Từ những nỗ lực vì lợi ích người dân...
Mới đây, bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC (một cửa) UBND huyện Hoài Đức và UBND các xã đã triển khai “Ngày thứ 6 xanh”, với mọi TTHC thuộc các lĩnh vực Tài chính Kế hoạch, Giáo dục Đào tạo, Văn hóa Thông tin được giải quyết rút ngắn thời gian nhưng vẫn đảm bảo đủ các bước trong quy trình giải quyết theo quy định.
Đặc biệt, huyện còn triển khai sáng kiến thông báo cho tổ chức, cá nhân về kết quả thời hạn sử dụng một số giấy chứng nhận, giấy phép đã được cấp, bằng việc đặt chế độ hẹn giờ hết hạn trên ứng dụng Excel. Áp dụng từ đầu năm 2023, đến nay sáng kiến giúp nhắc hẹn gần 1.400 trường hợp đến hạn thực hiện TTHC tiếp theo trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, giúp công dân kịp thời hoàn thiện hồ sơ, tránh phải nộp phạt do hết hạn giấy tờ.
Qua 5 tháng triển khai, mô hình "Ngày thứ Tư tốc ký" tại bộ phận "một cửa" UBND quận Hai Bà Trưng đã tiếp nhận, giải quyết gần 450 hồ sơ TTHC “cấp bản sao trích lục hộ tịch” (khai sinh, khai tử, kết hôn), đều được trả kết quả sau chưa tới 1 giờ làm việc, thay vì mất 8 giờ như quy định. Theo đó, đều đặn thứ Tư hằng tuần, TTHC này được tiếp nhận tại bộ phận “một cửa” quận trong khoảng 8h-15h sẽ được công chức giải quyết và trả kết quả không quá 2 giờ làm việc (nộp hồ sơ sau 15h00 thì được trả kết quả trong sáng làm việc hôm sau).
“Người dân rất hài lòng vì không chỉ được hướng dẫn đầy đủ mà quan trọng được nhận kết quả nhanh gọn hơn nhiều lần so với trước. Bộ phận “một cửa” quận hằng ngày tiếp nhận trung bình 20 hồ sơ cấp bản sao trích lục hộ tịch thì trong mỗi ngày thứ Tư có hơn 30 hồ sơ giao dịch”- công chức bộ phận “một cửa” quận Phạm Xuân Anh cho hay.
Sáng kiến “Ngày thứ Tư “tốc ký” tại UBND quận đã nhanh chóng lan tỏa ra 18/18 phường trên địa bàn, với những tên gọi khác nhau, được người dân hào hứng đón nhận và đánh giá là một giải pháp hữu hiệu giúp ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan chính quyền. Cùng đó, 250 Tổ "xung kích số” hỗ trợ công dân đang tiếp tục phát huy hiệu quả trên toàn quận, lấy nòng cốt là những cán bộ, đoàn viên thanh niên thành thạo công nghệ thông tin, thực hiện TTHC trên cổng Dịch vụ công của TP, quốc gia.
Cuối năm 2022, UBND quận Cầu Giấy bắt đầu triển khai chuyên đề “Cầu Giấy chứng thực trả kết quả ngay”, Phòng Tư pháp quận và 8/8 phường đã tích cực thực hiện, đạt kết quả tháng sau cao hơn tháng trước: Trong tháng 1, toàn quận giải quyết chứng thực trả kết quả ngay chỉ có 13.574 bản, với số tiền 62.795.000 đồng, nhưng tháng 2 thì giải quyết số lượng gấp đôi, từ tháng 3 - tháng 6 toàn quận đạt trung bình mỗi tháng gần 50.000 bản chứng thực trả kết quả ngay, với số tiền lên tới hơn 200 triệu đồng.
Cũng hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người dân, cuối tháng 10 vừa qua, UBND quận Ba Đình đã ra mắt “Bộ phận làm ngay” tại bộ phận “một cửa”, áp dụng trong tiếp nhận và giải quyết 5 TTHC: Chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản (áp dụng cho cả trường hợp chứng thực điểm chỉ và người yêu cầu chứng thực không thể ký, điểm chỉ); chứng thực chữ ký người dịch là cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp; chứng thực chữ ký người dịch không phải là cộng tác viên dịch thuật.
“Công dân đến bộ phận “một cửa” quận thực hiện 1 trong 5 loại TTHC này sẽ được giải quyết và trả kết quả ngay, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian cho cá nhân, tổ chức đồng thời là nhiệm vụ đòi hỏi sự nỗ lực của cán bộ công chức”- Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Cồ Như Dũng khẳng định.
Tại quận Tây Hồ, đến nay đã cắt giảm thời gian giải quyết của 21,7% TTHC thuộc thẩm quyền của UBND quận và 23% TTHC thuộc thẩm quyền UBND phường, từ đó lãnh đạo quận chỉ đạo các phòng chuyên môn tiếp tục rà soát để phấn đấu cắt giảm thời gian giải quyết đạt 25% TTHC; với khối phường thống nhất cắt giảm thời gian giải quyết 41-48% TTHC. Năm nay, 100% hồ sơ TTHC cấp quận, cấp phường được giải quyết trước, đúng hạn.
Đạt được những con số khả quan đó cũng nhờ gần đây, nhiều sáng kiến cải cách TTHC được triển khai tại 100% UBND phường, đó là “Ngày không giấy hẹn”, “Ngày giải quyết TTHC không chờ”, “Ngày kiểu mẫu về cải cách TTHC”, “30 phút vì dân”, "Trả kết quả tại nhà đối với hồ sơ đăng ký khai tử"…
“Dù một tuần có 2 ngày phải đi làm sớm hơn 30 phút, nhưng chúng tôi vẫn sẵn lòng, bởi mô hình “30 phút vì dân” tạo thuận lợi hơn nhiều cho người dân, họ đến làm thủ tục vào thứ Hai hay thứ Sáu đều rất phấn khởi”- công chức Tư pháp bộ phận “một cửa” phường Thụy Khuê Trần Thị Tuyết Phương bày tỏ.
... đến những bộ phận "một cửa" ngày càng hiện đại
Song song với hàng loạt mô hình, sáng kiến giúp cắt giảm thời gian, công sức giải quyết TTHC, tại các quận, huyện, xã, phường đều quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho bộ phận “một cửa”, đặc biệt tăng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tạo thuận tiện tối đa, tiết kiệm chi phí cho cả người dân và cơ quan Nhà nước.
Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, toàn địa bàn có 65 mô hình, sáng kiến, giải pháp cải cách TTHC của các địa phương đang được áp dụng thành công. Vừa qua, UBND TP đã ban hành Công văn về việc thông tin một số mô hình, sáng kiến cải cách TTHC trên địa bàn, trong đó nêu rõ: Nhằm nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong tiếp nhận và giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của TP, trên cơ sở kết quả triển khai thực hiện các sáng kiến, mô hình đã áp dụng thành công tại một số đơn vị, Văn phòng UBND TP cần tổng hợp để gửi các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã nghiên cứu, lựa chọn áp dụng những mô hình, sáng kiến phù hợp điều kiện thực tế đơn vị, góp phần đem lại hiệu quả tích cực trong cải cách TTHC trên địa bàn năm 2023 và những năm tiếp theo.
Điển hình là sáng kiến quét mã QR để người dân tra cứu TTHC, đánh giá sự hài lòng, hay để thanh toán trực tuyến cho lệ phí giải quyết hồ sơ hành chính... hiện đã được nhân rộng ở nhiều địa phương. Như ở huyện Hoài Đức, những ngày gần đây bước đầu thực hiện nộp hồ sơ và đánh giá chất lượng giải quyết TTHC của từng lĩnh vực thông qua mã QR thay thế sử dụng bản giấy, đã giúp giảm đáng kể chi phí và công sức đi lại cho người dân. Trong 1 tháng qua, UBND huyện đã tiếp nhận hơn 2,1 vạn ý kiến đánh giá của người dân qua ứng dụng này, đảm bảo thông tin khách quan, kịp thời nắm bắt những trường hợp gây phiền hà, nhũng nhiễu.
Cuối năm 2022, UBND phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) phối hợp các đơn vị đã triển khai thí điểm mô hình "Một cửa đô thị hiện đại”, theo đó thông qua thiết bị công nghệ thông tin ở từng quầy giao dịch và công nghệ AI tự nhận diện khuôn mặt, trạng thái cá nhân để đánh giá sự hài lòng khi người dân ra về sau khi giải quyết TTHC. Kết quả được lưu trên máy chủ tại đơn vị, làm cơ sở đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ công chức và còn giúp lưu dữ liệu của người dân, không phải khai lại thông tin trong những lần giao dịch sau, thông qua máy quét trực tiếp tại bộ phận “một cửa” (chỉ cần căn cước công dân để quét, đăng ký giải quyết TTHC). Từ đó, cùng những giải pháp mới, UBND quận đã triển khai “Một cửa đô thị hiện đại” tại phường Mỹ Đình 1 và ra nhiều phường khác.
“Với “Một cửa đô thị hiện đại”, người dân nêu được kiến nghị về giải quyết mọi TTHC thông qua máy đánh giá sự hài lòng và gửi đến lãnh đạo phường qua mã QR trên zalo; lãnh đạo nhanh chóng giải quyết những góp ý chính đáng; đồng thời thông qua phần mềm tiếp nhận được đánh giá của người dân với cán bộ, từ đó khen thưởng/kỷ luật kịp thời. Chúng tôi áp dụng mô hình cũng với kỳ vọng cả người dân và công chức sẽ thuận lợi sử dụng những ứng dụng công nghệ vào tiếp nhận, giải quyết TTHC, đẩy nhanh hướng tới chính quyền số”- Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 1 Trịnh Văn Quế cho hay.
Từ đầu năm nay, huyện Thường Tín triển khai “Khảo sát sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước bằng quét mã QR code” ở UBND thị trấn Thường Tín, xã Minh Cường...; “Bộ phận một cửa điện tử không giấy 24/7” ở các xã Ninh Sở, Văn Bình… Đặc biệt, UBND huyện sẽ từng bước đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 29 xã, thị trấn, trước mắt đã làm điểm “Bộ phận một cửa văn minh, hiện đại, xanh-sạch-đẹp” tại UBND thị trấn Thường Tín từ giữa năm nay và đang tiếp tục đầu tư đồng bộ cho các xã.
Trước kia bộ phận “một cửa” thị trấn ở địa điểm cũ có máy móc thiết bị rất lạc hậu, không đảm bảo để lắp đặt hệ thống phần mềm mới, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, nhưng từ khi chuyển về địa điểm mới, toàn bộ cơ sở vật chất, máy móc thiết bị đã được đầu tư theo đúng mô hình Đề án bộ phận “một cửa” hiện đại của TP. "Tôi thỉnh thoảng đến giải quyết TTHC, thấy bộ phận "một cửa" thị trấn ngày càng hiện đại, rất thuận tiện cho người dân giao dịch. Cán bộ nhiệt tình hỗ trợ công dân và không bao giờ trả kết quả chậm muộn"- anh Nguyễn Văn Công, trú tại số 70 phố Trần Phú, thị trấn Thường Tín chia sẻ.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ công chức làm việc và nhất là ngày càng nâng cao mức độ hài lòng của người dân, UBND thị trấn đã chỉ đạo tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, đặc biệt ưu tiên những hồ sơ công dân cần lấy kết quả ngay thì giải quyết ngay (chứng thực hay xác nhận một số thủ tục tư pháp-hộ tịch). Cùng với việc công dân giải quyết TTHC thì quét mã QR để đánh giá sự hài lòng ngay tại các ô giao dịch, thị trấn cũng phối hợp Phòng Nội vụ huyện xây dựng hệ thống mã QR phục vụ tra cứu thông tin TTHC, dán công khai tại các tổ dân phố, qua đó người dân có thể tự nộp hồ sơ hành chính từ nhà.
Bên cạnh đó, có thể kể đến một số mô hình áp dụng công nghệ tiêu biểu như: Cấp tài khoản giao dịch điện tử và ứng dụng Etax Mobile tại tất cả đơn vị thuộc UBND thị xã Sơn Tây; ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt trong công tác tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tại UBND quận Hà Đông… Những mô hình đó không chỉ thể hiện tiến trình chuyển đổi số trong hoạt động hành chính công của TP mà còn có những tác động tích cực, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân trong giao dịch với cơ quan hành chính.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Mai Xuân Trường cho rằng, thời gian tới, các quận huyện nhất là những địa phương có chỉ số cải cách hành chính còn thấp cần có giải pháp cụ thể, đồng bộ để nâng cao chỉ số này, trong đó chỉ đạo các phòng, ban, xã, phường thực hiện tốt ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách TTHC. Đặc biệt, những mô hình đổi mới, sáng kiến kinh nghiệm đang triển khai cần được đánh giá về hiệu quả, khả năng nhận rộng, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức và phải thực hiện thường xuyên, mới đạt được hiệu quả cao.