làn sóng thứ hai quan tâm đến xe buýt. Làn sóng thứ nhất từ khoảng năm 2000 - 2001. Lúc đó xe buýt có một cú hích và đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Trong lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, bắt buộc xe buýt phải song song phát triển để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, tần suất, chuyến lượt vào giờ cao điểm cũng hết rồi. Nếu như đường cứ như thế, phương tiện cá nhân vẫn nhiều, rất khó có thể tăng được. Muốn tăng, xe buýt phải có đường riêng. Các nước khác, hệ thống xe buýt hơn chúng ta ở chỗ có đường dành riêng, tín hiệu ưu tiên ở trục chính, nhờ đó mà xe buýt lưu thoát tốt hơn. Do đó, muốn xe buýt phát triển, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân trong khi các loại hình VTHKCC khác chưa có thì phải có cơ chế hỗ trợ xe buýt, đặc biệt là hạ tầng cho xe buýt.
- Nhiều người cho rằng xe buýt quá tải vào giờ cao điểm, hành khách phải chờ vài lượt mới lên nổi xe?
Tôi đã đi rất nhiều nơi, chưa ở đâu mà xe buýt không đông vào giờ cao điểm. Tại Quảng Châu, Thượng Hải (Trung Quốc) hay Hàn Quốc, vào giờ cao điểm xe buýt còn không đóng được cửa. Lúc đấy, ai cũng muốn đi, ai cũng muốn về nhà sớm thì đông là bình thường. Tôi cho rằng, vấn đề là làm thế nào để giảm hình ảnh tiêu cực, bớt trộm cắp, móc túi, kiểm soát tình trạng lái xe bỏ điểm dừng đỗ, giải tỏa lấn chiếm nhà chờ xe buýt... từ đó nâng chất lượng dịch vụ.
- Xe buýt chưa được lựa chọn vì đi lại bằng xe buýt chưa thật tiện lợi. Tần suất, chuyến lượt chưa đều đặn. Người dân muốn đi xe buýt phải đi bộ một khoảng cách rất xa. Ông nghĩ gì về điều này?
Người Việt có đặc điểm là chỉ đi đoạn ngắn cũng phải đi xe máy, thậm chí đi xe máy ngay từ trong nhà ra chợ chỉ cách đó vài trăm mét. Trong khi ở nước ngoài đi bộ 1km ra trạm xe buýt, tàu điện ngầm là rất bình thường. Xe máy là phương tiện có tiện lợi nhưng chưa văn minh. Tai nạn giao thông ở ta nhiều vì xe máy là chủ yếu. Khi hạn chế phương tiện cá nhân, giảm số lượng xe máy, xe ô tô cá nhân đắt đỏ, chi phí lớn, phương tiện công cộng sẽ là lựa chọn hàng đầu. Tôi không phủ nhận Hà Nội còn nhiều “mảng trắng” xe buýt, tập trung ở những tuyến phố nhỏ, xe buýt không thể tiếp cận như như Phương Mai, Nguyễn Ngọc Nại, ngõ chợ Khâm Thiên… Chúng tôi đang tính đến đưa minibus vào hoạt động. Trên thế giới, rất nhiều thành phố có minibus, xe chỉ 16 chỗ, đi từ khu dân cư tập kết đến điểm trung chuyển xe buýt lớn và những xe này vẫn là những xe buýt được trợ giá. Người dân nếu được sử dụng xe buýt này ra điểm trung chuyển có thể đi được nhiều nơi, liên thông toàn hệ thống.
- Áp lực lên lái xe được coi là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, bỏ điểm dừng. Ông nói gì về điều này?
Transerco quản lý khoảng 5.000 lái, phụ xe. Lái xe khác hẳn các ngành khác. Họ tự làm chủ khi đang lưu thông trên đường, xe là do họ lái. Có những ý kiến về việc doanh nghiệp khoán chuyến lượt cho lái xe nhưng tôi khẳng định là không có chuyện đó. Transerco không khoán chuyến lượt cho bất cứ lái xe nào. Lái xe về sớm còn bị phạt, về chậm thì không. Tuy nhiên, lương của lái xe thì hưởng theo chuyến lượt thực hiện. Ùn tắc giao thông sẽ ảnh hưởng đến tuyến lượt của họ. Nếu đường thông hè thoáng, lái xe sẽ thực hiện được đúng, đủ tuyến lượt của mình, thu nhập của họ sẽ được cải thiện. Đây mới chính là bản chất của vấn đề.
- Bộ GTVT hiện đang vận động CBCNV trong ngành thường xuyên đi xe buýt và CBCNV Transerco sẽ đi xe buýt?
Bộ GTVT đã có công văn vận động CBCNV trong ngành đi xe buýt, Transerco cũng sẽ có những buổi quán triệt tinh thần, tư tưởng cho anh em, vận động anh em đi xe buýt. Tôi cho rằng đây cũng là thông điệp tới lái xe và phụ xe rằng cấp trên của họ cũng đi xe buýt, từ đó mà họ sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa công việc của mình.
- Xin cảm ơn ông!