Vừa học, vừa an toàn
Học sinh Hà Nội chưa biết rõ, thậm chí chưa một lần đặt chân đến các di tích lịch sử văn hóa như Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, … trong khi đó, nhiều nhà trường lại tổ chức cho học sinh đi tham quan ở các tỉnh xa như Quảng Ninh, Hòa Bình, Lạng Sơn… Chưa nói đến chi phí từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng/học sinh, việc tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm ở các tỉnh cách Hà Nội đến vài trăm cây số khiến phụ huynh lo lắng về sức khỏe cũng như sự an toàn của con em mình.
Chính bởi vậy, khi ngành Giáo dục Hà Nội triển khai chương trình giáo dục di sản, ký kết với các đơn vị, di tích tại Hà Nội đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ từ phía phụ huynh; nhất là trong bối cảnh Lịch sử trở thành môn học bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Yêu cầu của Sở GD&ĐT Hà Nội không phải chỉ là tổ chức đi tham quan, trải nghiệm các di tích, địa điểm ở xa, mà có thể là các di tích ngay tại địa phương mình sinh sống, học tập và trên cơ sở bảo đảm tốt nhất lợi ích của người học.
Về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Bích Phương, trú tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy chia sẻ: “Lớp con tôi từng đi trải nghiệm thực tế ở Hải Phòng, cách Hà Nội hơn 100km, sáng đi, chiều về. Đưa con lên xe là cả ngày tôi lo, chỉ hóng xem con đến nơi chưa, đang chơi những gì, có an toàn không. Nay được biết đến chương trình giáo dục di sản của Hà Nội, tôi mong các địa điểm được nhà trường chọn sau này sẽ ở gần nhà. Điều này vừa tăng hiểu biết cho con về truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, vừa đảm bảo sự an toàn cho các con vì quãng đường di chuyển ngắn”.
Có con học cấp THCS, chị Tống Mai Hoa, quận Hà Đông cho hay: “Con trẻ hiểu biết về lịch sử, hiểu về giá trị văn hóa tại mảnh đất mình sinh sống là mong muốn của bất kỳ cha mẹ nào. Tôi đã có lần rủ con đi Văn Miếu nhưng con từ chối, rủ đi Hỏa Lò con cũng nói không thích. Nếu đi theo trường, trong khuôn khổ các giờ học chính khóa, tôi thấy rất hay; các con sẽ trải nghiệm, học tập một cách chủ động chứ không chịu sự khiên cưỡng, bó buộc nào".
Ủng hộ cho học sinh đi tham quan di tích trong Hà Nội, anh Nguyễn Việt Dũng, phụ huynh học sinh tại quận Hoàng Mai cho hay: "Lý do tôi đồng tình với chương trình này trước hết là việc tổ chức cho học sinh đi gần sẽ tạo cảm giác yên tâm. Thay vì di chuyển vài trăm cây số, con chỉ đi vài chục kilomet đổ lại, cảm giác sẽ bớt căng thẳng hơn nhiều. Một điều không thể không nói, đó là đi gần, chi phí sẽ rẻ hơn đáng kể, khi đó góp phần giảm gánh nặng cho phụ huynh".
Liên quan đến các hoạt động trải nghiệm tổ chức cho học sinh đi xa, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết rất quan ngại bởi có nhiều nguy cơ về đi lại, an toàn giao thông. Trong khi đó, Hà Nội là cái nôi của các di tích lịch sử văn hóa, không chỉ người dân cả nước mà cả du khách nước ngoài cũng muốn đến tham quan, tìm hiểu.
Vì lẽ đó, các nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý di tích trên địa bàn Thủ đô để tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm, học tập bổ ích, lý thú, hiệu quả cho học sinh.
Cần thiết kế chương trình giáo dục chi tiết
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục di sản văn hoá gắn với thực tiễn địa phương và phù hợp với xu thế giáo dục tiên tiến trên thế giới. Nội dung giáo dục theo hướng hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi và trình độ nhận thức của học sinh; tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Sở cũng đề nghị các di tích khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở giáo dục, cá nhân thực hiện các hoạt động: Tổ chức hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu di tích lịch sử, di sản văn hóa, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tới tham quan; tổ chức thi đố vui để học, thi vẽ tranh, thi hùng biện về văn hóa, di sản của địa phương tại các khu di tích; tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thực hành, tham quan thực tế, sưu tầm tư liệu, thực hiện dự án, hoạt động phục vụ cộng đồng, hoạt động tình nguyện...
Để hoạt động trải nghiệm, giáo dục di sản văn hóa đạt hiệu quả thiết thực, phụ huynh Lê Trà, trú tại quận Long Biên đề xuất các nhà trường cần có kế hoạch cụ thể khi tổ chức cho học sinh tham gia trải nghiệm, tránh việc học sinh đến nơi không xem gì, về cũng không biết đã đi đâu.
“Trước khi cho học sinh đi trải nghiệm, cần giao câu hỏi, bài tập để học sinh tìm hiểu di tích trước khi đến. Sau khi trở về, yêu cầu học sinh có báo cáo bằng nhiều hình thức khác nhau; có thể bằng các câu hỏi trắc nghiệm đơn giản; mục đích để hoạt động giáo dục di sản thực sự mang lại ý nghĩa giáo dục cho học sinh”, chị Lê Trà cho biết.
Điểm hay của hoạt động giáo dục di sản văn hóa, đó là ngoài hoạt động trải nghiệm thì việc đi tham quan các di tích văn hóa có thể được lồng ghép với nhiều nội dung giáo dục khác nhau, trong đó có nội dung môn Lịch sử.
Thực tế, không ít giáo viên đã sáng tạo cách thức giảng dạy, tổ chức cho học sinh đến các di tích của địa phương trong môn học Lịch sử. Có thể kể như trường hợp của cô Đỗ Thị Bích Hòa, giáo viên trường Tiểu học Thạch Xá, huyện Thạch Thất. Với mong muốn học sinh hiểu cái hay và giá trị của lịch sử quê hương, cô đã tổ chức cho học sinh đi thực tế tại các di tích ở chính quê hương như chùa Tây Phương, đền thờ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Nhà Lưu niệm Bác Hồ ở xóm Lai Cài, xã Cần Kiệm; từ đó khơi dậy cho học sinh niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
Cùng chương trình giáo dục di sản văn hóa, kế hoạch đưa trò chơi dân gian vào trường học cũng là hoạt động ý nghĩa của ngành Giáo dục Hà Nội, được phụ huynh, nhà trường tích cực hưởng ứng và ủng hộ.
Trong thời đại công nghệ số, những giá trị của văn hóa dân gian, truyền thống dân tộc càng cần được tuyên truyền sâu rộng đến học sinh bằng nhiều hình thức, nhiều cách làm khác nhau. Bên cạnh việc lĩnh hội các bài học mới thì hoạt động giáo dục di sản văn hóa hay đưa trò chơi dân gian vào trường học còn trực tiếp góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.