Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội dừng hoạt động 5 tuyến buýt: khách đổi lộ trình, không gây xáo trộn

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội dừng hoạt động các tuyến buýt số 10, 14, 18, 44, 145. Nhiều hành khách đã lựa chọn cho mình tuyến xe buýt khác để di chuyển thuận lợi, nhanh chóng hơn.

Dừng hoạt động nhiều tuyến buýt

Từ ngày 1/4, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội dừng hoạt động các tuyến buýt số 10, 14, 18, 44, 145. Các tuyến buýt này phục vụ hành khách theo lộ trình: Tuyến buýt số 14 Bờ Hồ - Cổ Nhuế; Tuyến buýt số 18 Đại học Kinh tế Quốc dân - Long Biên - Đại học Kinh tế Quốc dân; Tuyến buýt số 44 Trần Khánh Dư - Bến xe Mỹ Đình; Tuyến buýt số 145: Trung tâm thương mại Big C Thăng Long - Công viên nước Hồ Tây.

Theo đánh giá của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, đây là những tuyến xe buýt có mức trợ giá cao, hoạt động không hiệu quả. Việc tạm dừng những tuyến xe buýt không đạt hiệu quả cao trong quá trình vận hành giúp tiết kiệm ngân sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Để không ảnh hưởng nhiều tới đi lại của hành khách, đơn vị này cũng sẽ điều chỉnh các tuyến buýt có lộ trình gần tương tự với tuyến dừng hoạt động để việc đi lại của người dân ít bị ảnh hưởng nhất.

Hành khách sử dụng tuyến xe buýt 35A thay thế cho xe buýt số 44 dừng hoạt động.
Hành khách sử dụng tuyến xe buýt 35A thay thế cho xe buýt số 44 dừng hoạt động.

Để đảm bảo ổn định nhu cầu đi lại bằng xe buýt của hành khách sau khi 5 tuyến buýt trên dừng hoạt động, Sở Giao thông vận tải tổ chức lại, điều chỉnh lộ trình, tần suất, dịch vụ một số tuyến buýt trên mạng lưới.

Lộ trình tuyến buýt số 42 đến Trung Mầu (Gia Lâm) sẽ được thay đổi để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách tuyến 10B trước đây. Bên cạnh đó, tuyến này sẽ được điều chỉnh tăng tần suất dịch vụ tuyến 54 từ 15 phút/lượt lên 10-15 phút/lượt. Đồng thời, lộ trình tuyến buýt số 42 cũng được thay đổi để việc đi lại của hành khách không bị xáo trộn. Hành khách đi lại thường xuyên trên tuyến xe buýt 10A có thể lựa chọn tuyến buýt số 54 để thay thế.

Hành khách thường xuyên di chuyển trên tuyến xe buýt số 14 từ Cổ Nhuế tới Bờ Hồ có thể di chuyển tới điểm dừng trên đường Hoàng Tăng Bí sau đó đi chuyển trên tuyến 28 đến Đại học Mỏ và chuyển sang tuyến 09A để đến Bờ Hồ.

Sau khi tuyến xe buýt số 18 dừng hoạt động, hành khách có thể di chuyển theo tuyến 08A và 47B. Đối với tuyến 44 sau khi dừng hoạt động, hành khách có thể chọn di chuyển trên tuyến 35A đối với chiều từ Trần Khánh Dư đến bến xe Mỹ Đình và đi tuyến 21B, 103A, 103B, 29, 39, 157, 30, 22B, 87, 88, E01 để đến ngã tư Phạm Hùng – Đình Thôn sau đó di chuyển bằng tuyến 35A. Sau khi tuyến xe buýt 145 dừng hoạt động, hành khách cũng có thể lựa chọn các tuyến 60A.

Tuyến xe buýt 60A có lộ trình gần giống với tuyến xe buýt 145. 
Tuyến xe buýt 60A có lộ trình gần giống với tuyến xe buýt 145. 

Bên cạnh đó, hành khách có thể sử dụng các tuyến buýt khác trong mạng lưới xe buýt để kết nối, trung chuyển phục vụ cho chuyến đi của mình sao cho phù hợp và thuận tiện nhất.

Lựa chọn đi tuyến khác

Cùng với việc cho dừng hoạt động đối với một số tuyến xe buýt hoạt động không hiệu quả, thời gian qua, Hà Nội cũng đã điều chỉnh hợp lý hóa lộ trình 78 tuyến xe buýt. Trong đó hợp lý hóa lộ trình 18 tuyến; điều chỉnh lộ trình, dịch vụ 27 tuyến; điều chỉnh tần suất dịch vụ 8 tuyến; điều chỉnh thời gian biểu chạy xe 25 tuyến.

Ghi nhận trong buổi sáng đầu tiên 5 tuyến xe buýt dừng hoạt động, một số người dân chưa nắm được thông tin còn đứng chờ xe. Tuy nhiên, hoạt động xe buýt cũng như việc đi lại của người dân không bị xáo trộn quá nhiều. Đa số người dân đi lại thường xuyên bằng xe buýt đã chọn cho mình được tuyến xe thay thế cũng như điều chỉnh lộ trình sao cho phù hợp.

Trên các tuyến xe buýt, hành khách đông đúc vào giờ cao điểm.
Trên các tuyến xe buýt, hành khách đông đúc vào giờ cao điểm.

Chị Nguyễn Thị Hà trú tại quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: “Nhận được thông tin bỏ tuyến xe buýt 14, tôi đã chủ động di chuyển sang tuyến buýt sô 28. Quá trình di chuyển khá thuận lợi, tôi đến công ty làm việc cũng sớm hơn mọi khi 15 phút do lộ trình xe 28 di chuyển thuận lợi, nhanh chóng hơn”.

Anh Lê Việt Hưng sinh viên trường đại học Kinh tế Quốc dân sáng nay đã đổi sang di chuyển trên tuyến xe buýt 08A để đi học. Theo anh Hưng, tuyến buýt 08A và 18 có lộ trình tương đối giống nhau nên việc di chuyển không gặp khó khăn gì.

Ông Lê Trung Tiến trú tại quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “Sáng nay tôi đến đợi tuyến xe buýt số 44 rất lâu. Nhiều người dân nói với tôi là tuyến này đã dừng hoạt động nên tôi đã đổi sang tuyến khác. Đây là tuyến xe buýt đã gắn bó với tôi nhiều năm liên, việc dừng hoạt động tuyến xe này ít nhiều ảnh hưởng đến việc đi lại của người cao tuổi như chúng tôi”.

Đã tìm được cho mình tuyến xe buýt để thay thế, tuy nhiên ông Tiến mong rằng, Hà Nội cần có những điều chỉnh lộ trình cũng như các tuyến xe buýt khác sao cho phù hợp, tiện lợi nhất cho người dân.

 

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, việc Hà Nội bỏ một số tuyến buýt hoạt động không hiệu quả là cách làm mới, đột phá trong việc nâng cao chất lượng xe buýt. TP Hà Nội cũng cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng, cụ thể hơn nữa đối với mạng lưới xe buýt toàn địa bàn. Có tuyến cần kéo dài ra, có tuyến cần thu ngắn lại, giảm tần suất.. để tiết kiệm chi phí, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách trợ giá, đặc biệt là cung cấp cho hành khách dịch vụ tốt nhất cũng như tạo điều kiện tối đa cho lái phụ xe buýt giảm áp lực, làm việc hiệu quả hơn.