Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội nỗ lực xóa bỏ các điểm đen ùn tắc giao thông

Ngọc Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội vẫn có diễn biến rất phức tạp. Trong thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục xử lý 31 điểm ùn tắc còn lại.

4 nhóm nguyên nhân chính

Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 8 triệu phương tiện tham gia giao thông, gồm: 6,7 triệu xe máy, 1 triệu ô tô các loại và 0,2 triệu xe điện. Chưa kể đến khoảng 1,2 triệu phương tiện đến từ tỉnh thành khác lưu thông trên địa bàn. 

Lưu lượng phương tiện quá cao khiến tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) của Thủ đô ngày càng nghiêm trọng. Trên một số tuyến đường chính, trục đường xuyên tâm như Cầu Giấy - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu, Âu Cơ - Nghi Tàm - Xuân Diệu, La Thành - Giảng Võ… các phương tiện di chuyển khó khăn trong giờ cao điểm. Tình trạng ùn tắc trên một số tuyến đường vào nội đô, cửa ngõ ra vào TP luôn có diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong giờ cao điểm, các dịp lễ, tết.

Trên các tuyến đường chính của Thủ đô, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên. Ảnh minh hoạ.
Trên các tuyến đường chính của Thủ đô, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên. Ảnh minh hoạ.

Theo Sở GTVT Hà Nội, trong năm 2024, trên địa bàn TP có tổng số 33 điểm UTGT. Trong đó, 22 điểm chuyển tiếp từ năm 2023 và 11 điểm phát sinh. 

3 tháng đầu năm 2024, Sở GTVT Hà Nội đã xóa được 2 điểm UTGT tại: khu vực nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển và nút giao Sa Đôi - Đường 70.

Về nguyên nhân của tình trạng UTGT, Sở GTVT Hà Nội đã phân loại thành 4 nhóm nguyên nhân chính.

Tốc độ tăng trưởng phương tiện giai đoạn 2019 - 2023 là trên 10%/năm đối với ô tô, 3%/năm đối với xe máy. Tuy nhiên, diện tích đất cho giao thông bình quân hằng năm chỉ tăng 0,26 - 0,3%. Trong khi đó, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%. Sự chênh lệch đó tất yếu dẫn đến quá tải hạ tầng giao thông ngày càng trầm trọng, nhất là trên những tuyến đường cấp đô thị hướng tâm, vành đai, các cầu vượt sông Hồng…

Hà Nội đang triển khai thi công nhiều công trình trọng điểm, do vậy một số tuyến đường có rào chắn làm thu hẹp mặt cắt đường, ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân.

Với các khu vực chậm triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, tình trạng ùn tắc chỉ có thể được giải quyết khi hạ tầng được hoàn thiện, giảm bớt gánh nặng giao thông cho tuyến. Đơn cử như với khu vực cầu Chương Dương, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cầu vượt sông Hồng theo quy hoạch như cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo để giảm tải lưu lượng…

Đồng thời, Sở GTVT cũng chỉ ra các khu vực “điểm đen" hiện chưa có quy hoạch bổ sung hạ tầng giao thông để giải quyết triệt để ùn tắc như nút giao Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám, nút giao Cổ Linh - Thạch Bàn…

Các vấn đề nêu trên đều không thể giải quyết trong một sớm một chiều, nhưng cần có những biện pháp cả lâu dài lẫn trước mắt để dần dần hóa giải 4 thách thức này.

Giải quyết các tồn tại

Trong quý I/2024, Sở GTVT Hà Nội đã tập trung theo dõi phương án phân luồng tổ chức giao thông phục vụ thi công các dự án trọng điểm của TP đang triển khai. Cụ thể bao gồm: Dự án Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; Xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; Đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, Dự án hầm chui Kim Đồng - Giải Phóng; Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã huy động 212 người/ngày trực, phối hợp phân luồng chống ùn tắc, đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại 106 vị trí dự án thi công trọng điểm, khu vực các bến xe khách, cửa ngõ ra vào TP… 

Đồng thời, Sở GTVT đã tiến hành điều chỉnh tổ chức giao thông tại 25 vị trí để tạo điều kiện cho người dân tham gia giao thông thuận lợi. Trong đó, 6 vị trí đã tổ chức giao thông chính thức.

Trong thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục xử lý 31 điểm ùn tắc còn lại trong năm 2024.

Tuy nhiên, về lâu dài, Hà Nội cần chú trọng phát triển mạng lưới vận tải hàng khách vận tải công cộng, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân, giảm thiểu ùn tắc cho TP.

Theo nhiều chuyên gia, cần đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch. Trong đó, tập trung hoàn chỉnh những tuyến đường vành đai, tuyến trục chính hướng tâm, các cầu qua sông sẽ tăng tính kết nối giao thông giữa các khu vực. Đây là giải pháp cơ bản có tính bền vững và lâu dài để xoá bỏ UTGT.

Song song với duy tu, bảo trì hạ tầng giao thông, cần có những điều chỉnh, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, xử lý những bất cập đối với các tuyến, nút giao để phát huy tối đa năng lực toàn hệ thống giao thông hiện có. 

Bên cạnh sự nỗ lực của các lực lượng chức năng trong hạn chế ùn tắc, hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông cũng cần được lưu tâm. Ô tô, xe máy chen làn buýt BRT, phương tiện đi ngược chiều, đi sai làn đường nhan nhản ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ lưu thông, đặc biệt trong giờ cao điểm. Chính vì vậy, cần tăng cường công tác kiểm tra, mạnh tay xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về nồng độ cồn, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, dừng đỗ không đúng vị trí,... gây UTGT.