Đây là một động thái của TP thể hiện quyết tâm khắc phục tình trạng nghỉ việc, thôi việc tại các cơ quan Nhà nước, gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ.
Tính toán tăng thu nhập cho công chức, viên chức
Theo Bộ Nội vụ, thời gian gần đây, tình trạng CBCCVC xin nghỉ việc, thôi việc vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 mới đây, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng thông tin, trong 2,5 năm, cả nước đã có 39.552 CBCCVC nghỉ việc, chiếm 2% tổng số biên chế được giao.
Như vậy, bình quân có khoảng 15.820 người/năm. Tỷ lệ nghỉ việc so với tổng biên chế được giao là 0,8%, trong đó ở T.Ư chiếm 18%, địa phương 82%. Trong 39.552 người nghỉ việc có hơn 4.000 CC và hơn 35.000 VC; số nghỉ việc trong ngành giáo dục là hơn 16.400 người, ngành y tế 12.198 người…
Để ngăn chặn làn sóng này, văn bản mới ban hành của UBND TP nhằm triển khai thực hiện Văn bản 4536/BNV-TCBC mới đây của Bộ Nội vụ về khắc phục tình trạng CBCCVC nghỉ việc, thôi việc. Theo đó, UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thuộc TP và UBND quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện một số giải pháp để khắc phục tình trạng này, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đội ngũ CBCCVC toàn TP.
Cụ thể, UBND TP đưa ra 9 nhóm giải pháp trọng tâm, trong đó đáng chú ý như: Quan tâm xây dựng đội ngũ CBCCVC, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng, đặc biệt đội ngũ CBCCVC cấp cơ sở; cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển, gắn bó ổn định của đội ngũ CBCCVC.
Các sở, ban, ngành chủ động tham mưu UBND TP phê duyệt phương án tự chủ của ĐVSNCL; đề xuất các chính sách hỗ trợ kịp thời đối với CBCCVC có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có năng lực, uy tín để tổ chức tốt công việc, khuyến khích CBCCVC làm việc. Cùng đó, đổi mới công tác bố trí, sử dụng CBCCVC để tạo cơ hội phát triển, nhất là cán bộ trẻ; tạo điều kiện để CBCCVC được tham gia học tập nâng cao trình độ, năng lực làm việc thông qua các chương trình, dự án đào tạo, bồi dưỡng ở trong và ngoài nước một cách thiết thực nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…
Đáng chú ý, UBND TP đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, đề xuất ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách nâng mức thu nhập bình quân đối với CCVC và người lao động (NLĐ) các cơ quan, đơn vị TP theo Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 1/11/2018 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ Hội nghị T.Ư 7 khóa XII. Đồng thời, xây dựng cơ chế, định mức khoán chi thường xuyên, thực hiện thí điểm chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của CBCCVC, NLĐ thuộc các cơ quan, đơn vị của TP, báo cáo TP để thực hiện theo thẩm quyền.
Quan trọng nhất vẫn là thu nhập, môi trường làm việc
Khảo sát thực tế tại huyện Gia Lâm, 2 năm gần đây, tuy đối tượng công chức không có nhiều trường hợp nghỉ việc (ngoài một vài công chức cấp xã nghỉ thuộc diện tinh giản biên chế), song Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Lưu Thị Ngọc Yến cho biết, tại huyện xảy ra tình trạng khá nhiều viên chức, lao động hợp đồng khối giáo dục nghỉ việc, bỏ việc, nhất là ở cấp mầm non có nhiều giáo viên, nhân viên bảo vệ và nhân viên nấu ăn nghỉ việc. Lý do chính là trong khoảng thời gian dịch Covid-19 không có việc làm, thu nhập khó khăn, nhiều giáo viên, nhân viên đã phải tìm kiếm việc làm thêm, bán hàng online… thậm chí trong đợt dịch có 2 cán bộ là hiệu phó trường mầm non đã nghỉ việc, ra ngoài làm.
Muốn giữ được người lao động trong khu vực công thì phải cải cách mạnh mẽ về chính sách tiền lương và chế độ khen thưởng, phải đảm bảo thu nhập của người lao động có mức sống khá đối với công sức bỏ ra. Đồng thời phải có biện pháp đánh giá công chức, viên chức một cách khách quan, minh bạch dựa trên kết quả họ đạt được trong quá trình làm việc và có chế độ khen thưởng xứng đáng, không cào bằng.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh
“Đối với bậc tiểu học và THCS, giáo viên làm việc đỡ chịu áp lực hơn và có cơ hội làm thêm từ nghề nhiều hơn các cô giáo mầm non. Lý do là bởi giáo viên mầm non không thể làm “tay ngang”, ra các trung tâm dạy như giáo viên tiểu học hay THCS, mà chỉ có sự lựa chọn là làm Nhà nước hay ra ngoài làm. Đồng thời, thời gian làm việc của giáo viên mầm non quy định 6 tiếng/ngày nhưng thực tế toàn trên 8 tiếng, vì trường cũng phải hình thành một số nhóm lớp trả trẻ muộn, đáp ứng thực tế nguyện vọng từ phụ huynh đi làm về đón con muộn.
Nhưng gần như giáo viên mầm non không được hưởng các chế độ làm thêm giờ như ở cấp THCS hay tiểu học. Hơn nữa, họ còn phải chịu áp lực về trông trẻ đảm bảo an toàn, lại mất nhiều thời gian bám trụ ở trường chứ không làm ngoài được. Vì vậy, sau đợt dịch Covid-19 nhiều giáo viên đã ra ngoài làm không quay lại trường công lập nữa, bởi kiếm được 7 - 8 triệu đồng/tháng là không hề khó, trong khi giáo viên trường công lập phải có thâm niên rất nhiều năm mới đạt được mức thu nhập đó.
''Chế độ đãi ngộ đối với giáo viên mầm non dù đã được nâng hơn trước nhưng không đáng kể so với công sức họ phải bỏ ra. Cùng một trình độ được đào tạo nhưng ngành mầm non không thể có nhiều cơ hội như ở các cấp học khác”- bà Lưu Thị Ngọc Yến chia sẻ.
Tương tự tại quận Đống Đa, Phó trưởng Phòng Nội vụ UBND quận Đống Đa Vũ Trà Vinh cho hay, từ đầu năm 2022 đến nay tại quận có 4 viên chức quản lý, 19 viên chức và 6 công chức xin thôi việc. Trong đó, chỉ có 1 - 2 công chức khối hành chính cấp quận nhưng có khá nhiều công chức cấp phường (các lĩnh vực LĐTB&XH, văn hóa xã hội…) và viên chức giáo viên mầm non xin nghỉ việc.
Thực tế, tình trạng CBCC nghỉ việc xảy ra ở khối phường nhiều hơn ở khối xã, rải rác ở hầu hết lĩnh vực chuyên môn như văn phòng thống kê, bộ phận một cửa, bộ phận LĐTB&XH… Để ngăn chặn tình trạng nghỉ việc, thôi việc, nhiều huyện trên địa bàn TP đã xây dựng, ban hành một số chương trình, kế hoạch về nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, ưu tiên tạo điều kiện nâng cao trình độ chính trị cho CBCC… Nhưng điều mong mỏi lớn nhất của các CBCCVC ở cơ sở vẫn là được tạo điều kiện nâng cao thu nhập song song với một môi trường làm việc tốt.
Theo một cán bộ Sở Nội vụ Hà Nội, mặc dù TP Hà Nội đã có văn bản cụ thể hóa và bổ sung các giải pháp của TP, yêu cầu các quận, huyện, sở, ngành triển khai nhằm khắc phục tình trạng CBCCVC nghỉ việc, thôi việc, song tất cả các giải pháp có thực sự hiệu quả hay không phụ thuộc vào chính nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Cùng với làm tốt công tác tư tưởng phải là những giải pháp chăm lo đời sống vật chất tinh thần, điều kiện làm việc cho CBCCVC, NLĐ; cải cách tiền lương là yếu tố rất quan trọng nhằm hạn chế tình trạng xin nghỉ việc từ khối công lập hiện nay.
Nguyên nhân CBCCVC nghỉ việc chủ yếu là do sau đợt dịch Covid-19 vừa qua, khối lượng và áp lực công việc quá lớn trong khi thu nhập chưa được cải thiện. Đa phần họ còn trẻ, mới vào làm, thấy có cơ hội tốt hơn ở cơ quan hành chính khác, hoặc ra ngoài làm có thu nhập và môi trường làm việc tốt hơn, hoặc đơn giản có lý do hoàn cảnh gia đình.
Phó trưởng Phòng Nội vụ UBND quận Đống Đa Vũ Trà Vinh