Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Điểm sáng thu ngân sách

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội đạt trên 332.000 tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2021.

Đáng chú ý, cơ cấu thu tiếp tục chuyển dịch theo hướng bền vững, nâng tỷ lệ thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và giảm dần các khoản thu liên quan đến tài nguyên, đất đai.

Doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Đại dịch Covid-19 đã gây xáo trộn và tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Trong bối cảnh đó, TP Hà Nội và các sở, ban, ngành luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, người nộp thuế. Điều này đã giúp người lao động ổn định việc làm, giữ và tăng thu nhập, góp phần vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô.

Ông Mạc Quốc Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ Hà Nội cho biết, các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ và TP trong giai đoạn phục hồi kinh tế được các DN đánh giá cao, nhất là các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất, gia hạn, giảm thuế phí, tiền thuê đất, tiền điện…

“Một số chính sách như gia hạn đóng thuế TNDN, GTGT nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Có thể nói, các chính sách này đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng DN, nhất là khối DN vừa và nhỏ” - ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Năm 2022, TP Hà Nội đã triển khai kịp thời các gói hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo đó, TP đã thực hiện hỗ trợ cho hơn 2,6 triệu lượt đối tượng với kinh phí gần 2.660 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 183.000 lao động, vượt 14,3% kế hoạch; hỗ trợ trên 1.400 hộ thoát nghèo.

Thực hiện giảm thuế GTGT cho trên 72.000 DN, cơ sở kinh doanh với tổng số tiền trên 13.000 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho gần 19.000 DN, cơ sở kinh doanh với tổng số tiền gần 12.000 tỷ đồng… Riêng số thu qua cơ quan thuế Hà Nội, năm 2022, ước thực hiện 303.989 tỷ đồng, đạt 107,9% dự toán, tăng 2,4% so với thực hiện năm 2021.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải ghi nhận những nỗ lực của cơ quan thu ngân sách và cộng đồng DN trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được giao. Thu ngân sách, đặc biệt là các nguồn thu bền vững tăng cao.

Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, cộng đồng DN, người nộp thuế đánh giá cao cách thức triển khai thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, nuôi dưỡng nguồn thu của Cục Thuế, Cục Hải quan Hà Nội. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan của Hà Nội dẫn đầu trong cải cách, hiện đại hóa và chuyển đổi số.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải đề nghị, cơ quan thuế cần xây dựng để triển khai các nhiệm vụ năm 2023 hiệu quả, đặc biệt là thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; nuôi dưỡng nguồn thu; bảo đảm rà soát triển khai mở rộng cơ sở thuế.

Cơ quan thuế cũng yêu cầu cơ quan thuế cần phối hợp tốt hơn nữa với các cơ quan liên quan trong triển khai các nhiệm vụ. Ví dụ, công tác thu nợ hiện nợ tiền sử dụng đất vẫn lớn. Dù có cố gắng, tuy nhiên, một số cơ quan như Sở KH&ĐT và Sở TN&MT vẫn chưa thực sự tốt.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách của T.Ư và TP, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, người nộp thuế. Thực hiện có hiệu quả lộ trình đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới chuyển đổi số ngành Thuế Thủ đô.

Với mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ năm 2023, Cục Thuế Hà Nội sẽ tập trung vào các giải pháp. Đầu tiên là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, người nộp thuế, tăng cường giải quyết thủ tục hành chính cho người nộp thuế, truyền tải đầy đủ, kịp thời các gói chính sách hỗ trợ về thuế tới người nộp thuế.

Giải pháp kiểm soát, bao quát đầy đủ nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn cơ sở thuế, nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu ngân sách. Giải pháp tăng cường chuyển đổi số, hiện đại hóa trong các khâu, quy trình quản lý thuế.

Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, quản trị dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu về hóa đơn để hỗ trợ triển khai nhiệm vụ các bộ phận của cơ quan thuế. Xác định các nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn trong quản lý thuế (đặc biệt, là trong công tác thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế... tại các bộ phận chức năng thường xuyên tiếp xúc với DN, người nộp thuế) để có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm của cán bộ, công chức.