Hà Nội quyết tâm hồi sinh các biệt thự cũ

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

Knhtedothi - Vấn đề bảo tồn biệt thự cũ tại Hà Nội đã được đặt ra cách đây nhiều năm nhưng do khó khăn, vướng mắc đến nay mới có một căn biệt thự trong danh sách hàng ngàn căn biệt thự của TP được tôn tạo một cách bài bản và quy mô.

Để gìn giữ được các công trình kiến trúc qúy giá này, Hà Nội vừa ban hành các kế hoạch với những hành động cụ thể, hy vọng tới đây sẽ có thêm nhiều tòa biệt thự cũ trên các tuyến phố Thủ đô được hồi sinh.

Tiến độ chậm do nhiều vướng mắc

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh, qua rà soát, đánh giá, phân loại, tháng 6/2022, TP đã ban hành quyết định xác lập danh mục gồm 1.216 biệt thự cần quản lý, bảo tồn.

Số biệt thự này được phân loại theo nhóm đối tượng quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP. Trong đó, nhóm 1 có 222 biệt thự; nhóm 2 có 356 biệt thự và nhóm 3 có 638 biệt thự.

Biệt thự mang phong cách kiến trúc Pháp cổ có 2 mặt tiền số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài sau đúng một năm cải tạo đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: Thùy Anh
Biệt thự mang phong cách kiến trúc Pháp cổ có 2 mặt tiền số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài sau đúng một năm cải tạo đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: Thùy Anh

Phân loại theo hình thức sở hữu và quản lý thì có 367 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước, 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp (Nhà nước, các hộ dân) và 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân. Đa phần các công trình được xây dựng trên dưới 100 năm, nằm ở một số quận trung tâm như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ và Đống Đa.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP được ban hành năm 2013, tất cả nhóm nhà biệt thự thuộc danh mục quản lý (bao gồm cả biệt thự thuộc sở hữu của Nhà nước, của các tổ chức, của hộ gia đình, cá nhân) không được tự ý phá dỡ.

Đồng thời, TP đã quy định cụ thể các trường hợp biệt thự trong tình trạng nào được cải tạo, phá dỡ và cải tạo, xây dựng lại theo nguyên tắc nào.

Tuy nhiên, trên thực tế quản lý, sử dụng các biệt thự thời gian qua cho thấy trong quá trình sử dụng, nhiều hộ ở đã lấn chiếm, tự hoạch định diện tích sân, vườn, lối đi chung và xây dựng, cải tạo trái phép, không phép, gây ra tình trạng xuống cấp hoặc biến dạng công trình.

Nhà biệt thự do nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng nên nhiều trường hợp không có hồ sơ quản lý, không cập nhật về tình trạng biến động, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại.

Cũng do nhiều thành phần quản lý, sở hữu, sử dụng nên việc xác định trách nhiệm, nghĩa vụ bảo trì, cải tạo, sửa chữa gặp rất khó khăn. Các hộ gia đình vẫn trông chờ vào Nhà nước.

Trong khi đó, nguồn tài chính phục vụ cho việc cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn loại công trình biệt thự Pháp không nằm trong quy định về đầu tư công hay đấu giá, đấu thầu mà chỉ là cơ chế chỉnh trang, bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị công trình.

Từ hiện trạng về quản lý quỹ nhà biệt thự cổ trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nhìn nhận, đối với hai loại nhà biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp và sở hữu tư nhân, việc tu bổ, bảo tồn là rất khó. Vì việc phân bổ các diện tích sử dụng chung trong một số nhà rất phức tạp, sở hữu chưa thống nhất mà vẫn còn diện tích công - tư xen kẽ.

Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế, hoàn cảnh mỗi hộ giai đình sống trong một biệt thự rất khác nhau nên khó tìm được tiếng nói chung cho công tác sửa chữa bảo tồn.

Do đó, tiến độ cải tạo, bảo tồn cho từng ngôi biệt thự này thời gian qua còn chậm chuyển biến.

Tạo chuyển biến từ những kế hoạch cụ thể

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng thời gian qua chính quyền các quận nơi có nhà biệt thự cũng đã nỗ lực trong công tác cải tạo, bảo tồn loại công trình giá trị này.

Ông Phạm Tuấn Long cho biết, sau một năm khởi công dự án bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài trên địa bàn quận, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Đây là một trong những dự án đầu tiên TP Hà Nội chính thức thực hiện đối với việc bảo tồn biệt thự trên địa bàn của TP.

Ngoài ra, quận đã thực hiện cải tạo, bảo tồn với công trình số 2 Tràng Thi, 68 Lý Thường Kiệt.

Còn đối với quận Ba Đình có số lượng nhà biệt thự xếp nhóm 1 nhiều nhất với 111 căn, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến thông tin, đến nay quận đã hoàn thành cải tạo, chỉnh trang biệt thự tại số 68 Nguyễn Thái Học; số 180 Quán Thánh (Trung tâm Văn hóa - Thông tin và thể thao Ba Đình); số 101 Quán Thánh (Trung tâm y tế quận Ba Đình); hiện đang hoàn tất thủ tục đầu tư, cải tạo, chỉnh trang các biệt thự số 97 phố Quán Thánh và 83 phố Quán Thánh.

Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng mục tiêu của Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành chỉnh trang 20 nhà biệt thự và 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954, mới đây UBND TP ban hành liên tiếp hai kế hoạch với nhiều nội dung cụ thể.

Theo đó, TP đã xây dựng kế hoạch tiến hành khảo sát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ 1.216 biệt thự và một số công trình kiến trúc khác. Qua khảo sát đánh giá nhằm xác định mức độ xuống cấp, nguy hiểm từ đó sẽ có giải pháp, phương án cải tạo, chỉnh trang biệt thự cũ và công trình kiến trúc tại khu vực nội đô lịch sử, các quận nội thành.

Trong đó, TP đặc biệt ưu tiên kiểm định, đánh giá chất lượng chi tiết 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc thuộc sở hữu Nhà nước do TP quản lý xong trước 30/9.

Đây là các công trình đã được đánh giá xếp nhóm 1, nhóm 2, nằm trong danh mục biệt thự không được bán và là những công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc đang làm trụ sở, các đại sứ quán.

Việc khảo sát chi tiết được thực hiện bằng các dụng cụ và thiết bị chuyên dụng: thí nghiệm, tính toán và đánh giá mức độ an toàn của kết cấu nhà và công trình.

Dựa trên kết quả thu được, đề xuất phương án xử lý tiếp theo như: tiếp tục sử dụng, sửa chữa, gia cường, hoặc các biện pháp can thiệp khác.

Bên cạnh đó, UBND TP cũng đã ban hành kế hoạch từ nay đến tháng 6/2025 sẽ hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu, quét scan các tài liệu, hồ sơ và lập phần mềm quản lý đối với 1.216 biệt thự; đồng thời, số hóa 3D đối với 222 biệt thự thuộc nhóm 1.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, đây là giải pháp cần thiết và trước tiên TP phải thực hiện, trong đó ưu tiên tập trung với biệt thự nhóm 1 vì qua nghiên cứu khoa học và kiểm tra sơ bộ, đây là loại công trình còn tương đối nguyên trạng.

Ngoài ra, trong quá trình cải tạo, bảo tồn cũng phải hướng tới phát huy giá trị và tạo thuận lợi cho người sở hữu công trình, có định hướng hợp lý trong khai thác sử dụng.

Công trình biệt thự không nhất thiết chỉ dành để ở mà tùy từng vị trí, có thể cho khai thác làm du lịch, dịch vụ nhằm quảng bá giá trị công trình. “Cải tạo biệt thự phải giữ được hồn cốt, không những chỉ có vật thể mà còn có cả phi vật thể bên trong nữa. Nghĩa là tổ chức cuộc sống của người dân bên trong biệt thự” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh .

Những kế hoạch được xây dựng với những đầu việc được ấn định thời gian hoàn thành cụ thể, hy vọng công tác cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn giá trị kiến trúc các công trình biệt thự cổ trên địa bàn TP Hà Nội có chuyển biến mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

 

Qua đợt khảo sát toàn diện này, để công tác bảo tồn có kết quả Hà Nội cần xem xét lựa chọn những biệt thự tiêu biểu, có giá trị về nghệ thuật kiến trúc để tu bổ, tôn tạo và bảo tồn. Khi các biệt thự đã được phục hồi nguyên trạng hình thức kiến trúc ban đầu, sẽ giao cho các đơn vị Nhà nước hoặc tư nhân sử dụng vào kinh doanh, du lịch. Để làm được việc này, phải có quy định hết sức rõ ràng và cơ chế giám sát chặt chẽ; phân công, phân cấp gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; đồng thời cần có cơ chế để các tổ chức, cá nhân chung tay cùng TP bảo tồn biệt thự có giá trị, vì chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước chắc chắn sẽ khó thực hiện hiệu quả”.

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần