Ngày 7/9, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thường Tín tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu nhà nông. Diễn đàn có sự tham gia của gần 200 đại biểu là các hộ nông dân, chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã trên địa bàn huyện. Ban cố vấn của diễn đàn là những nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đi một ngày đàng, học một sàng khôn
Có thâm niên gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi thủy sản nhưng ông Nguyễn Bá Sáu, ở xã Thư Phú, huyện Thường Tín chưa khi nào bớt nỗi lo với ao cá thương phẩm của gia đình. Ông Sáu chia sẻ, do việc nuôi thủy sản chịu ảnh hưởng từ nguồn nước sông Nhuệ nên dù thường xuyên xử lý môi trường nước nhưng đàn cá luôn trong nguy cơ bị dịch bệnh bất cứ lúc nào.
Đến với "Nhịp cầu nhà nông", ông Sáu được PGS.TS Kim Văn Vạn – Học viện Nông nghiệp Việt Nam khuyến nghị, nông dân phải túc trực theo dõi nguồn nước, khi thấy nước đục phải dùng ngay các chế phẩm sinh học để xử lý. Cùng với đó, khâu quản lý chăm sóc đàn cá phải thực hiện thường xuyên từ thức ăn đến các biểu hiện thời tiết. Ao nuôi cần kiểm soát 3 vấn đề lớn gồm: nước sạch, cân bằng độ PH và bảo đảm đủ oxi.
Hộ chị Nguyễn Thị Tài, ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín đang canh tác 7 sào cây ăn quả các loại như mít, ổi, táo, bưởi từ 3 – 10 năm tuổi. Tuy nhiên, năm nay, phần lớn số cây mít của gia đình dù sai quả nhưng chất lượng kém ngon, kém ngọt, quả nhỏ.
Băn khoăn của chị Tài đã được TS Cao Văn Chí – Viện Nghiên cứu rau quả giải đáp, đó là do yếu tố giống và cách chăm sóc. Theo đó, đối với cây ăn quả nói chung khâu đầu tiên là phải chọn mua giống chuẩn ở cơ sở uy tín; tiếp đến là thực hiện quy trình chăm sóc, bón phân cho phù hợp. Với cây dài ngày như mít thì nông dân nên cung cấp dinh dưỡng ở tất cả các giai đoạn ra hoa, đậu quả, quả non, vào múi và trước thu hoạch 1,5 – 2 tháng để cây cho quả đạt chất lượng cao nhất, mẫu mã đẹp.
Tại diễn đàn, GS.TS Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội các ngành sinh học Việt Nam đã giới thiệu đến nhà nông Thường Tín nhiều loại vật nuôi đặc sản cho giá trị kinh tế cao, phù hợp với đặc điểm của địa phương vùng chiêm trũng như: Ba ba, ốc nhồi, lươn không bùn...; khuyến nghị nên tập trung đầu tư nuôi và cung ứng giống thủy sản để giảm thiểu rủi ro do ảnh hưởng từ nguồn nước sông Nhuệ bị ô nhiễm.
Nhịp cầu hữu ích cho nhà nông
Những năm qua, huyện Thường Tín đã tích cực ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học mới vào sản xuất. 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt 963 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện nay, Thường Tín đang duy trì diện tích sản xuất lúa hơn 7.600ha, rau màu các loại trên 2.100ha, diện tích cây ăn quả tập trung 470ha, nuôi trồng thủy sản 954,75ha; tổng đàn vật nuôi hơn 1 triệu con.
Đáng chú ý, huyện đã được TP quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: vùng lúa hàng hóa ở các xã Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến, Tô Hiệu, Văn Tự, Nguyễn Trãi; vùng cây ăn quả ở xã Tự Nhiên, Chương Dương, Dũng Tiến; vùng hoa cây cảnh ở xã Vân Tảo, Hồng Vân; vùng rau an toàn tại xã Hà Hồi, Thư Phú,Vân Tảo, Quất Động, Dũng Tiến, Tân Minh, Văn Phú, Liên Phương; vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và vùng nuôi trồng thủy sản ở xã Thư Phú, Lê Lợi, Thống Nhất, Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, diễn đàn "Nhịp cầu nhà nông" là cơ hội để nông dân tiếp cận với các nhà khoa học, từ đó vỡ ra nhiều bài học áp dụng vào thực tế sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi cũng như giá trị sản phẩm nông nghiệp hàng hóa.
"Nhịp cầu nhà nông" là một trong những hoạt động trọng tâm của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội được tổ chức với mục đích trang bị kiến thức, giúp nông dân làm chủ khoa học kỹ thuật. Diễn đàn được tổ chức luân phiên tại các huyện, thị xã trên địa bàn TP với sự tham gia của Ban cố vấn là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực chăn nuôi – thú y, thủy sản, trồng trọt – bảo vệ thực vật.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho hay, trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, nông dân muốn tiêu thụ được sản phẩm thì nông sản làm ra phải đảm bảo an toàn. Do đó, việc tiếp thu và vận dụng tốt những thông tin hữu ích từ các chuyên gia sẽ giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, góp phần tăng thu nhập.
"Nhịp cầu nhà nông không chỉ giải đáp cho nông dân về kỹ thuật sản xuất mà còn giúp họ hiểu rõ, nắm bắt chính sách của Nhà nước, TP về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Theo kế hoạch, năm 2023, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND các huyện trên địa bàn TP tổ chức 6 diễn đàn "Nhịp cầu nhà nông” - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân