Nhiều ý kiến cho rằng, đây là sự quan tâm, động viên kịp thời của TP với ngành y tế, tuy nhiên, về lâu dài cần có chính sách căn cơ và bài bản hơn.
Động viên, hỗ trợ kịp thời
Tại kỳ họp thứ 9 của HĐND Hà Nội chiều 12/9, 100% đại biểu có mặt biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc TP.
Theo đó, mức hỗ trợ 10 triệu đồng sẽ dành cho người làm trực tiếp chuyên môn y tế tại các bệnh viện và trung tâm y tế (TTYT), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm cấp cứu 115, các trung tâm kiểm nghiệm thuốc, dược phẩm, thực phẩm.
Người không làm trực tiếp chuyên môn mà làm quản lý hoặc hành chính ở các đơn vị trên dự kiến được hỗ trợ 7 triệu đồng. Mức hỗ trợ 7 triệu đồng cũng dành cho các cá nhân làm trực tiếp chuyên môn tại trung tâm giám định y khoa, trung tâm pháp y, trung tâm tư vấn dân số kế hoạch hóa gia đình, Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Người làm quản lý hoặc hành chính nhận mức 5 triệu đồng.
Với viên chức, người lao động thuộc các phòng nghiệp vụ y, kế hoạch tài chính, văn phòng trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, mức hỗ trợ dự kiến là 10 triệu đồng. Cán bộ thuộc phòng nghiệp vụ dược, tổ chức cán bộ, quản lý hành nghề y dược tư nhân và Thanh tra Sở được hỗ trợ 7 triệu đồng.
Nghị quyết cũng đưa ra mức hỗ trợ 7 triệu đồng với nhân viên y tế thuộc phòng y tế các quận, huyện, thị xã.
Trước đó, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đã trình bày Tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc TP Hà Nội. Việc đề xuất ban hành Nghị quyết nhằm kịp thời ghi nhận, động viên và thể hiện sự quan tâm, trân trọng của TP và Nhân dân trước sự đóng góp, cống hiến của công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc TP Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch bệnh và công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn Thủ đô.
Bên cạnh đó, việc đề xuất ban hành Nghị quyết phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy và các Chương trình, kế hoạch của TP về việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế. Việc đề xuất ban hành Nghị quyết là chính sách mới, đặc thù của TP ngoài các chế độ, chính sách đã có nhằm kịp thời thu hút và giữ chân công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế làm việc tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc TP Hà Nội...
Đề cập đến vấn đề này, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa Phạm Bá Hiền đánh giá, cùng với những chính sách mang tính chất vĩ mô để tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế, Hà Nội đã chủ động và có sự quan tâm kịp thời hỗ trợ cho nhân viên y tế.
Qua đó, có thể thấy, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã có chính sách đãi ngộ kịp thời nhằm ghi nhận những đóng góp, cống hiến của lực lượng cán bộ y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân nói chung cũng như công tác phòng, chống dịch nói riêng, đặc biệt là dịch Covid-19. Đây là sự quan tâm kịp thời, là nguồn động viên khích lệ cán bộ, nhân viên y tế gắn bó với ngành, tiếp tục cống hiến cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Chính sách này rất phù hợp trong khi cơ chế chính sách cũng sẽ được Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, điều chỉnh cho phù hợp hơn trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho hay, khi HĐND TP Hà Nội thông qua chính sách hỗ trợ cán bộ y tế, anh em trong ngành y tế rất phấn khởi vì được TP động viên kịp thời trong giai đoạn chống dịch vừa qua. Đây cũng là sự hỗ trợ ghi nhận đóng góp của nhân viên y tế, động viên anh em sẵn sàng bước vào cuộc chiến mới trong giai đoạn chống dịch tiếp theo.
Cần có chính sách căn cơ, bài bản hơn
Nêu quan điểm về vấn đề này, Phó Giám đốc TTYT huyện Đan Phượng Nguyễn Gia Phúc cho hay, HĐND TP Hà Nội vừa thông qua chính sách hỗ trợ cán bộ y tế cao nhất 10 triệu đồng (hỗ trợ một lần), đặc biệt đối với cán bộ y tế làm công tác trực tiếp. Đây là sự động viên lớn, hỗ trợ kịp thời cho cán bộ, nhân viên ngành y tế trong giai đoạn khó khăn. Tuy vậy, đây chỉ là chính sách hỗ trợ trước mắt, tạm thời, không phải là chính sách thường xuyên, liên tục, về lâu dài, hỗ trợ một lần không thu hút, khuyến khích được nhân lực y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở.
“Trước tình trạng thiếu nhân lực y tế cơ sở như hiện nay, đòi hỏi Chính phủ, TP Hà Nội có chính sách hỗ trợ, thu hút lâu dài mới “kéo” cán bộ y tế về tuyến y tế cơ sở. Trong đó, Chính phủ, Nhà nước, TP cần có chính sách hỗ trợ đào tạo, chi thù lao, chi lương (có thể tăng lương), có sự động viên, hỗ trợ phụ cấp hàng tháng để thu hút nhân lực y tế” - Phó Giám đốc TTYT huyện Đan Phượng nêu rõ.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn đánh giá, đây là sự hỗ trợ, động viên kịp thời của TP Hà Nội với ngành Y tế trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, vấn đề mấu chốt là cơ chế chính sách riêng cho y tế dự phòng phải lâu dài, thường xuyên và liên tục. Vì đặc thù của y tế dự phòng không được cấp chứng nhận hành nghề, họ muốn làm thêm cũng không có cơ hội. Thực tế, 100% cán bộ, nhân viên y tế dự phòng phụ thuộc vào tiền lương và phụ cấp. Như bác sĩ điều trị, họ có chứng chỉ hành nghề, họ có thể làm thêm ngoài công việc chuyên môn để tăng thu nhập. “Do đó, vấn đề là cơ chế chính sách riêng cho y tế dự phòng phải mở và nâng phụ cấp thường xuyên lên” - Phó Giám đốc CDC Hà Nội nêu ý kiến.
Chung quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam bày tỏ, HĐND TP Hà Nội quyết định dành gói ngân sách để hỗ trợ cán bộ, nhân viên ngành y tế với mức hỗ trợ thấp nhất là 5 triệu đồng/người, cao nhất là 10 triệu đồng. Chính sách này cho thấy, TP Hà Nội đã rất quan tâm đến cán bộ y tế ở thời điểm hiện nay cũng như trong thời gian chống dịch Covid-19 vừa qua. Đây là sự cố gắng của Hà Nội bởi số cán bộ, nhân viên y tế được hỗ trợ cũng rất lớn. Tuy nhiên, đây chưa phải là vấn đề căn cơ và bài bản.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện nay, đối với cán bộ, nhân viên y tế, có 2 áp lực. Đó là áp lực về thu nhập (lương thấp, không đủ sống) và áp lực về công việc. Bên cạnh yếu tố thu nhập thấp, ở các cơ sở y tế còn có những vấn đề khác như: Thiếu trang thiết bị y tế, thiếu nhân lực khiến cán bộ, nhân viên y tế phải làm tăng việc, thời gian làm việc kéo dài… Trong khi đó, với cơ sở y tế công lập, đa số phục vụ người nghèo với số lượng lớn bệnh nhân. Đặc biệt với y tế cơ sở, y tế dự phòng không có thu nhập thêm…
“Từ những áp lực trên, Nhà nước, TP cần có chính sách đào tạo, đãi ngộ, vinh danh những cán bộ, nhân viên y tế chống dịch vừa qua… Cùng với đó, cần có sự tôn trọng của xã hội đối với cán bộ, nhân viên y tế. Chúng ta cần phải có một chính sách tổng thể nhằm tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế để họ yên tâm phục vụ người bệnh, xã hội và cộng đồng” - PGS.TS Trần Đắc Phu nêu quan điểm.
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 năm 2022, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của TP, Sở Y tế đã phối hợp với Sở Tài chính và Sở LĐTB&XH thực hiện việc xin ý kiến các đơn vị liên quan để báo cáo UBND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc TP Hà Nội. Dự kiến, kinh phí hỗ trợ là 257,8 tỷ đồng từ ngân sách cấp TP.