Hà Nội phát triển và hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/5/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 515/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025. Nghiên cứu kỹ Chương trình có thể thấy, cụm từ “thiết chế văn hóa” được nhắc đến nhiều lần.

Những năm qua, công tác đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao (TCVHTT) cơ sở được Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo. Nhờ đó, hệ thống các TCVHTT trên địa bàn TP đã có sự phát triển mạnh và ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, hệ thống này trên địa bàn TP vẫn còn một số bất cập, hoạt động chưa đồng đều, thậm chí còn có một số nơi sử dụng chưa đúng mục đích, một số thiết chế văn hóa ở địa phương xây dựng có quy mô lớn, nhưng việc khai thác hiệu quả thấp.

Bài 1: Nhiều điểm sáng nhưng thiếu đồng bộ

Trong những năm qua, hệ thống TCVHTT cơ sở trên địa bàn TP
Hà Nội được phát triển đồng bộ, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa. Tuy nhiên hiện nay, hệ thống TCVHTT tại các địa phương vẫn tồn tại nhiều bất cập.

Những điểm sáng

Theo khảo sát của TP Hà Nội, đến quý I/2023, TP có 383 TCVHTT thuộc quản lý của UBND TP, các sở, ban, ngành đoàn thể; 30/30 quận, huyện, thị xã có Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao (VHTT&TT) với 84 công trình VHTT; 125/579 xã, phường, thị trấn có công trình Trung tâm VHTT; 4.656/5.469 thôn, tổ dân phố có Nhà văn hóa/điểm sinh hoạt cộng đồng, đạt tỷ lệ 85% .

Nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư số 21, 22 phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Lại Tấn
Nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư số 21, 22 phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Lại Tấn


Từ việc đầu tư mạnh mẽ, phát triển các hệ thống TCVH, những biểu hiện của TCVH có thể thấy khắp nơi, từ nhà văn hóa ở các khối phố, tổ dân cư từ nông thôn đến thành thị; đến nhà bảo tàng, hệ thống thư viện, tượng đài, rạp chiếu phim.

 

Hà Nội đã có đủ các nhà hát phục vụ cho nhu cầu phát triển văn hóa hiện tại, nhất là khi chúng ta đang xây dựng TP sáng tạo, đáng sống. Việc các nhà hát ở TP chưa hoạt động hết công suất không chỉ bởi năng lực hạn chế của các nhà hát này, mà còn bởi nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả những nguyên nhân ngoài chuyên môn như sự bó buộc bởi các cơ chế, chính sách về thuế, đất đai, đối tác công - tư, quản lý sử dụng tài sản công.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - PGS.TS Bùi Hoài Sơn

 

Trong đó, TP đã có những công trình VHTT tiêu biểu cả nước và khu vực: Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao tại Mỹ Đình, Nam Từ Liêm - 55ha với nhiều công trình là địa điểm tổ chức các giải thể thao tầm cỡ quốc tế và khu vực (SEA Games, Indoor Games) như: Cung điền kinh, khu liên hiệp thể thao dưới nước, nhà luyện tập và thi đấu bi sắt, nhà luyện tập và thi đấu bắn cung, nhà luyện tập và thi đấu bộ môn đấu kiếm quốc tế.

Hiện nay, đang tiếp tục triển khai các dự án mới: Cung văn hóa Thiếu nhi tại công viên CV1- 4ha; bước đầu hình thành ý tưởng thực hiện dự án Nhà hát Opera khu vực Hồ Tây; các không gian văn hóa, tuyến phố đi bộ tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai, Tây Hồ, thị xã Sơn Tây.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch hệ thống trung tâm văn hóa dọc hai bên bờ Nam - Bắc sông Hồng đã được TP xác định tại đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, trong quá trình triển khai sẽ xác định cụ thể nhu cầu thiết chế, văn hóa, thể thao trong khu vực.

Đối với các trục không gian khác tiếp tục rà soát, cập nhật vào Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, dự trù quỹ đất cho các nhu cầu văn hóa, trung tâm văn hóa, các không gian sinh hoạt văn hóa…

Vẫn còn thiếu đồng bộ, thiếu quy hoạch

Như đã đề cập phía trên, ở cấp TP có 383 TCVH. Các thiết chế văn hóa cấp TP đã và đang cơ bản được hoàn thiện cả về số lượng, chất lượng, đa dạng nội dung, hình thức hoạt động bảo đảm thích ứng với nhu cầu và xu hướng.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các thiết chế văn hóa, thể thao đã có sự đầu tư từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn xã hội hóa vẫn còn thiếu đồng bộ, thiếu quy hoạch, chủ yếu tập trung chủ yếu tại các vùng đô thị; tại các khu công nghiệp, vùng nông thôn xa trung tâm còn thiếu. Nhiều công trình xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động (Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ, Rạp chiếu bóng 2/9, Rạp Đại Đồng).

Cấp quận, huyện đã có 84 Trung tâm VHTT&TT trên tổng số 30 huyện. Các Trung tâm VHTT&TT hiện nay đang sử dụng và hoạt động trên cơ sở các công trình sẵn có từ trước khi sáp nhập 3 đơn vị sự nghiệp là Trung tâm văn hóa (Nhà văn hóa), Trung tâm TDTT và đài Truyền thanh.

Tuy nhiên, các công trình được xây dựng vào những thời điểm khác nhau nên cơ sở vật chất cũng khác nhau về quy mô. Chủ yếu được trang bị các điều kiện tối thiểu để tổ chức các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Mặt khác, có địa phương có 3 nhà văn hóa (quận Hoàng Mai), nhưng có 3 đơn vị chưa có (Mê Linh, Ứng Hòa, Nam Từ Liêm); Tổ hợp Trung tâm VHTT&TT có 4/30 quận, huyện (Đống Đa, Đông Anh, Quốc Oai, Sơn Tây).

Đối với TCVHTT cấp xã, hiện nay, các hoạt động văn hóa, thể thao ở xã, phường, thị trấn vẫn chủ yếu tổ chức tại hội trường UBND hoặc ở một số nhà văn hoá thôn, tổ dân phố có quy mô diện tích bảo đảm theo tiêu chí của Bộ VHTT&DL.

Vì thế, số lượng các Trung tâm VHTT xã hiện có mới đạt 24%. Tuy nhiên, trong số này còn tồn tại những địa điểm mượn cơ sở vật chất của một công trình khác để sử dụng, hoạt động, trên thực tế những công trình này không được thiết kế, xây dựng đầy đủ công năng của một trung tâm văn hóa.

Nhiều nhà văn hóa chưa đạt tiêu chí

Thực tế hiện nay, còn nhiều nhà văn hóa thôn, tổ dân phố chưa đạt yêu cầu về quy mô, diện tích (do xây dựng đã lâu, diện tích nhỏ hẹp hoặc tận dụng các công trình trong di tích...).

Cụ thể, đối chiếu quy định mẫu về tổ chức hoạt động và tiêu chí Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn (Thông tư 06/2011/TT-BVHTTDL và Thông tư 05/2014/TT-BVHTT&DL của Bộ VHTT&DL) trong tổng số hơn 5.400 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng thôn, tổ dân phố hiện có hơn 1.300 nhà văn hóa đạt cả 3 tiêu chí (diện tích đất quy hoạch, quy mô xây dựng, trang thiết bị); hơn 2.100 nhà văn hóa chưa đạt tiêu chí về diện tích, quy mô xây dựng; 907 nhà văn hóa chưa đạt tiêu chí về trang thiết bị.

Mặt khác, trong nhóm các nhà văn hóa cần đầu tư xây dựng giai đoạn 2022 - 2025 có 373 nhà văn hóa có diện tích nhỏ hẹp, 315 nhà văn hóa xuống cấp nghiêm trọng, 73 nhà văn hóa đang mượn địa điểm sử dụng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có những nguyên nhân khách quan như nguồn kinh phí đầu tư cho hệ thống TCVHTT từ cấp TP đến cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; nguồn ngân sách quận, huyện đầu tư cho các TCVH còn chưa đồng đều giữa các quận, huyện.

Đồng thời, nhiều quận, huyện chưa có quỹ đất hoặc chưa quy hoạch quỹ đất để thực hiện các công trình văn hóa và TCVH, đặc biệt là các khu vực trung tâm nội thành.

Bên cạnh đó, những hạn chế cũng được cơ quan chức năng thẳng thắn đưa ra là công tác quản lý, tổ chức hoạt động còn nhiều bất cập, thiếu chủ động, sáng tạo.

 

Nội dung ở đâyTCVH là toàn bộ cơ sở vật chất - kỹ thuật, tổ chức bộ máy, đội ngũ nhân sự, cơ chế hoạt động tham gia vào quá trình thực hành các hoạt động văn hóa của xã hội. TCVH có hai loại, TCVH truyền thống và các TCVH mới. Các TCVH truyền thống bao gồm đình, chùa, nhà thờ, miếu, phủ, dòng họ, hội quán... Các TCVH mới như hệ thống thư viện, nhà văn hóa, cung văn hóa, bảo tàng, công viên, trung tâm văn hóa - thể thao... Trong công tác quản lý các TCVH và các di sản văn hóa, cần đẩy mạnh trao quyền tự chủ cho cơ sở, kết hợp hình thức hợp tác công - tư trong quản lý, vừa chú ý đến hiệu quả văn hóa - xã hội, vừa chú ý đến hiệu quả kinh tế, khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên
Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển - Học viện Chính trị
quốc gia Hồ Chí Minh - PGS.TS Phạm Duy Đức 

 

Nội dung và hình thức hoạt động chưa phong phú, hấp dẫn, hiệu quả hoạt động chưa đồng đều, một số nơi chưa phát huy tốt, thậm chí còn có một số địa phương sử dụng chưa đúng mục đích cơ sở vật chất của TCVH, TDTT cơ sở. Một số TCVH ở địa phương xây dựng có quy mô lớn, nhưng việc khai thác hiệu quả thấp.
(còn nữa)