Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đạt giải Nhất Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Từ Hội giảng này, phong trào thi đua dạy tốt trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tiếp tục có những chuyển biến tích cực và vững chắc hơn” - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Tối 21/9, Lễ bế mạc Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2018 đã diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội). Đến dự có Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao Bằng khen và hoa cho các nhà giáo đạt giải cao tại Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2018

Tại lễ bế mạc, TS Trương Anh Dũng - Trưởng Ban tổ chức Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc 2018 cho biết, 56 tỉnh, TP tham gia Hội giảng năm nay đã mang tới 373 bài giảng của 90 nghề, tập trung chủ yếu vào các nghề phổ biến, có nhu cầu nhân lực lớn vừa có khả năng đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH và hội nhập quốc tế vừa phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại.

Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, nhiều thầy cô giáo đã nắm vững kiến thức chuyên môn và tỏa sáng “nghệ thuật” sư phạm, thông qua việc kết hợp nhuần nhuyễn phương pháp dạy học truyền thống với các phương pháp dạy học mới, hiện đại tạo nên môi trường học tập tích cực, sinh động, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học.

Nhiều bài giảng đã thành công trong việc áp dụng công nghệ mới; ứng dụng thành thạo, hiệu quả CNTT, các phần mềm mô phỏng vào việc minh họa các kỹ năng khó, đòi hỏi tiêu chuẩn, độ chính xác cao tạo nên sức hấp dẫn đối với người học, nâng cao hiệu quả giờ giảng, giúp cho người học tiếp thu dễ dàng.

“Hội giảng đã thành công tốt đẹp. Chỉ sau 6 ngày ngắn ngủi (15-21/9) nhưng Hội giảng thực sự là ngày hội lớn, nơi đua tài của những tài năng sư phạm, kỹ năng nghề đỉnh cao của nhà giáo” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý trao Bằng khen và hoa cho các nhà giáo đạt giải cao tại Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2018.
Gửi lời chúng mừng tới các nhà giáo đạt giải, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, Hội giảng các cấp và đặc biệt là Hội giảng toàn quốc là hoạt động chuyên môn có tính phong trào rộng rãi góp phần thúc đẩy phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”. Đồng thời, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý các cấp và đội ngũ nhà giáo trong việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Người đứng đầu ngành LĐTB&XH cũng thông báo, mới đây, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 10 quy định mã số chức danh nghề nghiệp. Như vậy, sau nhiều năm, nhà giáo GDNN đã có mã số và tiêu chuẩn chức danh riêng. Đây là một trong những giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách.
Bộ trưởng Dung cũng cho biết, nhiệm vụ của GDNN trong thời gian tới rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự tham gia, vào cuộc tích cực hơn nữa của cả hệ thống chính trị, DN, người dân nhằm đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là kỹ thuật trình độ cao. Hệ thống GDNN cần tập trung hơn nữa, mở rộng quy mô, cơ cấu ngành nghề hợp lý. Đặc biệt là nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo về cơ cấu và chất lượng…. Đồng thời, tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo theo hướng thiết thực, hiện quả trên cơ sở bám sát và đáp ứng yêu cầu của DN, của thị trường lao động cả trong và ngoài nước.
Đặc biệt, chú trọng hơn nữa giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; ứng dụng rộng rãi CNTT vào công tác quản lý và đào tạo, đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Đi đôi với đó là phải làm tốt công tác dự báo nhu cầu, điều chỉnh cơ cấu đào tạo nhân lực và làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp để làm cơ sở cho đào tạo nghề nghiệp phát triển.
Vì thế, Bộ trưởng Dung mong muốn, qua mỗi kỳ hội giảng, cơ quan quản lý nhà nước về GDNN sẽ có những đánh giá đúng đắn về chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN… Các cấp quản lý cần tổ chức xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Đặc biệt, từ Hội giảng này, phong trào thi đua dạy tốt trong các cơ sở GDNN tiếp tục có những chuyển biến tích cực và vững chắc hơn… Ban tổ chức Hội giảng tiếp tục phát huy, nhân rộng những kết quả tích cực để góp phần thiết thực vào việc đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN.

Đoàn TP Hà Nội có 6 nhà giáo đạt giải nhất

Tại lễ bế mạc, Ban tổ chức đã đã trao giải cho 1 nhà giáo có bài giảng điển hình về ứng dụng CNTT có hiệu quả, 1 nhà giáo có bài giảng về sử dụng thiết bị GDNN tự làm hiệu quả nhất; 15 nhà giáo trẻ tuổi nhất có bài giảng tỏa sáng về kỹ năng nghề và phương pháp sư phạm. 

Hội giảng lần này có 256 nhà giáo đạt giải khuyến khích, 48 nhà giáo đạt giải ba, 32 nhà giáo đạt giải nhì, đặc biệt có 16 nhà giáo đạt giải nhất và 7 tỉnh, TP đạt giải nhất, nhì, ba toàn đoàn. Cụ thể, đoàn TP Hà Nội đạt giải nhất toàn đoàn với 6 giải nhất cá nhân; đoàn TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng đạt giải nhì; đoàn Nam Định, Bắc Ninh Lai Châu, Nghệ An đạt giải ba.