Nguy cơ bệnh dại đáng lo ngại
Trong tháng 1/2024, trên địa bàn huyện Sóc Sơn ghi nhận 2 trường hợp người dân bị chó dại cắn. Các trường hợp này sau đó được phát hiện, hướng dẫn đi tiêm huyết thanh nên không nguy hiểm đến tính mạng.
Đến tháng 4/2024, tại xã Đức Hoà của huyện Sóc Sơn ghi nhận đàn chó 5 con bị một con chó lạ mắc bệnh dại từ nơi khác đến địa bàn tấn công. Đàn chó sau đó đã cắn một số người dân trên địa bàn xã này.
“Sau khi phát hiện sự việc, đơn vị đã phối hợp bắt giữ, tiêu huỷ đàn chó. Những người tiếp xúc với đàn chó cũng được hướng dẫn đi tiêm huyết thanh nên sức khoẻ ổn định. Hiện, ổ dịch cũng đã qua 21 ngày…” - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sóc Sơn Bùi Thị Loan cho biết.
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản Hà Nội, dù chỉ phát sinh 3 ổ dịch, trên cùng địa bàn huyện Sóc Sơn, không bị lây lan diện rộng, tuy nhiên, nguy cơ từ bệnh dại là không thể chủ quan. Thực tế, đã có hàng ngàn người dân phải đi tiêm vaccine và huyết thanh phòng dại do có tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh dại.
Cũng theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản Hà Nội, tổng đàn chó, mèo trên địa bàn TP hiện nay là lớn nhất của cả nước, lên tới hơn 440.000 con. Số lượng chó, mèo cũng liên tục biến động. Bên cạnh đó, sự chủ quan vẫn còn hiện hữu trong một bộ phận người dân.
Minh chứng là rất nhiều trường hợp người dân không đưa vật nuôi đi tiêm phòng, ngay cả khi được hỗ trợ vaccine không mất tiền. Tình trạng chó mèo thả rông, không mang rọ mõm vẫn phổ biến trên đường phố, vườn hoa, công viên từ nội đô cho tới ngoại thành.
Tập trung tiêm vaccine phòng bệnh
Để chủ động phòng chống bệnh dại, hiện nay, Hà Nội đang đẩy mạnh xây dựng các vùng an toàn bệnh dại. Hiện, 10/12 quận nội thành (trừ 2 quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm), đã xây dựng và đang quản lý tương đối hiệu quả những vùng an toàn bệnh dại.
Theo Chi cục trưởng Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng, để chủ động phòng, chống bệnh dại trên đàn vật nuôi, hàng năm, đơn vị được giao phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai công tác tiêm phòng vaccine. Bình quân những năm trước đây, hơn 90% tổng đàn chó, mèo đã được tiêm phòng đầy đủ.
“Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở NN&PTNT đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dại động vật tại các quận, huyện, thị xã. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y tiếp tục hướng dẫn các quận xây dựng và duy trì vùng an toàn dịch bệnh dại…” - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại.
Đối với công tác tiêm phòng, UBND TP Hà Nội hỗ trợ 18 huyện, thị xã vacccine phòng, chống bệnh dại; năm 2024, dự kiến hỗ trợ hơn 370.000 liều vaccine phòng chống bệnh dại cho đàn chó, mèo. Hiện nay, đang triển khai tiêm phòng dại tại các huyện, thị xã.
“Đối với 12 quận, tổng đàn chó mèo vào khoảng 50.000 con. Hiện, các quận đang tập trung tiêm phòng từ nguồn ngân sách của quận. Dự kiến tiêm trong vòng 1 tháng, kết thúc trước ngày 15/5/2024” - ông Nguyễn Đình Đảng thông tin thêm.
Trước nguy cơ chết người từ bệnh dại, công tác phòng chống được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Sau văn bản chỉ đạo vào đầu tháng 3/2024, trung tuần tháng 4/2024, UBND TP tiếp tục có văn bản yêu cầu các sở, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại.
Theo đó, TP chỉ đạo tổ chức tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo chưa được tiêm phòng hoặc đã hết thời gian miễn dịch bảo hộ theo quy định, đảm bảo tỷ lệ trên 90% tổng đàn.
Các sở ngành, địa phương tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó và tiêm phòng vaccine dại; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về phòng, chống bệnh dại và quản lý chó, mèo nuôi.
Cùng với thực hiện nghiêm việc quản lý đàn chó, mèo nuôi, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập, duy trì, tăng cường hoạt động của các đội bắt chó thả rông; có cơ chế, chính sách cho đội bắt chó thả rông, đặc biệt tại các khu vực đô thị.
Truyền thông học đường về phòng, chống bệnh dại: Trong Công văn số 1082/UBND-KTN vừa ban hành, UBND TP Hà Nội đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Y tế tổ chức xây dựng, thực hiện ngay kế hoạch truyền thông học đường về phòng, chống bệnh dại trong hệ thống trường phổ thông.