Hà Nội ghi nhận thêm 33 ổ dịch với 1.715 ca mắc sốt xuất huyết

Thanh Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tuần qua (từ ngày 24/11 đến ngày 1/12) toàn TP ghi nhận 1.715 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Số mắc giảm so với tuần trước (2.237/0).

Các địa phương có nhiều bệnh nhân trong tuần, bao gồm: Hà Đông (180 ca), Đống Đa (170 ca), Thanh Oai (161 ca), Phú Xuyên (134 ca), Hoàng Mai (109 ca).

Trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 33 ổ dịch tại 13 quận, huyện, thị xã; giảm so với tuần trước (49 ổ dịch), gồm: Đống Đa (6 ổ dịch); Hoàng Mai, Hà Đông (4); Thanh Oai, Ba Đình, Hai Bà Trưng (3); Sơn Tây, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm (2); Thường Tín, Thanh Trì, Ba Vì, Sóc Sơn (1).

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 37.441 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 4 ca tử vong; số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022 (15.721/21).

Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn. Các địa phương có nhiều bệnh nhân là: Hà Đông (2.778 ca), Thanh Oai (2.461 ca), Hoàng Mai (2.403 ca), Phú Xuyên (2.335 ca), Đống Đa (2.223 ca), Thanh Trì (1.900 ca).

Sơn Tây phun hóa chất diện rộng diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết.
Sơn Tây phun hóa chất diện rộng diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.923 ổ dịch, hiện còn 88 ổ dịch đang hoạt động tại 19 quận, huyện, thị xã.

Trong đó, một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Thanh Oai (thôn Đống, Cao Viên 148 ổ dịch; Đồng Tâm, Kim Thư 41 ổ dịch; Trường Xuân, Xuân Dương 17 ổ dịch); Phú Xuyên (Lưu Đông, Phú Túc 17 ổ dịch); Hà Đông (Phượng Bãi, Biên Giang 93 ổ dịch); Hàng Bột, Đống Đa 18 ổ dịch.

Về kết quả giám sát tuýp virus Dengue lưu hành năm 2023 ghi nhận 14 mẫu dương tính DEN1, 17 mẫu dương tính DEN2, 1 mẫu dương tính DEN3.

Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tại các ổ dịch: Hà Đông, Phú Xuyên…. Tổ chức điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch được ghi nhận trong tuần, không để dịch bùng phát rộng.

Ngoài ra, tuần qua, trên địa bàn TP cũng đã ghi nhận thêm một bệnh nhân mắc uốn ván, nâng số mắc từ đầu năm 2023 đến nay là 25 trường hợp (tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022 (10/0)), trong đó 3 trường hợp đã tử vong.

Đó là bệnh nhân là nam, 66 tuổi, địa chỉ tại Ba Vì. Ngày 12/11, bệnh nhân bị vết thương ở ngón cái của chân phải và không tiêm phòng uốn ván. Đến ngày 14/11, bệnh nhân xuất hiện cứng hàm, được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và được chẩn đoán mắc uốn ván. Bệnh nhân đang được các bác sĩ của bệnh viện điều trị tích cực.

Theo các chuyên gia y tế, uốn ván là một loại bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao. Đây là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani phát triển tại vết thương gây ra. Tuy vậy, bệnh có thể phòng ngừa được bằng việc tiêm vaccine đầy đủ, trong đó quan trọng nhất là tiêm phòng chủ động, trước khi bị vết thương.

Với người lớn dự phòng chủ động bằng cách tiêm liều cơ bản gồm 3 liều, 2 liều đầu cách nhau ít nhất 1 tháng và tiêm nhắc lại sau liều thứ hai từ 6-12 tháng, sau đó tiêm nhắc lại mỗi 10 năm.

Khi đã tiêm đủ 3 liều cơ bản từ 5 đến 10 năm, nếu bị vết thương lớn và có nguy cơ bị uốn ván thì cần tiêm nhắc lại 1 liều vaccine.

Nếu khoảng cách từ liều tiêm nhắc lần cuối cùng đã quá 10 năm thì phải tiêm nhắc lại 1 liều vaccine kể cả với vết thương nhỏ, sạch. Với các vết thương lớn và có nguy cơ bị uốn ván cần tiêm bổ sung 1 liều vaccine kết hợp với huyết thanh kháng độc tố uốn ván (SAT).