Hà Nội giãn dân quận nội đô - cần nhiều giải pháp đồng bộ

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội vừa công bố 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng làm cơ sở triển khai việc cải tạo, chỉnh trang đô thị, tạo bộ mặt Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại, đảm bảo chất lượng và tiện nghi sống cho người dân.

Mục tiêu giãn hơn 215.000 dân ra khỏi khu vực nội đô lịch sử được dư luận đặc biệt quan tâm và đặt câu hỏi làm thế nào để thực hiện hiệu quả khi khu vực này vẫn đang là mảnh “đất hứa” đối với nhiều người.
Áp lực dân số tăng

Theo thống kê, trong 10 năm qua, dân số Thủ đô tăng thêm 1,6 triệu người, riêng khu vực nội thành tăng trên 1,2 triệu người, trong đó phần lớn là gia tăng cơ học từ người nhập cư. Việc gia tăng dân số tại các quận lõi nội đô đang tạo ra nhiều sức ép như quá tải đối với công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, quản lý an ninh, trật tự công cộng, bảo đảm môi trường sống…
 Sơ đồ quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử.
Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh nêu thực tế điển hình tại địa bàn quận quận Đống Đa. Theo quy hoạch quận này chỉ có 260.000 dân, nhưng số dân thực tế hiện nay lên tới hơn 370.000, mật độ dân số cao nhất Hà Nội với 40.000 dân/km2. Dân số đông trong khi quỹ đất hầu như không còn, dẫn đến bộ mặt đô thị chưa phát triển văn minh, hạ tầng nhiều bất cập vỉa hè hẹp, đường sá nhiều chỗ nhếch nhác, lộn xộn, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia thuộc diện thấp của Thủ đô…

Nhằm kiểm soát phát triển và quản lý đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại các quận nội đô lịch sử, Hà Nội đã thông qua 6 đồ án Quy hoạch phân khu đô thị nội đô. Theo đó, dân số theo quy hoạch đến năm 2030 tại khu vực này được giới hạn khoảng 672.000 người sinh sống (dân số hiện trạng là trên 887.000 người). Cụ thể, phân khu đô thị H1-1A,B,C (Hoàn Kiếm), gồm khu phố cổ, Hồ Gươm và phụ cận, khu phố cũ, diện tích quy hoạch 347,65ha, dân số dự kiến 100.000 người; hiện trạng đang có 91.219 người.

Phân khu đô thị H1-2 (Ba Đình), diện tích quy hoạch 703,93ha, dân số dự kiến 160.000 người; hiện trạng 199.586 người. Phân khu đô thị H1-3 (Đống Đa), diện tích quy hoạch 994ha, dân số dự kiến 255.000 người; hiện trạng 371.606 người. Phân khu đô thị H1-4 (Hai Bà Trưng), diện tích quy hoạch 664,37ha, dân số dự kiến 157.000 người; hiện trạng 255.000 người. Như vậy, từ nay đến năm 2030, khoảng 215.000 người dân đang sinh sống tại 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng sẽ phải di dời ra khu vực bên ngoài.

Theo các chuyên gia quy hoạch, vấn đề giãn dân đặt ra trong 6 quy hoạch phân khu lần này khẳng định sự đột phá cũng như sự kiên quyết của chính quyền TP Hà Nội, mục đích hướng đến để người dân được hưởng thụ điều kiện sống tốt nhất. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai trong thời gian qua, cũng có không ít bài học cần xem xét để thực hiện có hiệu qủa mục tiêu trên.

Nhiều vướng mắc

Theo Phó Chủ tịch Chủ Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam - TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, chủ trương giãn dân ra khỏi khu vực nội đô Hà Nội đã được định hướng từ cách đây hơn 20 năm. Cụ thể, tại Quy hoạch chung được phê duyệt năm 1998 đã nêu đến năm 2020 giảm dân số trong khu vực nội đô lịch sử từ 960.000 dân xuống còn 800.000 người. Tại Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội được duyệt năm 2011 cũng xác định khu nội đô lịch sử cần kiểm soát gia tăng dân số cơ học giảm từ 1,2 triệu xuống còn khoảng 0,8 triệu người. Đặc biệt, trong Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc Thủ đô năm 2014 đã xác định thực hiện Đề án giãn dân khu phố cổ có từ năm 2002 để giảm mật độ dân số.

Định hướng là vậy, nhưng trên thực tế dân số tại các quận nội đô trong những năm qua không những không giảm mà còn tăng tới 1,2 triệu người. Phân tích của TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên nhân chính đến từ 3 vấn đề tồn tại: Thứ nhất là do các vấn đề thủ tục, pháp lý. Thứ hai là vướng mắc trong cải tạo, xây dựng các khu chung cư mới cùng các nhà chung cư trong nội đô. Thứ ba là chưa tạo điều kiện thuận lợi, mức giá ưu đãi cho người di dời ra khỏi khu vực này.

Kết quả triển khai của Đề án giãn dân khu phố cổ cho đến thời điểm hiện tại cũng cho thấy việc đưa người dân sống trong khu vực lõi trung tâm ra các vùng ngoại vi là một bài toán không dễ đối với Hà Nội. Yêu cầu giãn dân khu phố cổ được thực hiện từ năm 2002, với mục tiêu di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người, nhằm giảm mật độ từ 823 người/ha xuống còn 500 người/ha, dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2020. Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội Đặng Đình Bằng thông tin, đến thời điểm hiện tại do còn nhiều vướng mắc nên tổng thể Đề án mới di dời được gần 300/564 hộ dân với trên 1.000 người sinh sống trong khuôn viên di tích, đình, đền, chùa, trường học, cơ quan. Còn lại các hộ giãn dân tự nguyện là những hộ sống trong số nhà đông hộ, diện tích ở dưới 5m2/người mới dừng ở bước thống kê sơ bộ là 601 hộ tương đương 2.832 nhân khẩu.

Đồng bộ các giải pháp

Để triển khai hiệu quả việc di dời người dân khỏi 4 quận nội đô theo các đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, trước tiên phải xác định rất rõ các loại đối tượng giãn dân để có chính sách thích hợp với từng loại đối tượng.
Bên cạnh đó, phải xác định nơi đến thuận tiện cho người dân, có chất lượng sống cao hơn chỗ ở trong nội đô. Nghĩa là không chỉ quan tâm đến diện tích nhà ở tại các nhà chung cư mà cần đa dạng loại hình nhà ở với đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật với chất lượng cao từ đó sẽ tạo ra những khu vực sống mới đầy đủ tiện nghi, có tiêu chuẩn, chỉ tiêu như đất đai, hệ số sử dụng đất cho người dân thoải mái hơn.

Cùng với đó, tạo thuận lợi cho người dân có việc làm, có nguồn thu nhập, tạo sinh kế cho người dân tại nơi ở mới. Thời gian qua, việc đưa một số hộ dân phố cổ sang các tòa nhà tại quận Long Biên đã cho thấy rõ ràng rằng nếu giãn dân mà chỉ quan tâm đến chỗ ở mà chưa tạo điều kiện về sinh kế thì rất khó để giãn dân đi.

Muốn vậy, Hà Nội cần đẩy nhanh phát triển các đô thị vệ tinh, nếu như hoàn tất xây dựng các đô thị vệ tinh sẽ có khả năng dung nạp 1,4 triệu dân với tiêu chuẩn ở rất cao, đồng thời đảm bảo quỹ đất phục vụ khởi nghiệp, tạo việc làm. Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho hay, với 1,2 triệu dân tại khu vực trung tâm, TP cũng đã có biện pháp để di dời trong thời gian tới khi toàn bộ các đô thị vệ tinh được triển khai.

Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, hiện còn rất nhiều trụ trở bộ ngành, trường đại học, bệnh viện lớn, các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm tại khu vực 4 quận nội đô lịch sử. Do vậy, thành phố cần sớm thực hiện việc di dời những đơn vị này và khi xác định địa điểm xây dựng trụ sở mới cần bố trí nơi ở thích hợp và có chính sách ưu đãi cho cán bộ, viên chức, người lao động. Có như vậy việc giãn dân cơ học mới có hiệu quả.
“Đây là công việc rất khó khăn cần sự đồng thuận của người dân và đòi hỏi chính quyền các địa phương phải thực hiện quyết liệt với những giải pháp đồng bộ về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện, có như vậy việc giãn dân khu vực nội đô mới đạt được kết quả như kỳ vọng” - TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

"Trong quản lý đô thị, quản lý dân số là yếu tố quan trọng, tác động đến mọi lĩnh vực từ phát triển kinh tế đến môi trường sống, giao thông… Đặc biệt, đối với khu vực nội đô Hà Nội, yếu tố dân số còn quyết định đến việc bảo tồn giá trị của khu phố cổ, một di tích quốc gia vô cùng quý giá của Thủ đô. Chỉ có quản lý dân số tốt mới đảm bảo được hài hòa giữa bảo tồn và phát triển và đồng thời người dân mới trở thành trung tâm của sự phát triển." - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm


"Quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử vừa được phê duyệt cũng gắn với đề án giãn dân mà quận triển khai trong nhiều năm qua. Cùng với việc di chuyển các hộ dân sống trong các di tích, công sở, trường học của chính quyền thì nhiều người dân đã chủ động di chuyển ra ngoài. Nhu cầu của người dân hiện nay cao hơn so với trước, nhiều người mong muốn có diện tích nhà ở lớn hơn, tiện nghi hơn, nhà ở trong phố cổ không đáp ứng được, chính vì thế 6 năm qua, dân số tại quận đã giảm được 20.000 người." - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long