Hà Nội quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân cao

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hà Nội đặt kế hoạch đầu tư công năm 2024 cao hơn 1,4 lần so với năm 2023; quyết liệt triển khai nhiệm vụ ngay từ ngày đầu, tháng đầu tiên của năm 2024, tránh tình trạng dồn giải ngân vào cuối năm.

Năm 2023, Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao trong cả nước. Lũy kế giải ngân của TP đến ngày 15/1/2024 là 50.690 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 95,5% kế hoạch TP giao.

Nhiều công trình dân sinh, trọng điểm của Thủ đô đã được khởi công và đang đẩy nhanh tiến độ như dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô dài 112,8 km; dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1)...

Chi trả tiền đền bù cho người dân thuộc dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
Chi trả tiền đền bù cho người dân thuộc dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng

Năm 2024, Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công của TP Hà Nội là 81.033 tỷ đồng (gấp 1,72 lần so với đầu năm 2023), trong đó có 9.451 tỷ đồng ngân sách T.Ư và 71.582 tỷ đồng ngân sách địa phương.) Trong khi đó, năm 2023 được giao 50.000 tỷ đồng. Quy mô vốn đầu tư công được giao của Hà Nội đã vượt TP Hồ Chí Minh để trở thành địa phương được phân bổ lượng vốn nhiều nhất với 81.033 tỷ đồng (+73%), trong khi đó, vốn phân bổ cho Đà Nẵng là 7.292 tỷ đồng (-8%).

Xác định năm 2024 sẽ tiếp tục là năm nhiều thách thức, khó khăn, TP tiếp tục tập trung, quyết liệt chỉ đạo trong công tác điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2024.

TP đã ban hành kế hoạch về tăng cường, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024. Kế hoạch nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế, tăng cường, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024. Trong đó, tập trung vào các dự án, công trình trọng điểm của TP và các dự án được giao kế hoạch vốn năm 2024 lớn.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, TP đã phân bổ và giao kế hoạch vốn từ sớm để bảo đảm tiến độ giải ngân. UBND TP yêu cầu đề cao kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nghiêm túc thực hiện chế độ giao ban định kỳ toàn TP hằng quý và các lĩnh vực hằng tháng.

Hà Nội tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của các cá nhân, đơn vị liên quan, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các cá nhân, đơn vị được giao với tiến độ thực hiện giải ngân của từng dự án; phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2024 đạt tối thiểu 95% kế hoạch được giao; đồng thời bảo đảm tiến độ mục tiêu, chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn theo đúng quy định của pháp luật.

UBND TP Hà Nội đã phân cấp cho các địa phương 9 lĩnh vực; phân cấp 16 lĩnh vực cho các sở, ban, ngành với tổng số 708 thủ tục hành chính. "Trong quá trình thực hiện, TP rút ra hai bài học. Một là, thấy đúng thì phải quyết tâm làm. Hai là, làm thì phải quyết liệt" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói.

Trong 3 năm vừa qua, Hà Nội đã có sự cải thiện vượt bậc về giải ngân đầu tư công. Đặc biệt, năm 2023 TP đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn mức bình quân của cả nước. Vì vậy, theo các chuyên gia, Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7% trong năm 2024 (cao hơn GRDP năm 2023 đạt được của Hà Nội tăng 6,11%) là hoàn toàn có cơ sở.

Hiện, TP đang có những dự án mang tính đột phá với hàng loạt dự án trọng điểm, dự án dân sinh y tế, môi trường, cấp thoát nước, hầm chui, dự án hạ tầng giao thông cũng sắp được khơi thông một số mạch như đường vành đai, đã khởi động hay phát triển vùng kết nối với các địa phương cũng giúp TP hưởng lợi lớn... Những dự án này sẽ tạo nền tảng lớn cho sự bứt phá thực sự của TP.

Ngoài ra, TP đang quy hoạch hướng vào các dịch vụ cao cấp, thu hút DN công nghệ cao, không chỉ tăng khả năng hút vốn mà còn tạo ra được động lực mới.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, Hà Nội là đầu tàu tăng trưởng của cả nước, do đó TP phải có tính cạnh tranh cao không chỉ trong nước mà phải dẫn đầu trong cuộc đua trên quốc tế, TP phải là tọa độ thu hút đầu tư trên thế giới. Muốn như vậy, TP cần tận dụng hơn nữa cơ chế đã có và cũng cần trao cho TP những cơ chế đi trước, những cơ chế thí điểm mang tính chất cải cách để mở đường cho phát triển.

Đó là được đặc thù về quy hoạch, được quyền về đầu tư dự án, được chủ động hơn trong tiếp cận vốn chất lượng cao FDI, giúp TP dùng những cơ chế khuyến khích nhiều hơn, kéo dự án về với TP. Bên cạnh đó, TP cũng chủ động hơn trong việc tạo ra những điều kiện mang tính nền tảng như hạ tầng, nguồn nhân lực... để bứt phá.