Hà Nội: Lan tỏa nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2021, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19, diễn biến thời tiết cực đoan, giá vật tư nông nghiệp “leo thang”, song nhiều mô hình khuyến nông của Hà Nội vẫn đạt hiệu quả khả quan, sức lan tỏa rộng, được nông dân hưởng ứng, đánh giá cao.

Mô hình sản xuất nho Hạ đen tại huyện Hoài Đức do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai năm 2021
Mô hình sản xuất nho Hạ đen tại huyện Hoài Đức do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai năm 2021

Hiệu quả rõ rệt

Vườn trồng nho Hạ đen 9.000m2 của hộ anh Nguyễn Đăng Quý ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn thu hút nhiều đoàn khách tham quan, trải nghiệm hái nho và mua sản phẩm tại vườn. Với mức giá khoảng 140.000 đồng/kg, quả căng bóng, vị ngọt, giòn, nho Hạ đen được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.

“Trồng nho Hạ đen là hướng phát triển kinh tế mới, tuy chi phí đầu tư ban đầu khá cao nhưng khung giàn có thể dùng trong 15-20 năm. Một ưu điểm nữa là qua từng năm, năng suất quả cũng tăng dần theo độ tuổi của cây” – anh Nguyễn Đăng Quý chia sẻ.

Khách tham quan mô hình trồng nho Hạ đen tại xã Đan Phương, huyện Đan Phượng. Ảnh: Ngọc Ánh 
Khách tham quan mô hình trồng nho Hạ đen tại xã Đan Phương, huyện Đan Phượng. Ảnh: Ngọc Ánh 

Không chỉ tại Đan Phương, mô hình trồng nho Hạ đen còn được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thực hiện tại xã An Thượng (huyện Hoài Đức). Mô hình lựa chọn giống nho Hạ đen do Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ nông, lâm nghiệp (Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang) cung cấp giống và chuyển giao công nghệ thực hiện. Theo đó, Trung tâm đã hỗ trợ các hộ tham gia mô hình 50% chi phí giống, vật tư làm giàn và phân bón.

Năm 2021 cũng là năm đầu tiên Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai mô hình sản xuất hoa sen cao sản (giống sen Bách diệp và sen Quan âm), quy mô 10ha tại 2 xã Mê Linh và Đại Thịnh (huyện Mê Linh). Kết quả cho thấy, cả 2 giống sen đều sinh trưởng phát triển tốt, sen Bách diệp đạt 18.000 bông/ha, sen quan âm đạt 25.000 bông/ha. Đặc biệt, diện tích sen Quan âm cho thu hoa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Dự kiến trong những năm tiếp theo, khi cây hoa sen đã phát triển ổn định, đạt độ che phủ kín mặt nước thì sản lượng hoa cho thu hoạch sẽ tăng lên rất nhiều. Trồng sen còn thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, nghề ướp chè sen nên hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn, mang lại nguồn thu bền vững cho người trồng. Ngoài ra hiệu trồng sen còn mang lại hiệu quả xã hội lớn khi vừa nâng cao đời sống cho người nông dân vừa tạo cảnh quan môi trường xanh.

Theo Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Văn Hà, các mô hình được xây dựng dựa trên cơ sở gắn ứng dụng khoa học kỹ thuật với việc lựa chọn các bộ giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời thực hiện nghiêm quy định từ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giao giống đúng tiêu chuẩn đến kiểm soát, giám sát quy trình kỹ thuật.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, song trong suốt quá trình thực hiện các mô hình, Trung tâm chỉ đạo cán bộ thường xuyên phối hợp với đơn vị chuyển giao, tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ bệnh trên cây trồng bằng hình thức trao đổi qua điện thoại, mạng xã hội, giúp các hộ yên tâm sản xuất. Nhờ đó, các mô hình triển khai kịp tiến độ, các hộ nắm bắt được kỹ thuật, cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Mô hình trình diễn giống lúa mới  năng  suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ngọc Ánh
Mô hình trình diễn giống lúa mới  năng  suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ngọc Ánh

Năm 2022, Trung tâm tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ của Chương trình Khuyến nông TP Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025, góp phần phát triển nông nghiệp Thủ dô theo hướng tập trung, tiến tiến, hiệu quả, bền vững; xây dựng nông thôn mới; từng bước đưa công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và hội nhập thế giới.

Trong đó tập trung xây dựng và mở rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, các mô hình thực hành nông nghiệp tốt và cấp giấy chứng nhận VietGAP, chất lượng cao, bao đảm an toàn thực phẩm, gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, Trung tâm tăng cường tập huấn cho nông dân tiếp cận, nắm bắt tiến bộ khoa học nâng cao trình độ tay nghề trong quản lý, sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất.

Đánh giá về hiệu quả của các mô hình khuyến nông, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhận định: “Những mô hình trình diễn giống mới mà Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện cần được nhân rộng trong những năm tiếp theo bởi nhiều lợi ích được chứng minh. Các mô hình này không chỉ cho thu hoạch sản phẩm với chất lượng tốt, năng suất cao, được thị trường đón nhận mà còn mở hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

Tuy nhiên, để thành công với hướng phát triển mới này, ông Tạ Văn Tường cgo rằng, nông dân cần đổi mới tư duy làm kinh tế nông nghiệp song song với tuân thủ kỹ thuật trồng và canh tác nghiêm ngặt. Đặc biệt là việc mở rộng diện tích tránh ồ ạt và phải được thực hiện bài bản từ khâu đào tạo, tập huấn kỹ thuật đến kết nối thị trường tiêu thụ.

 

Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức thực hiện 11 dạng mô hình trồng trọt, cơ giới hóa. Trong đó nhiều mô hình bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao và có tiềm năng nhân rộng như: Trình diễn giống lúa mới năng suất chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu; sản xuất Nho hạ đen; sản xuất hoa Sen cao sản; thâm canh cây bưởi theo hướng VietGAP ứng dụng công nghệ cao; sản xuất rau theo hướng VietGAP; sản xuất khoai tây giống mới; sản xuất hoa Lily giống mới…