Để giải bài toán này, nhiều ý kiến cho rằng TP Hà Nội cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cả trước mắt lẫn lâu dài, nhất là căn cơ từ phương án quy hoạch và thực hiện quy hoạch.
Trường lớp chưa đi đôi tốc độ tăng dân số
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương thông tin, vào năm 2012, UBND TP đã ban hành hai quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
Triển khai các quy hoạch này, những năm qua, Hà Nội đã tập trung quan tâm đầu tư cải tạo nâng trường chuẩn quốc gia, xây dựng thêm nhiều trường mới, dành chỗ học cho các em học sinh. Đến thời điểm này, TP đã đầu tư cải tạo, xây dựng được 1.362 dự án trường học, trong đó có 1.017 trường công lập và 45 trường ngoài công lập, vượt so với chỉ tiêu đề ra là 676 trường.
Theo thống kê đến năm học 2022 - 2023 toàn TP Hà Nội có 2.845 trường gồm 1147 trường mầm non, 788 trường tiểu học, 673 trường THCS và 237 trường THPT.
Mặc dù số lượng trường, lớp tăng lên đáng kể nhưng lãnh đạo ngành Giáo dục Thủ đô cũng nhìn nhận thực tế phát triển mạng lưới trường học theo quy hoạch không bắt kịp so với tốc độ gia tăng dân số.
Hiện nay, tăng dân số cơ học của Hà Nội rất nhanh, bình quân mỗi năm tăng từ 50.000 - 60.000 học sinh, tương ứng với việc cần phải xây mới từ 30 - 35 trường học mới đáp ứng đủ nhu cầu.
Do đó vẫn còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp cục bộ tại một số quận, huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh hoặc những nơi không còn quỹ đất để mở rộng như tại 4 quận nội đô lịch sử.
Các chỉ tiêu (số lớp/trường, số học sinh/lớp) ở một số phường, xã, quận nội đô và huyện đang phát triển đều không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định.
“Theo quy chuẩn chung là 45 lớp/trường nhưng tại Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) đã lên đến 73 lớp, do vậy tới đây trường phải tách làm hai” - ông Trần Thế Cương nêu ví dụ.
Hoàng Mai là quận đông dân nhất TP - khoảng 700.000 người, trong đó hơn 100.000 cháu trong độ tuổi đi học, mỗi năm trung bình tăng cơ học khoảng 4.000 cháu. Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, trong những năm qua, công tác tuyển sinh đầu cấp gặp nhiều khó khăn, bất cập. Có năm phải thực hiện bốc thăm cho các cháu mầm non.
Trong 3 năm qua, quận đã triển khai xây dựng mới được 23 trường học, tăng cường cải tạo sửa chữa 25 trường học để tăng số lượng lớp học. Khuyến khích phát triển các trường ngoài công lập, giúp giảm tải trường công lập trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay, quận Hoàng Mai vẫn thiếu 43 trường học.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, cơ sở trường lớp chưa đáp ứng tốc độ tăng dân số bên cạnh việc quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở giáo dục chưa được thực hiện đầy đủ thì còn có nguyên nhân do giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch đô thị chưa chặt chẽ.
Hàng loạt dự án chung cư, khu đô thị mọc lên, song vấn đề xây dựng các thiết chế xã hội như trường học lại chưa thực sự được quan tâm đúng mức, tương xứng. Các chủ đầu tư dù đã hoàn thành căn hộ đưa dân vào ở nhưng trường học thì chậm xây dựng nhưng hầu như chưa có chế tài xử lý.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, trong số 12 quận thì có tới 8 quận còn thiếu trường học. Trong đó, quận Hoàn Kiếm là đơn vị thiếu nhiều trường học nhất với 2 trường mầm non, 7 trường tiểu học, 11 trường THCS. Tiếp đến quận Đống Đa thiếu 3 trường tiểu học, 6 trường THCS. Quận Hai Bà Trưng còn thiếu 1 trường tiểu học, 5 trường THCS. Quận Hoàng Mai thiếu 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 3 trường THCS. Quận Bắc Từ Liêm thiếu 2 trường tiểu học và 2 trường THCS. Quận Ba Đình thiếu 2 trường THCS. Quận Cầu Giấy thiếu 1 trường THCS; Quận Hà Đông thiếu 1 trường THCS.
Về vấn đề này, tại phiên giải trình của HĐND TP về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư, cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội tổ chức ngày 17/10 vừa qua, Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho hay, thời gian qua, có tình trạng khi triển khai các dự án khu đô thị, chủ đầu tư chậm triển khai đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội, cụ thể ở đây là xây dựng trường học, dẫn đến quá tải những trường công lập gần đó.
Ngoài ra, đất trường học được quy hoạch tại các khu đất hiện trạng là nghĩa trang, khu dân cư cũng tương đối phổ biến dẫn đến khó khăn trong GPMB để xây dựng.
Dự báo dân số từng khu vực để xây trường học
Theo quy định tại Quy hoạch mạng lưới trường học được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2012, mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới có ít nhất 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS công lập và 3 - 5 vạn dân có 1 trường THPT công lập.
Thế nhưng hiện nay, có những phường xây dựng tới hàng chục tòa chung cư, khu đô thị, quy mô hàng chục nghìn dân liên tục mọc lên. Trong khi đó, trường công lập không được xây mới để đáp ứng quy mô dân số này. Điển hình tại quận Hoàng Mai dân số hiện 700.000 người, tương đương phải có 25 trường THPT nhưng hiện nay quận mới có 3 trường THPT công lập và 5 trường THPT tư thục.
Để giải quyết bài toán thiếu trường lớp trên địa bàn các quận, ông Trần Thế Cương cho biết, ngành đã kiến nghị cho nâng chiều cao tầng, xây hầm tại các trường trong những quận lõi và áp dụng tiêu chí trường chuẩn quốc gia là m2 sàn/học sinh chứ không phải m2 đất/học sinh tại các quận của Hà Nội; đồng thời xin với Bộ GD&ĐT cho tăng 5% số lớp/trường và 5% số học sinh/lớp.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, trong bối cảnh diện tích đất bình quân trên một học sinh ở khu vực nội đô Hà Nội hiện nay thấp hơn so với quy định chung, nhất là ở các quận nội đô không dễ có được quỹ đất để tăng diện tích đất xây dựng trường học thì việc đề xuất nâng tầng các trường học là giải pháp hợp lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, đây là giải pháp hiệu quả trước mắt còn về căn cơ, lâu dài cần có những định hướng, điều tiết từ các chỉ tiêu quy hoạch.
“Hà Nội đang lập Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô, trong đó phương án phát triển giáo dục Thủ đô gồm có nội dung quy hoạch mạng lưới trường học là một hợp phần để tích hợp. Do đó, ngành GD&ĐT Hà Nội cần phối hợp với các quận, huyện rà soát quỹ đất, vị trí xây mới, nhu cầu mở rộng trường hiện có ở từng khu vực để cập nhật vào quy hoạch. Cùng đó phải có kiểm kê dân số hiện trạng chính xác và đưa ra dân số dự báo ở từng khu vực trong vòng đến năm 2030, trên cơ sở đó bố trí lại chỉ tiêu diện tích đất dành cho hạ tầng xã hội, nhất là đất trường học. Có như vậy quy hoạch mới có tính thực tiễn” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu.
Đồng thuận quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nhấn mạnh, trong Quy hoạch Thủ đô lần này cần xác định chỉ tiêu về số trường mới được xây dựng tương ứng mức tăng dân số được dự báo. Bên cạnh đó, cần xác định rõ giữa việc xây dựng các khu đô thị, khu sản xuất phải đồng thời có đất cho giáo dục, y tế, trường học, cơ sở y tế phải đi trước một bước.
Để khắc phục tình trạng thiếu trường lớp trên địa bàn Thủ đô, ngành giáo dục TP đã có đề xuất xây dựng 7 trường liên cấp với quy mô từ 5ha trở lên nằm tại các quận, huyện cửa ngõ như: Hà Đông, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Đan Phượng. Mặc dù HĐND TP đã thông qua, nguồn vốn đã được UBND TP bố trí 2.600 tỷ đồng, đất tại các quận, huyện đã có, nhưng vướng mắc nhất hiện nay không thể triển khai vì chưa có tiêu chí cho việc xây dựng loại hình trường học liên cấp. Tới đây nếu được xây dựng thì hệ thống các trường này sẽ bổ khuyết vào quy hoạch mạng lưới trường học hiện còn thiếu mô hình trường liên cấp.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương
Từ thực tế tại địa phương, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm kiến nghị, trong lập Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô lần này, TP cần sắp xếp, bố trí hợp lý mật độ các khu đô thị; tăng mật độ xây dựng mạng lưới trường học phù hợp với tốc độ gia tăng dân số và gia tăng học sinh như hiện nay. Bên cạnh đó, khi phê duyệt các dự án khu đô thị cần có quy định về tỷ lệ trường công lập trong dự án, tránh tình trạng khi người dân chuyển đến sinh sống gặp khó khăn, vất vả khi tìm trường lớp cho con em mình.