Hà Nội: nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới
Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND về triển khai thực hiện Kế hoạch số 299-KH/TU ngày 20/02/2025 của Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư “về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới”.
Theo đó, Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân về tín dụng chính sách xã hội.

Ảnh minh họa
Cụ thể, các Sở, ngành, cơ quan liên quan của TP; UBND các cấp; các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội tuyên truyền, quán triệt sâu rộng, đồng thời nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội là giải pháp sáng tạo, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của TP và từng địa phương.
Thể hiện quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế gắn với phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, lấy con người làm trung tâm; là động lực, nguồn lực để những người thụ hưởng chính sách xã hội tích cực, chủ động tham gia phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống.
Xác định tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên trong xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương hàng năm, giai đoạn 5 năm và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sở Khoa học và Công nghệ, Báo Hà Nội Mới, Báo Kinh tế và Đô thị, Đài Phát thanh và Truyền hình, Trung tâm Truyền thông, Dữ liệu và Công nghệ số và các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn TP; Trung tâm Phục vụ Hành chính công TP phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội trên ứng dụng iHaNoi và các kênh truyền thông của TP.
Cùng với đó, tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội: đảm bảo nguồn vốn ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội TP thực hiện tín dụng chính sách xã hội được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của TP, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, nhất là các đối tượng đặc thù được quy định tại Nghị quyết của HĐND TP; các đối tượng yếu thế của xã hội; người lao động chưa có việc làm/bị mất việc làm, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm sau khi thực hiện chia tách sáp nhập địa giới hành chính, tinh gọn bộ máy quản lý trên địa bàn; đối tượng thụ hưởng chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường, nhà ở xã hội…
Chủ động tham mưu giải pháp về tín dụng chính sách xã hội gắn với bố trí ngân sách TP để triển khai thực hiện trong các Chương trình, Kế hoạch của TP về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội hàng năm và giai đoạn 5 năm phù hợp với bối cảnh thực tế của từng giai đoạn.
Trong giai đoạn 2025-2030, tập trung bố trí vốn từ ngân sách TP ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội TP khoảng 6.000 tỷ đồng để cho vay đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.
Trong đó, Sở Tài chính chủ trì tham mưu thực hiện nội dung bố trí ngân sách TP chuyển bổ sung vốn ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội TP hàng năm và giai đoạn 5 năm.
Sở Nội vụ chủ trì tham mưu thực hiện các nội dung về công tác rà soát nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.
Sở Nông nghiệp và Môi trường, Công an TP, Sở Xây dựng, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội TP và các Sở, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu các nội dung liên quan đến cơ chế chính sách, xây dựng giải pháp về tín dụng chính sách xã hội đối với các đối tượng thụ hưởng trong các Chương trình, Kế hoạch của TP.
Nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Tiếp tục rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP và từng địa phương trong bối cảnh mới.
Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội trên địa bàn: Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội phối hợp với UBND và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã nâng cao chất lượng hoạt động của các Điểm giao dịch tại cấp xã, tạo điều kiện cho nhân dân và các đối tượng thụ hưởng tiếp cận kịp thời với các thông tin tín dụng chính sách và giao dịch với Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan liên quan của TP; tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội triển khai các tiện ích, các ứng dụng quản lý tín dụng chính sách, phần mềm hỗ trợ gắn với đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, số hóa quy trình quản lý và tổ chức thực hiện tín dụng chính sách, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân liên quan trong giao dịch với Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Các Sở, ngành, cơ quan liên quan của TP; UBND các cấp phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ cơ sở vật chất và tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách Xã hội triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao để phục vụ tốt người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn TP.

Mở thêm “cửa” tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân
Kinhtedothi - Dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp tư nhân tại các tổ chức tín dụng đạt gần 7 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 44% dư nợ tín dụng nền kinh tế. Dù vậy, khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp tư nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Huy động vốn của các ngân hàng thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng
Kinhtedothi - Huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn Hà Nội quý I/2025 chỉ tăng 0,54%, trong khi dư nợ tín dụng tăng 2,32%...

Tín dụng tăng, vẫn chưa hết khó
Kinhtedothi- Tính đến hết quý I/2025, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93% gấp 2,5 lần so với mức 1,42% cùng kỳ năm trước. Đây được xem là kết quả đầy tích cực nếu nhìn vào mức tăng trưởng rất thấp hoặc thậm chí tăng trưởng âm của các tháng đầu năm trong những năm trước đây.