Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Hiệu quả từ phong trào thi đua an toàn thực phẩm

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhteddothi - Qua triển khai phong trào thi đua an toàn thực phẩm (ATTP), Hà Nội đã xây dựng, tổ chức nhiều mô hình hay, hiệu quả trong quản lý ATTP. Nhờ hoạt động thiết thực, hiệu quả, công tác quản lý ATTP trên địa bàn TP được nâng lên rõ rệt, tạo sự chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, những mô hình này đã góp phần đưa công tác kiểm soát ATTP dần đi vào quỹ đạo, hướng đến “xây” thực phẩm sạch để “chống” thực phẩm bẩn.

Nhiều mô hình tạo hiệu ứng tốt, có sức lan tỏa mạnh mẽ

Là địa phương triển khai hiệu quả phong trào thi đua ATTP giai đoạn 2021-2025, quận Bắc Từ Liêm đã thực hiện nhiều mô hình điểm, tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong tuyên truyền, áp dụng các kiến thức và pháp luật của Nhà nước về ATTP.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà kiểm tra ATTP tại trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm). 
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà kiểm tra ATTP tại trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm). 

Đơn cử như mô hình “Cảnh báo nhanh về ATTP”; Mô hình “ATTP tuyến phố văn minh”; Mô hình nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học; Mô hình cải thiện ATTP dịch vụ ăn uống tại 13 phường quận Bắc Từ Liêm; Mô hình đảm bảo ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố tại tuyến phố văn minh đường Cầu Diễn, phường Phúc Diễn….

Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương cho biết, hiện quận có 4.317 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị 12 chợ có ban quản lý, có chợ đầu mối phân phối thực phẩm. Để thực hiện tốt phong trào thi đua ATTP do TP phát động, quận đã duy trì, thực hiện các mô hình thi đua, tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành…

Năm 2022, quận đã kiểm tra 2.991 cơ sở. Trong đó, tập trung kiểm tra ATTP trong các trường học, bếp ăn tập thể tại cụm công nghiệp, các cơ sở dịch vụ ăn uống, các hộ sản xuất, kinh doanh bánh mứt kẹo, các cơ sở sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản cũng như các hộ chăn nuôi.

Qua đó, quận đã xử phạt 153 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt trên 678,8 triệu đồng; xử lý, tiêu hủy 21,5 kg thịt lợn kém phẩm chất, 9524 sản phẩm thực phẩm nhập lậu, 1.420 kg thực phẩm đông lạnh gồm ức vịt, cánh gà không rõ nguồn gốc xuất xứ, 8.350 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc (trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy là hơn 245 triệu đồng)... Nhờ đó, trên địa bàn quận không có ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về ATVSTP của TP kiểm tra ATTP tại siêu thị Mega Martket Thăng Long (quận Bắc Từ Liêm).
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về ATVSTP của TP kiểm tra ATTP tại siêu thị Mega Martket Thăng Long (quận Bắc Từ Liêm).

Tại quận Thanh Xuân, hiện quận có tổng số 2.367 cơ sở thực phẩm. Đến nay, quận đã triển khai khai 6 mô hình điểm ATTP.

Theo Trưởng phòng Y tế quận Thanh Xuân Phạm Hồng Diệp, thời gian qua, quận đã duy trì mô hình nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn quận từ năm 2019. Và quận triển khai mô hình tăng cường kiểm ATTP tại bếp ăn tập thể trường tiểu học thuộc 5 quận, 5 huyện trên địa bàn TP năm 2022-2023 được lựa chọn. Trong năm học 2022-2023, có 211/211 bếp ăn tập thể cơ sở giáo dục trên địa bàn đã được kiểm tra.

Với mô hình nâng cấp và duy trì tuyến phố kiểm soát ATTP tại phường Thượng Đình, hiện nay, quận Thanh Xuân thực hiện duy trì mô hình này với 29/29 cơ sở thực hiện 10 tiêu chí đảm bảo ATTP của Bộ Y tế.

Kiểm tra việc lưu mẫu thức ăn tại nhà hàng Maison Sen (Thanh Xuân). 
Kiểm tra việc lưu mẫu thức ăn tại nhà hàng Maison Sen (Thanh Xuân). 

Với mô hình thực hiện chương trình mỗi xã 1 sản phẩm đã tổ chức khảo sát và lựa chọn các đơn vị tham gia chương trình. Đến nay, quận đã tổ chức đánh giá phân loại cấp quận với 30 sản phẩm. Trong đó, năm 2019 có 6 sản phẩm 3 sao, 6 sản phẩm 4 sao. Năm 2020 có 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 9 sản phẩm đạt 4 sao. Năm 2021 có 3 sản phẩm 3 sao. Năm 2022 có 2 sản phẩm đạt 4 sao.

Tương tự, với mô hình tiếp tục thực hiện Đề án trái cây, đến nay đã cấp biển nhận diện cho 104 cơ sở kinh doanh trái cây trên địa bàn.

Đặc biệt, nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, từ đầu năm 2023 đến nay, quận Thanh Xuân đã kiểm tra, giám sát 865 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong 4 tháng đầu năm, toàn quận đã xử phạt 56 trường hợp vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt là hơn 288 triệu đồng.

Kiểm soát an toàn thực phẩm dần đi vào quỹ đạo

Còn tại quận Hoàn Kiếm, hiện quận có 2.702 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thời gian qua, quận đã triển khai hiệu quả các mô hình đảm bảo ATTP để phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, thời gian qua, quận đã tuyên truyên, vận động các cơ sở kinh doanh, thương mại trên địa bàn tham gia Chương trình OCOP. Hiện quận đang có 14 sản phẩm OCOP/3 cơ sở, 3 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại phường Đông Xuân, Hàng Mã. Quận tiếp tục vận động 1 cơ sở/18 sản phẩm tham gia Chương trinh OCOP trong năm 2023.

Đồng thời, quận cũng duy trì 16 tuyến phố không bán trái cây trên vỉa hè với 52/52 cơ sở được cấp biển nhận diện “logo” cửa hàng kinh doanh trái cây. Quận cũng đang tiếp tục vận động 8 cơ sở mới phát sinh tham gia đề án.

Kiểm tra ATTP tại quận Hoàn Kiếm.
Kiểm tra ATTP tại quận Hoàn Kiếm.

Mặt khác, quận cũng duy trì và mở rộng tuyến phố ATTP có kiểm soát, văn minh thương mại tại 3 tuyến phố: Tống Duy Tân - ngõ Hàng Bông, Âu Triệu - Lý Quốc Sư, ngõ chợ Đồng Xuân. Đến nay, quận đã tổ chức điều tra, thống kê 77 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 42 cơ sở thức ăn đường phố; đã cấp biến nhận diện cơ sở ATTP có kiểm soát cho 69 cơ sở.

Đầu năm 2023, quận đã xây dựng mô hình triển khai nhận diện cơ sở thức ăn dường phố đảm bảo ATTP tại phường Trần Hưng Đạo. Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2023, quận đã chỉ đạo các phường rà soát được 18 cơ sở thức ăn đường phố đăng ký tham gia mô hình.

Thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nội dung hoạt động về ATTP và hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Công tác thanh kiểm tra chuyên ngành, liên ngành được tăng cường, tập trung có trọng tâm, trọng điểm và đột xuất vào các ngành, nhóm sản phẩm, khâu có nguy cơ cao ATTP.

Đặc biệt, những năm qua, ngành y tế Thủ đô đã xây dựng và triển khai chương trình, hoạt động về ATTP. Đó là tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm; Phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm thông qua việc xây dựng các mô hình như quản lý ATTP bếp ăn tập thể, hướng dẫn quy trình giám sát ATTP và xử lý ngộ độc thực phẩm tại trường học, kiểm soát ATTP tại bữa cỗ tập trung đông người, xây dựng tuyến phố ATTP có kiểm soát… Những mô hình này đã góp phần đưa công tác kiểm soát ATTP dần đi vào quỹ đạo, hướng đến “xây” thực phẩm sạch để “chống” thực phẩm bẩn.

Thời gian qua, Hà Nội tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng An toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm. Tiếp tục xây dựng triển khai mô hình cảnh báo nhanh, các chuyên đề dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, ATTP tuyến phố văn minh tại 30 quận, huyện. Tiếp tục triển khai 14 tuyến phố ATTP có kiểm soát tại 12 quận huyện. Kiểm soát ATTP bữa cỗ tập trung đông người tại 20 quận huyện.

Đến nay, nhìn chung, các mô hình, phong trào thi đua ATTP trên địa bàn TP đều có sự thay đổi rõ rệt cả về cảnh quan lẫn ý thức chấp hành quy định về ATTP của người kinh doanh và người tiêu dùng. Các mô hình đã có những chuyển biến tích cực trong quản lý ATTP. Thông qua các mô hình, kiến thức thực hành của người quản lý, người kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tăng lên; điều kiện cơ sở vật chất, việc chấp hành các quy định ATTP của chủ cơ sở được cải thiện, nâng cao nhận thức vai trò quản lý của các cấp chính quyền.

 

Theo Sở Y tế Hà Nội, năm 2022, công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở thực phẩm được tăng cường, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm với nhiều hình thức. Trong năm 2022, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội thanh kiểm tra được 599 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, đã phát hiện xử lý vi phạm hành chính được 71 cơ sở với số tiền phạt hơn 1,7 tỷ đồng. Lấy 254 mẫu thực phẩm trong các đợt thanh, kiểm tra và 140 mẫu thị trường gửi xét nghiệm tại phòng xét nghiệm chuyên sâu. Kết quả phát hiện 13 mẫu không đạt.