Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo đánh giá, nhận định tình hình, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn và có phương án ứng phó kịp thời, tương ứng. Bí thư Thành ủy yêu cầu rà soát, chuẩn bị nâng cấp hệ thống điều trị ở tầng cao nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp hơn và kéo dài.
Nhiều bệnh viện hỗ trợ chăm sóc F0 nặng
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay số ca F0 ở Hà Nội tăng mạnh, có ngày hơn 32.000 ca. Đến hết ngày 8/3, Hà Nội có 659.898 bệnh nhân đang điều trị Covid-19. Trong đó có 654.335 người theo dõi, cách ly tại nhà (chiếm hơn 99%); 710 người cách ly tại cơ sở thu dung, điều trị của TP và các quận, huyện, thị xã; 4.853 người điều trị tại các bệnh viện (BV) tầng 2 - 3 của TP và 360 ca điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và BV Đại học Y Hà Nội.
Dù số ca dương tính mỗi ngày tăng lên hàng chục nghìn ca, nhưng số bệnh nhân nhập viện tăng không đáng kể, tương ứng số ca mức độ trung bình trở lên đều giảm nhẹ. Cụ thể, có hơn 3.800 ca mức độ trung bình (giảm 2,6% so với trung bình 7 ngày trước); 971 ca nặng, nguy kịch (giảm gần 3%), số ca thở HFNC hay thở máy không xâm lấn giảm mạnh 26%. Hà Nội có 8 ca Covid-19 tử vong ngày 8/3, nâng tổng số người tử vong do Covid-19 đến nay lên 1.204 người (tính từ ngày 27/4/2021 đến nay).
Hiện, 4 BV Đa khoa Thanh Nhàn, Đa khoa Đức Giang, Xanh Pôn, Hà Đông là tuyến đầu được Sở Y tế Hà Nội giao phụ trách điều trị và phối hợp các BV tuyến dưới chuyển tầng. Trong đó, Thanh Nhàn đang điều trị gần 350 F0, bao gồm 70% là bệnh nhân nặng, mỗi ngày trung bình tiếp nhận 20 ca; 250 giường ICU tầng 3 và 100 giường ICU tầng 2; Đức Giang đang điều trị hơn 400 bệnh nhân (150 bệnh nhân nặng); BV điều trị người bệnh Covid-19 Hà Nội điều trị khoảng 170 F0 nặng.
TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang cho biết, BV được Sở Y tế phân công điều trị F0 nặng trong gần 2 năm qua, kể từ khi dịch bùng phát. Trung bình mỗi ngày, BV tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân, có lúc lên đến 50, hầu hết là người cao tuổi, nhiều bệnh nền, chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều. Tổng số bệnh nhân đang điều trị khoảng 400 người, trong đó khoảng 40% là rất nặng.
Ngoài ra, BV còn phải điều trị các bệnh nhân hậu Covid-19, là trường hợp dù đã âm tính nhưng các triệu chứng còn dai dẳng như vẫn phải thở oxy, tổn thương phổi cần phục hồi chức năng, cần sự trợ giúp của bác sĩ. BV trang bị 250 giường hồi sức tích cực và 150 giường tầng 2. Trung bình mỗi ngày, khoảng 30 bệnh nhân xuất viện hoặc hạ tầng sớm (bệnh nhân chuyển biến tốt sẽ được cho về nhà tự cách ly, điều trị thay vì phải chờ đủ 10 ngày mới xuất viện như quy định của Bộ Y tế). Việc này để đảm bảo luôn có giường bệnh cho F0 mới nhập viện, cũng như giảm tải cho nhân viên y tế.
Cùng với đó, các BV khác như Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Hà Đông đang được giao nhiệm vụ tuyến đầu điều trị khoảng 1.200 F0 tầng 2, 3. Hơn 4.500 bệnh nhân khác đang điều trị tại BV điều trị người bệnh Covid-19 (quận Hoàng Mai), Đa khoa Đống Đa, Phổi Hà Nội, Bắc Thăng Long... Ngoài ra, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, Việt Đức cũng đang hỗ trợ TP chăm sóc F0 nặng.
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, tại Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện, thị xã, trong đó biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số mẫu phát hiện biến thể Omicron. Điều đáng nói, biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%.
Nâng cấp hệ thống điều trị tầng cao
Đề cập đến vấn đề này, TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, trong giai đoạn này TP đánh giá mức độ nguy cơ thông qua tỷ lệ bệnh nhân vào viện, chuyển nặng, tử vong; khả năng đáp ứng của hệ thống y tế ở các tuyến chứ không phải số ca nhiễm mỗi ngày.
Tính toán về khả năng đáp ứng thu dung bệnh nhân, Sở Y tế khẳng định vẫn đang ở trạng thái chủ động, không quá tải. Hiện TP đã mở toàn bộ giường điều trị cho bệnh nhân tầng 2, 3 ở tất cả BV, đồng thời làm việc với Bộ Y tế và BV trực thuộc các bộ, ngành, T.Ư để đề nghị hỗ trợ thu dung bệnh nhân. Kể cả với kịch bản số ca nhiễm tăng gấp đôi như hiện nay, TP cơ bản vẫn đáp ứng được. Ngoài khả năng thu dung của các BV trên, Sở Y tế sẽ huy động thêm một số BV tuyến huyện ngoại thành tại Gia Lâm, Thạch Thất, Chương Mỹ, Sơn Tây. Các BV này có thể dành một nửa cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, nửa còn lại điều trị các bệnh khác.
Trước khả năng ca nhiễm tiếp tục tăng cao trong những ngày tới, Hà Nội đã sẵn sàng tình huống 100 - 500 ca nặng/ngày. Các kế hoạch chống dịch tiếp tục bám sát kịch bản đáp ứng điều trị 100.000 ca nhiễm đã được TP đề ra từ nhiều tháng trước. Với kịch bản 40.000 ca nhiễm cần điều trị, các tầng 1, 2, 3 lần lượt tăng số giường lên 36.800, 2.400 và 800. Trường hợp ca nhiễm lên 100.000, TP chuẩn bị tổng cộng 92.000 giường ở tầng 1 (22.100 giường tại các cơ sở thu dung, điều trị và 69.900 giường tại các TYT lưu động thuộc quận, huyện, thị xã); 6.000 giường ở tầng 2 và 2.000 giường ở tầng 3.
“Để luôn có giường điều trị F0, Hà Nội đã áp dụng phương án hạ tầng điều trị, nghĩa là bệnh nhân chỉ cần qua giai đoạn nguy hiểm là có thể về nhà theo dõi tiếp. TP cũng đang huy động thêm lực lượng tình nguyện, bác sĩ đã nghỉ hưu, các cơ sở y tế ngoài công lập cùng tham gia, đảm bảo người dân được đáp ứng y tế sớm nhất, kịp thời chuyển tầng và hạn chế tối đa các ca chuyển nặng.
Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục rà soát bố trí thêm giường điều trị Covid-19 tại các BV. Trong đó, cần tập trung đảm bảo giường bệnh điều trị tầng 2, tầng 3 đáp ứng chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhằm giảm tỉ lệ bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng và giảm tỉ lệ tử vong…” - TS Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
"Các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập của TP Hà Nội, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội chủ động phối hợp với các BV Trung ương, tổ chức phân tuyến, phân tầng, phân luồng điều trị, bố trí giường bệnh thu dung điều trị Covid-19 hỗ trợ cho TP với các phương án, kịch bản cao. Ngành Y tế Hà Nội đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch trong các cơ sở điều trị người nhiễm Covid-19, đặc biệt quan tâm đến nhóm đối tượng nguy cơ cao, phụ nữ mang thai chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Trẻ em trên 3 tháng tuổi mắc Covid-19 sẽ được điều trị tại nhà (tầng 1), hoặc tại các cơ sở thu dung quận huyện; các em có bệnh nền không ổn định hoặc thể trạng béo phì, hoặc dưới 3 tháng tuổi sẽ được điều trị tại BV đa khoa; trẻ bị nặng được điều trị tại các BV tầng 3 gồm Thanh Nhàn, Hà Đông, Đức Giang, Xanh Pôn, Sơn Tây hoặc các BV T.Ư, bộ, ngành." - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - TS Trần Thị Nhị Hà