Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 2022: Bảo đảm khách quan, công bằng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022, Hà Nội phấn đấu đánh giá, phân hạng ít nhất 400 sản phẩm OCOP. Dù vậy, TP chủ trương không chạy theo số lượng, thay vào đó là kiểm soát chặt chẽ hồ sơ ngay từ ban đầu; thực hiện thẩm định bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, công bằng.

Các thành viên Hội đồng OCOP TP Hà Nội đánh giá sản phẩm tham gia phân hạng năm 2022. Ảnh: Lâm Nguyễn  
Các thành viên Hội đồng OCOP TP Hà Nội đánh giá sản phẩm tham gia phân hạng năm 2022. Ảnh: Lâm Nguyễn  

Phấn đấu có thêm 400 sản phẩm OCOP

Vừa qua, Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam (quận Hoàng Mai) đã đưa 3 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP gồm: Bún khô, phở khô và bánh đa nem. Đây là các sản phẩm có ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sấy lạnh.

Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam Trần Thị Thu Hằng cho biết, sản phẩm đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ được hương vị đặc trưng. Sản phẩm có thể bảo quản được trong thời gian dài. Thêm nữa, công ty liên kết với người trồng lúa ở xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) để có vùng nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất, hướng đến xuất khẩu.

Nhóm sản phẩm của Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam được Hội đồng OCOP Hà Nội đánh giá cao; đủ điều kiện để trình UBND TP Hà Nội phân hạng 4 sao. Đây cũng là một trong tổng số 97 sản phẩm được Hội đồng OCOP TP đánh giá, phân hạng đợt 2 năm 2022.

Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, kết thúc đợt đánh giá đầu tiên, đã có gần 100 sản phẩm đủ điều kiện trình UBND TP Hà Nội cấp từ 3 sao OCOP trở lên. Trong đợt 2 này, Hà Nội phấn đấu có thêm 200 sản phẩm được phân hạng.

“Mục tiêu cả năm 2022, toàn TP sẽ có thêm ít nhất 400 sản phẩm được đánh giá, cấp sao OCOP. Con số này hoàn toàn khả thi bởi đến nay, đã có 21 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đăng ký tổng số hơn 500 sản phẩm tham gia thẩm định, phân hạng…” - ông Nguyễn Văn Chí thông tin thêm.

Công khai, minh bạch trong thẩm định

Trong quá trình đánh giá, các thành viên Hội đồng OCOP Hà Nội đã bám sát những tiêu chí được quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg và Quyết định số 781/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Quy chế của Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP TP Hà Nội; thực hiện thẩm định các tiêu chí một cách khách quan, công bằng đối với tất cả sản phẩm.

Đại diện các sở, ngành như: Công Thương, KH&CN, Y tế, NN&PTNT, TN&MT… cũng đã tập trung nghiên cứu hồ sơ, xem xét kỹ các tiêu chí liên quan đến sở, ngành mình để tham gia ý kiến, góp ý bổ sung cho chủ thể những nội dung minh chứng còn thiếu, chưa đầy đủ. Đặc biệt, không có sản phẩm nào được phép nợ tiêu chí.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Kim Lữ cho biết, trong đợt này, địa phương có tổng số 21 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP. Kết quả thẩm định vừa qua, 21/21 sản phẩm của huyện đều đủ điều kiện để Hội đồng OCOP Hà Nội trình cấp có thẩm quyền cấp từ 3 sao trở lên.

“Ngay từ đầu năm 2022, địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động các chủ thể quan tâm, nâng cấp sản phẩm để tham gia Chương trình OCOP. Công tác đánh giá tại cấp huyện cũng được thực hiện nghiêm túc, bám sát các tiêu chí theo quy định. Do đó điểm số của các sản phẩm không chênh quá nhiều so với đánh giá của Hội đồng OCOP Hà Nội…” - ông Nguyễn Kim Lữ cho biết thêm.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng OCOP Hà Nội Chu Phú Mỹ, năm 2022, TP ưu tiên phát triển nhóm sản phẩm sơ chế và chế biến sâu, hàng thủ công mỹ nghệ. Trên tinh thần chung là phát triển sản phẩm OCOP không chạy số lượng, TP đã kiểm soát chặt chẽ hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng ngay từ ban đầu. Thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các chủ thể, kịp thời chấn chỉnh những sai sót để sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh, có uy tín trên thị trường.

 

Vừa qua, TP tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận. Kết quả cho thấy hồ sơ minh chứng sản phẩm được các chủ thể thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, một số chủ thể vẫn còn lỗi về sử dụng tem nhãn, bao bì sản phẩm in chưa đúng, in đủ thông tin; hồ sơ minh chứng sản phẩm một số đã hết thời hạn chưa cập nhật mới. Đoàn liên ngành đã nhắc nhở để các chủ thể kịp thời khắc phục...

Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí