Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Hợp tác xã “bắt tay” phát triển gạo Nhật chất lượng cao

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm qua, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa) duy trì mối liên kết bền chặt với các nông hộ, HTX trên địa bàn Hà Nội để phát triển chuỗi giá trị gạo chất lượng cao Japonica. Mô hình đang mang lại lợi ích cho nhiều bên tham gia.

Đa lợi ích từ liên kết chuỗi giá trị
Nhận thấy sự lãng phí của những diện tích đất nông nghiệp bị bỏ không trên địa bàn xã Phương Tú, Chủ tịch HĐQT HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết Cao Thị Thủy đã quyết định thuê lại của các nông hộ để gieo trồng giống lúa chất lượng cao Japonica giống J02 của Nhật Bản.
Cánh đồng mẫu lớn với quy trình sản xuất lúa chất lượng cao Japonica được hình thành sau đó đã thực sự thay đổi tư duy của các nông hộ trong phát triển sản xuất tập trung, quy mô lớn. Không chỉ vậy, nông dân cho HTX thuê đất cũng được trực tiếp sản xuất trên diện tích cho thuê khoán. Tâm lý “cho thuê là mất đất” bởi vậy được xoá bỏ hoàn toàn.
Sản phẩm gạo Nhật Japonica của HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết được chứng nhận 4 sao OCOP.
Bên cạnh liên kết với người nông dân xã Phương Tú, HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết còn “bắt tay” với một số HTX khác trên địa bàn Hà Nội để mở rộng diện tích. Tính đến nay, tổng diện tích liên kết sản xuất lúa chất lượng cao Japonica của HTX đã lên tới hơn 300ha mỗi vụ.
Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Lương Hậu cho biết, đơn vị đang canh tác 60ha lúa chất lượng cao Japonica.
“HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết đứng ra thu mua ổn định thóc tươi của chúng tôi với giá 7.000 đồng/kg (cao hơn 500 đồng so với bán lẻ ngoài thị trường). Thu nhập ổn định giúp các thành viên HTX và người nông dân rất tin tưởng vào mô hình liên kết này…” - ông Nguyễn Lương Hậu cho hay.
Từng bước mở rộng thị trường
Để nâng cao chất lượng cho hạt gạo, HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết đã đầu tư hệ thống sấy thóc với công suất 300 tấn/ngày. Ngoài ra, HTX còn phát triển hệ thống xay, xát gạo theo dây chuyền hiện đại có thanh lọc những hạt bị vỡ và tạp chất. Với dây chuyền này, hạt gạo bóng, đẹp, đủ tiêu chuẩn vào các kênh siêu thị, cửa hàng phân phối, tiến tới mục tiêu xa hơn là xuất khẩu.
Năm 2019, với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội, Liên minh HTX TP và UBND huyện Ứng Hòa, HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Gạo chất lượng Khu Cháy”.
Trong năm 2020, sản phẩm “Gạo chất lượng Khu Cháy” đã tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và được UBND TP Hà Nội công nhận đạt 4 sao.
Bà Cao Thị Thủy cho biết hiện nay trung bình mỗi vụ, HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết sản xuất và tiêu thụ trên 7.000 tấn gạo trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành như: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Khả năng cung ứng ra thị trường gạo của HTX hàng tháng vào khoảng 100 tấn.
Dù đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất khá bền vững, tuy nhiên, bài toán tiêu thụ vẫn đặt ra nan giải đối với HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết.
“HTX hiện đang liên kết với Công ty TNHH Châu Anh xây dựng và quản lý gần 20 cửa hàng bán lẻ lúa gạo ở Hà Nội và phân phối đến các đại lý lúa gạo tại các tỉnh,TP như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… Tuy nhiên, HTX rất kỳ vọng “Gạo chất lượng Khu Cháy” sẽ được hỗ trợ, kết nối để có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng bán lẻ của Hà Nội hơn nữa, từ đó duy trì ổn định chuỗi giá trị cho hạt gạo và lợi ích của các HTX cùng người nông dân” - bà Cao Thị Thuỷ bày tỏ mong muốn.