Giá trị vượt trội canh tác lúa
Nằm ở phía Bắc của Thủ đô, huyện Mê Linh được xem là thủ phủ trồng hoa lớn nhất của Hà Nội. Trung bình mỗi vụ, vựa hoa nơi đây cung ứng cho thị trường hàng triệu bông, với nhiều chủng loại như: hoa hồng, hoa cúc, hoa ly, hoa đồng tiền và các loại hoa chậu cảnh.
Cùng với huyện Mê Linh, 3 huyện khác gồm: Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất cũng là những vùng chuyên canh hoa lớn của Hà Nội. Hoa được bà con trồng tại những vùng chuyên canh tập trung sau dồn điền đổi thửa và chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả nhằm nâng cao giá trị kinh tế.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, thống kê toàn TP hiện có hơn 3.000ha trồng hoa các loại, tập trung chủ yếu tại các địa phương ven đô. Ngoài 4 huyện trọng điểm kể trên, diện tích trồng hoa rải rác cũng được ghi nhận tại các huyện: Sóc Sơn, Gia Lâm, Thường Tín và thị xã Sơn Tây.
“Với những tiến bộ mới về giống, quy trình chăm bón, hệ thống dinh dưỡng khoáng, tưới tiêu tự động, điều tiết ánh sáng và nhiệt độ, năng suất hoa hiện nay đạt khá cao. Gía trị sản xuất bình quân đạt 0,5 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm; nhiều mô hình đạt đến 2,2 tỷ đồng/ha/năm…” - ông Nguyễn Văn Chí chia sẻ.
Mang lại giá trị kinh tế lớn, tuy nhiên, nghề trồng hoa chưa phải đã hết khó khăn, hạn chế. Một trong những vấn đề cần quan tâm hiện nay là Hà Nội vẫn còn ít những mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn từ 20ha trở lên.
Thực tế, một số mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao với quy mô hàng chục héc-ta đã xuất hiện tại các huyện Đan Phượng, Mê Linh, Thạch Thất, Hoài Đức. Tuy nhiên, những mô hình này nhìn chung còn hết sức khiêm tốn.
Gắn trồng hoa với phát triển du lịch
Hiện thực hoá mục tiêu xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”. Trong đó, nghề trồng hoa được TP xác định là lĩnh vực trọng tâm cần tập trung phát triển để thúc đẩy kinh tế nông thôn.
Cụ thể hoá mục tiêu trên, hiện nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đang vận động, khuyến khích bà con nông dân chú trọng sử dụng giống mới chất lượng. Tăng cường liên kết giữa các hình thức kinh tế hợp tác nông hộ với doanh nghiệp. Hình thành các vùng sản xuất - tiêu thụ hoa kết hợp du lịch sinh thái. Đồng thời duy trì thương hiệu, nhãn hiệu của những vùng hoa truyền thống.
Trong định hướng phát triển đến năm 2025, Hà Nội cũng sẽ chuyển đổi dần những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa. Khai thác để tạo sinh kế và phát huy hiệu quả đất bãi ven sông nhằm tập trung phát triển nghề trồng hoa theo hướng trang trại gắn với du lịch trải nghiệm…
Để thúc đẩy phát triển nghề trồng hoa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường mong muốn các hội, hiệp hội ngành hàng hoa, cây cảnh tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thẩm định giá sản phẩm, gắn mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc; thiết lập bản đồ số về hoa, cây cảnh để minh bạch thông tin và phục vụ công tác quản lý, giám sát.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ; phấn đấu xây dựng nghề trồng hoa, cây cảnh trở thành ngành hàng mũi nhọn trong phát triển kinh tế, cải thiện môi trường.
Theo định hướng cơ cấu lại ngành trồng trọt đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu phát triển mở rộng vùng hoa lên khoảng 8.000ha hoa các loại theo hướng tăng trưởng bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái; trong đó, diện tích trồng hoa ứng dụng công nghệ cao đạt từ 500 - 700ha.