Hà Nội - điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập với môi trường kinh tế thế giới, tìm ra những giải pháp thích hợp trong giai đoạn này để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là rất cần thiết.

Thời gian qua, Hà Nội đã chủ động, không ngừng nỗ lực hơn nữa trong thu hút đầu tư.

Triển vọng trong thu hút FDI

Năm 2016, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. TP đã thu hút được 445 dự án FDI mới với số vốn đăng ký hơn 3 tỷ USD, tăng 46,4% về số dự án và tăng 164% về vốn đăng ký so với năm 2015. Theo số liệu của Sở KH&ĐT Hà Nội, trong tháng 1/2017 vừa qua, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn bổ sung trên địa bàn đạt 365,9 triệu USD. Trong đó có một số dự án ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với định hướng phát triển chiến lược của TP. Cũng trong tháng 1, Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN cho 1.414 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 13.151 tỷ đồng, nâng tổng số DN trên địa bàn TP lên 209.537 DN, đứng thứ hai cả nước.

Lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty Canon Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long.  Ảnh: Thanh Hải

Những kết quả thu hút đầu tư mà Hà Nội có được là hội tụ những điều kiện và nỗ lực của TP. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ hành chính, dịch vụ công có nhiều chuyển biến. Thực tế, nhiều năm qua, Hà Nội luôn chủ động tổ chức các sự kiện, đối thoại với các nhà đầu tư, tìm hiểu vướng mắc và đáp ứng kịp thời yêu cầu chính đáng của DN FDI, đồng hành cùng DN. Xây dựng chính sách ưu đãi trong lĩnh vực thuế, tín dụng; tạo điều kiện, ưu tiên giải quyết nhanh nhất về thủ tục đối với dự án trọng điểm, cấp bách… là những biện pháp mà Hà Nội đã đẩy mạnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư.

Nỗ lực “hút” dự án FDI sạch

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, việc thu hút đầu tư của Hà Nội sẽ tác động mạnh tới kinh tế - xã hội của Thủ đô trong thời gian tới nên lãnh đạo cũng như các sở, ngành TP rất quan tâm. Sắp tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh hợp tác, tìm kiếm đối tác phát triển và kết hợp hài hòa giữa thu hút nguồn nội lực với vốn FDI. Tất cả nhằm thể hiện quyết tâm hội nhập, hấp dẫn đầu tư; xứng đáng là trung tâm khởi nghiệp thành công của cả nước…

Định hướng thu hút đầu tư trong năm 2017 cũng như thời gian tới, Giám đốc Sở KT&ĐT Hà Nội Nguyễn Văn Tứ cho biết, tinh thần xuyên suốt của Hà Nội là cam kết đổi mới trong kêu gọi đầu tư vào TP. Cụ thể, công tác xúc tiến đầu tư được triển khai đồng bộ với sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành của TP, thường xuyên đổi mới về nội dung và phương thức vận động, xúc tiến đầu tư; Hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng. Về nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển các dịch vụ hiện đại, nhanh chóng xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề, đặc biệt là những ngành nghề mà nhiều DN FDI có nhu cầu. Về đối tác đầu tư, Hà Nội tiếp tục giao Sở KT&ĐT phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và xây dựng các đề án định hướng xúc tiến đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 theo quốc gia đối tác chiến lược, bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga và EU, hoặc theo ngành, lĩnh vực, sản phẩm TP có nhu cầu và ưu tiên đầu tư thu hút như: Môi trường (xử lý rác thải, các giải pháp môi trường), phát triển đô thị bền vững (cấp thoát nước, giao thông, phát triển đô thị, trung tâm thương mại…), công nghiệp, nông nghiệp chế biến, công nghệ cao, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

“Các tập đoàn đa quốc gia, với các dự án lớn, công nghệ cao và có chuyển giao công nghệ sẽ là ưu tiên hàng đầu” - ông Tứ khẳng định. Việc lựa chọn đối tác FDI được Hà Nội đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chiến lược thu hút FDI nói riêng.

Để hội nhập tốt, Hà Nội cần nỗ lực hơn nữa, nhất là trong đẩy mạnh cổ phần hóa và xã hội hóa, chuyển giao các dịch vụ công cho DN, thay đổi tư duy, lối làm việc của từng cán bộ cơ sở. Hà Nội đang thực hiện đổi mới toàn diện và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI

Vũ Tiến Lộc


Trong thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục các giải pháp về nguồn vốn đầu tư, bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó cần tiếp tục đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại hơn; lắng nghe và giải quyết kịp thời khó khăn và vướng mắc của DN và nhà đầu tư...

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam  Taiji Yanai