Từ thực tế đó, Hà Nội quyết tâm triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học.
Chú trọng truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) bếp ăn trường học luôn được huyện Đan Phượng quan tâm, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Trưởng phòng Y tế huyện Đan Phượng Hoàng Minh Đức cho biết, toàn huyện có 55 trường học công lập, trong đó, mầm non 19 trường, tiểu học 20 trường, THCS 16 trường. Hệ thống bếp ăn tập thể của các trường công lập có tổ chức ăn bán trú đều được bố trí trang thiết bị, dụng cụ, cơ sở vật chất bảo đảm tiêu chuẩn ATTP, đáp ứng cung cấp suất ăn cho gần 35.000 học sinh; 100% cơ sở giáo dục đều ký cam kết, cấp giấy chứng nhận ATTP...
Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành về bảo đảm ATTP trong trường học, chú trọng truy xuất nguồn gốc thực phẩm của huyện Đan Phượng đã kiểm tra các cơ sở cung cấp thực phẩm và các trường học.
Qua kiểm tra, đoàn liên ngành ghi nhận các trường đã có quy trình tiếp nhận thực phẩm đầu vào cũng như kiến thức về ATTP, bảo đảm sức khỏe cho cán bộ chế biến, cô nuôi. Thời gian tới, đoàn liên ngành tiếp tục kiểm tra đột xuất, định kỳ, trong đó, chú trọng kiểm tra đột xuất nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm đầu vào luôn đạt chất lượng.
Những năm qua, Hà Nội luôn quan tâm đến công tác bảo đảm ATTP tại các trường học. Trong đó, công tác kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể trường học luôn được đẩy mạnh. Mục tiêu là 100% cơ sở giáo dục được kiểm tra, giám sát theo quy định; cụ thể, trong năm 2023, có 84,5% số cơ sở được kiểm tra.
Tuy nhiên, đối với khu vực cổng trường, việc kiểm tra, kiểm soát các loại thức ăn đường phố, các gánh hàng rong vẫn gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, từ đầu tháng 8/2024, Hà Nội bắt đầu tổ chức các đoàn ra quân kiểm tra chuyên đề ATTP trường học, không chỉ tập trung vào bếp ăn tập thể trong các trường mà còn hướng đến việc kinh doanh thực phẩm ở khu vực gần trường học...
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, từ tháng 8/2024 đến hết tháng 8/2025, toàn TP tập trung cao điểm cho công tác bảo đảm ATTP trong và ngoài trường học. Hà Nội sẽ rà soát các cơ sở giáo dục, bếp ăn tập thể, căng tin trường học trên địa bàn quản lý.
Bếp ăn tại các nhà trường đều được kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. Cùng với đó, trước cổng và xung quanh trường học các dịch vụ ăn uống cần được các địa phương giám sát kiểm tra đảm bảo ATTP.
Mặt khác, cơ quan chức năng điều tra, rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, kinh doanh tạp hóa có bán thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến ăn ngay theo từng ngành hàng, mặt hàng thực phẩm quanh trường học.
“TP đặc biệt chú ý tới các quán hàng, gánh hàng rong tự phát xung quanh cổng trường bởi với các quán hàng này, nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng sẽ kéo theo nguy cơ gây hại cho sức khỏe của học sinh... Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và quanh cổng trường sẽ được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về ATTP” – ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh.
Tăng kiểm tra đột xuất
Để bảo đảm ATTP, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đề nghị đoàn kiểm tra của các địa phương tăng cường kiểm tra ATTP, tập trung hậu kiểm, kiểm tra đột xuất lĩnh vực ATTP. Kịp thời phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn, cơ sở tồn tại vi phạm, chưa tuân thủ đầy đủ quy trình chế biến.
Theo Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế Nguyễn Hùng Long, để xây dựng được một bếp ăn tập thể cần sự phối hợp giữa nhiều chuyên ngành với nhau để quản lý, đặc biệt khi xảy ra sự cố ATTP có thể truy xuất nguồn gốc. Do đó, các đơn vị, địa phương cần bảo đảm ATTP trong các bếp ăn trường học.
“Để bảo đảm ATTP, các trường học lưu ý về việc sử dụng găng tay và các thiết bị vệ sinh trong chế biến thực phẩm sao cho đúng. Đặc biệt, các đơn vị tăng cường quản lý thực phẩm đầu vào, lưu ý những loại thực phẩm có nguy cơ cao như thịt gà, trứng, cá, hải sản…" - ông Nguyễn Hùng Long nhấn mạnh.
Trước thực tế trên, Cục ATTP đã yêu cầu yêu cầu các đơn vị trong ngành y tế các tỉnh, TP tăng cường giám sát ATTP tại khu vực trường học. Phối hợp với cơ quản chức năng điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm ATTP và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Mặt khác, các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cho trường học, nhắc nhở học sinh không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, do người lạ cung cấp. Về phía các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giải tỏa những hàng quán không đủ điều kiện kinh doanh trước cổng trường; kiểm soát chất lượng đồ ăn vặt bằng cách test nhanh và kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, các đơn vị kêu gọi người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, đồ chế biến sẵn tại các cổng trường thể hiện trách nhiệm, đạo đức kinh doanh để góp phần phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.