Theo đó, phong trào được triển khai ở tất cả các sở, ngành; các quận, huyện, thị xã; đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành phố; các cá nhân thuộc các địa phương, đơn vị nêu trên. Nội dung thi đua: Thực hiện các chỉ tiêu giao tại Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội quản lý sang tự chủ tài chính thực hiện năm 2021 và giai đoạn 2022-2025.
Cùng với đó, thi đua trong việc đề xuất các giải pháp, sáng kiến, mô hình trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ tài chính, tạo sự chuyển biến có tính đột phá, mang lại hiệu quả thiết thực. Thi đua hoàn thiện cơ chế, chính sách: Tham mưu cấp có thẩm quyền về việc phân cấp, ủy quyền phê duyệt đề án quản lý, sử dụng tài sản công, tăng cường trách nhiệm, tăng tính chủ động và cải cách thủ tục hành chính để nâng cao vai trò của thủ trưởng, người đứng đầu và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý tài sản công, tăng nguồn thu cho đơn vị sự nghiệp và nâng tự chủ tài chính; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước là dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu và dịch vụ sự nghiệp công mang tính đặc thù của một số ngành, lĩnh vực thuộc danh mục do cấp có thẩm quyền ban hành, được Nhà nước bảo đảm kinh phí hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện…
Thông qua phong trào thi đua, thành phố phấn đấu đạt các mục tiêu, đến năm 2025: Có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính; tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020.
UBND TP giao Sở Tài chính là cơ quan thường trực phong trào theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức phong trào thi đua đạt hiệu quả.