Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội học liên ngành phải là trụ cột của Đại học Thủ đô Hà Nội

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – “Trường Đại học (ĐH) Thủ đô Hà Nội tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục, đạo đức, lối sống cho sinh viên. Nhà trường xây dựng chương trình giá trị sống của người Hà Nội, để sau này sinh viên ra trường có sự hiểu biết và phát huy” – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Ngày 5/10, trường ĐH Thủ đô Hà Nội phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội và Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc gia 65 năm giáo dục Thủ đô và giá trị sống của người Hà Nội.
Trong bài phát biểu khai mạc, PGS.TS Bùi Văn Quân – Hiệu trưởng ĐH Thủ đô Hà Nội khẳng định kể từ giai đoạn giải phóng đất nước đến nay, những giá trị văn hóa cội nguồn của người Hà Nội được đề cao. Những giá trị hiện đại, tiến bộ được người Hà Nội coi trọng. Đó là niềm tự hào, kiêu hãnh của người Hà Nội và là nền tảng tạo nên sự ổn định, phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội.
 Sinh viên trường ĐH Thủ đô Hà Nội biểu diễn văn nghệ chào mừng Hội thảo. Ảnh: Thủy Trúc
Tuy nhiên, vẫn còn đó những mối lo và điều trăn trở khi có một bộ phận công dân, thanh niên sinh viên Hà Nội có cách sống và lối sống thiếu sự Khiêm Cung, coi thường giá trị tình nghĩa (tấm lòng và tránh nhiệm) đang thiếu lòng tự trọng, thiếu sự xấu hổ trong một số cư xử thường nhật.
Để thực hiện sứ mạng kết nối, phát triển truyền thống của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, có Hà Nội hóa và quốc tế hóa đồng bộ các thành tố quá trình đào tạo của nhà trường.
“Là nơi trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô, trường ĐH Thủ đô Hà Nội xác định phần lớn sản phẩm đào tạo của trường đã và sẽ là những công dân của Thủ đô, sống và làm việc vì sự phát triển của Thủ đô. Vì thế, văn hóa và bản sắc của Hà Nội phải in đậm dấu ấn trong quá trình đào tạo của nhà trường...” – PGS Bùi Văn Quân thông tin.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh đến giáo dục giá trị sống, tổ chức rèn luyện cho thanh niên, sinh viên sống xứng đáng với hệ giá trị trong nền văn hóa truyền thống cao cả của dân tộc. Cũng như, cập nhật với các bàn luận về văn hóa tiên tiến của thời đại đang là điều cấp thiết cho toàn bộ  nền giáo dục của đất nước, trong đó có giáo dục Thủ đô.
 Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị trường ĐH Thủ đô Hà Nội xây dựng chương trình giá trị sống. Ảnh: Thủy Trúc
Vì thế Thứ trưởng Hữu Độ đề nghị trường ĐH Thủ đô Hà Nội ưu tiên hàng đầu là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục, đạo đức, lối sống cho sinh viên. Nhà trường xây dựng chương trình giá trị sống của người Hà Nội, để sau này sinh viên ra trường có sự hiểu biết và phát huy.
Thực tế, tại trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã nhiều năm lấy môn Hà Nội học làm môn tự chọn và hàng năm có tới 400 sinh viên các ngành đăng ký môn học này. GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận xét đây là con số khá ấn tượng.
Qua kinh nghiệm quản lý ngành học Việt Nam học và phụ trách Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô, GS Nguyễn Quang Ngọc đánh giá cao trường ĐH Thủ đô Hà Nội có chủ trương xây dựng và phát triển Hà Nội học theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp. Và hy vọng đây sẽ là cơ sở để nhà trường đi xa hơn trong sứ mệnh cao cả của trường.
 Các đại biểu tham quan không gian trưng bày Người Hà Nội và nét đẹp văn hóa thanh lịch, văn minh...
GS Nguyễn Quang Ngọc mong muốn, Hà Nội học liên ngành cần trở thành ngành học trụ cột ở trường ĐH Thủ đô Hà Nội. Không chỉ thế, Hà Nội học liên ngành và Hà Nội học định hướng dụng nghề nghiệp (du lịch, dịch vụ, quản lý xã hội, quản lý văn hóa, quản lý di sản, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực, phẩm chất người Hà Nội...) sẽ trở thành ngành học trụ cột ở trường ĐH Thủ đô Hà Nội...
Tham luận về giáo dục đạo đức, giáo dục giá trị sống mang bản sắc Hà Nội thanh lịch, văn minh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết: Từ 10 năm nay, Bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch – văn minh” do Sở biên soạn đã được giảng dạy trong trường phổ thông ở Hà Nội.
Tính cần thiết của Bộ tài liệu đã được khẳng định, bởi không chỉ cần cho học sinh mà còn có tác dụng đối với toàn xã hội trong việc xây dựng nếp sống văn hóa... từ đó góp phần xây dựng, đào tạo các thế hệ người Hà Nội thanh lịch, văn minh./.