Khẳng định tính ưu Việt của chương trình
Từ năm 2017- 2018, ngành GD&ĐT Hà Nội đã thí điểm đào tạo chương trình song bằng THPT quốc gia Việt Nam và A-level của Anh quốc tại trường THPT Chu Văn An. Trong năm học 2018- 2019, TP tiếp tục có 6 trường THCS và 1 trường THPT công lập triển khai chương trình song bằng, đó là: THPT chuyên Hà Nội (ở cả hai khối THCS và THPT), 6 trường THCS: Chu Văn An- Tây Hồ, Trưng Vương- Hoàn Kiếm, Ngô Sỹ Liên- Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nghĩa Tân. Đến nay, cả trường THPT Chu Văn An và THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam đã nhận mã số là trường thành viên Cambridge.
Theo lộ trình của Đề án, từ năm học 2021-2022, Hà Nội không tuyển mới học sinh lớp 6 chương trình đào tạo song bằng IGCSE tại các trường THCS tham gia Đề án thí điểm đào tạo song bằng. Hiện tại, Đề án thí điểm đào tạo song bằng tại cấp THCS còn 2 khóa học sinh và năm học 2023 - 2024 sẽ hết giai đoạn thứ nhất thí điểm của Đề án tại 2 trường THPT.
Qua giai đoạn triển khai thí điểm tại 2 trường THPT, Đề án thí điểm đã dần đi vào ổn định và khởi sắc với những kết quả đáng khích lệ. Học sinh tham gia Đề án được đánh giá cao về mặt bằng chung kiến thức, Tiếng Anh vượt trội, có năng lực tư duy và kĩ năng tốt, đáp ứng các yêu cầu của chương trình quốc tế Cambridge.
100% học sinh các khóa học của Đề án đã và đang theo học đều có kết quả học lực Giỏi và hạnh kiểm Tốt. Tham gia các kỳ thi, học sinh của Đề án chiếm tỷ lệ cao đạt được điểm A* và A, cao hơn tỷ lệ trung bình trên toàn thế giới. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, học sinh đều có kỹ năng xã hội tốt, năng động và thành thạo ngoại ngữ, tin học; 100% học sinh hệ song bằng khóa I, II, III đã tốt nghiệp THPT theo đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng và nhận học bổng từ các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước.
Công tác đầu tư về cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ giáo viên dạy chương trình tích hợp của Đề án qua 5 năm triển khai thực hiện đã dần đáp ứng yêu triển khai Đề án trong các năm học tiếp theo.
Mong muốn tiếp tục thực hiện đề án
Qua thực tế cho thấy công tác đào tạo chương trình song bằng tại 2 trường THPT đã và đang gặp một số khó khăn: Giáo viên cơ hữu của các nhà trường tham gia trợ giảng là đội ngũ có chuyên môn nhưng chưa được học lấy chứng chỉ về phương pháp giảng dạy của hệ thống Cambridge nên chưa được trực tiếp giảng dạy; thiếu giáo viên dạy chương trình Việt Nam tại các lớp song bằng và chưa có định biên cho đối tượng này.
Việc tuyển chọn được những giáo viên nước ngoài đáp ứng yêu cầu pháp lý và yêu cầu chuyên môn của chương trình rất khó khăn; Đội ngũ quản lý, điều phối và giáo viên dạy chương trình Việt Nam đang trong quá trình tích luỹ kinh nghiệm, học hỏi và còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác trong nhà trường nên chưa có quỹ thời gian tập trung cho chương trình, các thành viên của Ban Đề án là các cán bộ của nhà trường.
Về Chương trình giảng dạy, do học đồng thời 2 chương trình nên lịch học trong tuần của học sinh khá dày, khối lượng kiến thức lớn khiến học sinh thiếu thời gian cho các hoạt động ngoại khóa, chưa sắp xếp được thời gian để phát triển thêm về thể chất, năng lực nghệ thuật và phát triển một số kĩ năng khác.
Ở cấp THPT, môn Kinh tế/Kinh doanh là một môn mới nên kết quả thấp hơn các môn Khoa học tự nhiên do học sinh chưa được tiếp cận từ bậc học THCS. Chương trình học của hệ Cambridge và chương trình Việt Nam giữa các trường công lập và trường ngoài công lập có sự khác biệt nhiều, học sinh trường công lập còn chịu nhiều áp lực.
Về tuyển sinh, năm học 2021 - 2022, do chỉ tiêu tuyển sinh của chương trình Song bằng tại 2 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam và THPT Chu Văn An không mở rộng trong khi nguyện vọng được tiếp tục theo học chương trình Song bằng của học sinh THCS rất lớn (cụ thể 100/350 học sinh ở 7 trường THCS trên địa bàn Hà Nội); thông tin về các kỳ thi tuyển sinh song bằng cấp THPT còn chậm trễ khiến cha mẹ học sinh và học sinh có nhiều băn khoăn, lo lắng; mặt khác, cơ sở vật chất các trường đều chưa đạt chuẩn CAIE, công tác tài chính cũng còn nhiều bất cập...
Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT đề xuất UBND TP tổ chức nghiệm thu, tổng kết, đánh giá Đề án nhằm ghi nhận kết quả đã đạt được, tiếp tục phê duyệt thực hiện đề án tại 2 trường THPT Chu Văn An và THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam; Xem xét, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho những hạng mục về nhân sự, chương trình giảng dạy, tuyển sinh, tài chính cho chương trình này.
Trước mắt, Sở GD&ĐT sẽ hướng dẫn các trường làm các bước thủ tục xin phép các cấp thẩm quyền thông qua việc tiếp tục triển khai Đề án thí điểm ở cấp THPT trong giai đoạn tiếp theo để đảm bảo việc học tập của cấp THCS ở 2 khóa cuối của hệ song bằng giai đoạn 1.
Hội nghị được nghe nhiều ý kiến tham luận của các nhà trường, thầy cô, phụ huynh, học sinh đang theo học chương trình song bằng, qua đó đều nêu lên những điểm ưu việt của chương trình cũng như bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục thực hiện.
Khẳng định đây là mô hình tốt, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của Nhân dân và kết quả thực hiện giai đoạn 1 rất khả thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khuyến khích Hà Nội tiếp tục triển khai Đề án trong thời gian tới; đồng thời lưu ý Sở GD&ĐT cần nhanh chóng rà soát toàn bộ chương trình, nhất là khi áp dụng chương trình GDPT mới; hoàn thiện đánh giá toàn diện, làm rõ minh chứng về kết quả thực hiện chương trình để xin ý kiến HĐND, UBND TP và nếu tiếp tục được thực hiện thì cần chú trọng công tác bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng yêu cầu chương trình.
Kết luận tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Giai đoạn thực hiện thí điểm của Đề án đã thành công tốt đẹp, thể hiện sự cố gắng của Ban chỉ đạo Đề án, đội ngũ giáo viên, học sinh tham gia chương trình nhưng hơn cả là sự đầu tư, quan tâm sát sao của TP và những đường hướng chỉ đạo kịp thời của Bộ GD&ĐT. Kết quả này là tiền đề để Sở GD&ĐT tiếp tục đề xuất triển khai chương trình trong giai đoạn mới nhằm đáp ứng mong mỏi của đông đảo học sinh, phụ huynh và các nhà trường.