Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Những vùng lúa tiêu chuẩn xuất khẩu cho hiệu quả kinh tế vượt trội

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ Xuân 2023, ngành nông nghiệp Hà Nội đã triển khai xây dựng 12 mô hình sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hoá theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Kết quả đánh giá cho thấy hiệu quả kinh tế mang lại là rất tích cực.

Năng suất cao, chất lượng tốt

Vụ Xuân 2023, gia đình bà Vũ Thị Ngọt ở thôn 1 (xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ) canh tác 3 sào giống lúa TBR225. “Đây là giống lúa ngắn ngày, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt nên chúng tôi tiết giảm được khá nhiều công chăm sóc. Vụ Xuân này gia đình dự kiến thu hoạch được hơn 2 tạ/sào…” - bà Ngọt chia sẻ.

Nhiều nông dân xã Liên Hiệp cho biết thêm, năng suất lúa giống TBR225 trong vụ Xuân 2022 thậm chí còn cao hơn nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi. Bên cạnh năng suất, chất lượng gạo TBR225 cũng được nông dân nơi đây đánh giá khá tốt. “Gạo nấu thành cơm thơm, dẻo và ăn rất ngon…” - ông Đỗ Thế Diến ở thôn 2 (xã Liên Hiệp) nói.

Mô hình canh tác giống lúa chất lượng cao TBR225 trong vụ Xuân 2023 tại xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Lâm Nguyễn.
Mô hình canh tác giống lúa chất lượng cao TBR225 trong vụ Xuân 2023 tại xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Lâm Nguyễn.

Mô hình canh tác lúa giống chất lượng cao TBR225 tại xã Liên Hiệp là một trong 12 mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn xuất khẩu, đang được Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội triển khai tại 11 xã thuộc 5 huyện: Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Mê Linh và Phúc Thọ. Tổng diện tích của 12 mô hình là 610ha, trong đó có 30ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và 580ha canh tác an toàn, VietGAP.

Các giống lúa được sử dụng trong vụ Xuân 2023 gồm J02, TBR225, Đài Thơm 8 và HD11. Kết quả đánh giá hiện trường cho thấy, năng suất lúa an toàn, VietGAP ước đạt 6,5 - 7 tấn/ha. Đối với diện lích lúa canh tác theo hướng hữu cơ, năng suất dự kiến đạt 5,5 - 5,8 tấn/ha.

Theo chia sẻ của nhiều nông hộ, với giống lúa J02, sau khi trừ tất cả chi phí và nhân công, bà con thu về khoảng 29 - 30 triệu đồng/ha/vụ. Đối với các giống Đài Thơm 8, TBR225, HD11, doanh thu bình quân đạt khoảng 25 triệu đồng/ha/vụ. Hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn từ 11 - 15 triệu đồng/ha/vụ so với giống lúa Khang dân.

TBR225, J02, Bắc Thơm 8 hay HD11 là những giống lúa chất lượng cao đang được sử dụng rộng rãi trong canh tác tại Hà Nội.
TBR225, J02, Bắc Thơm 8 hay HD11 là những giống lúa chất lượng cao đang được sử dụng rộng rãi trong canh tác tại Hà Nội.

Xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững

Thực tế trong vụ Xuân 2023, thời tiết ít mưa, thiếu ánh sáng; giai đoạn cuối tháng 4, đầu tháng 5/2023 liên tiếp xảy ra các đợt không khí lạnh và nóng ẩm xen kẽ. Điều này khiến các loại bệnh hại trên lúa như đạo ôn, rầy nâu có điều kiện phát triển. Dù vậy, năng suất và chất lượng các giống lúa chất lượng cao vẫn được duy trì tương đối ổn định.

Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp Đinh Trọng Bổng cho biết, vụ Xuân 2023, 498 hộ dân trên địa bàn xã tiếp nhận hỗ trợ từ Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội để canh tác lúa giống chất lượng cao TBR225. Các hộ khi tham gia được hỗ trợ 50% chi phí về giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Nhờ đó, chi phí sản xuất được tiết giảm, giúp nâng cao thu nhập từ canh tác lúa cho hàng ngàn nông hộ trên địa bàn xã.

Đại diện Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội và huyện Phúc Thọ đánh giá chất lượng gạo J02 và TBR225.
Đại diện Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội và huyện Phúc Thọ đánh giá chất lượng gạo J02 và TBR225.

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hoà, kết quả thực hiện 12 mô hình trong vụ Xuân 2023 cơ bản đã đạt được 3 tiêu chí: Năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Quy trình canh tác được Trung tâm giám sát chặt chẽ; chất lượng sản phẩm bảo đảm an toàn để cung ứng cho người tiêu dùng trong nước và hướng đến mục tiêu xuất khẩu.

Cũng theo bà Hoà, xác định công tác tiêu thụ sản phẩm là khâu then chốt để phát triển sản xuất bền vững nên ngay từ đầu vụ Xuân 2023, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã kết nối với các doanh nghiệp hỗ trợ bao tiêu sản phẩm lúa gạo chất lượng cao cho nông dân. Đến nay, đã có 5 doanh nghiệp tham gia liên kết với các hợp tác xã để tiêu thụ lúa gạo cho bà con.

Trong thời gian tới, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu. Cùng với đó là tăng cường xúc tiến tiêu thụ và quảng bá sản phẩm, tiến tới hình thành các chuỗi liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và người sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao trên địa bàn thủ đô. 

 

Theo Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, tổng sản lượng thóc vụ Xuân 2023 từ 12 mô hình sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hoá tiêu chuẩn xuất khẩu ước đạt 4.177 tấn; trong đó bao gồm 4.009 tấn thóc an toàn, VietGAP và 168 tấn lúa hữu cơ, chuyển đổi hữu cơ.