99,1% học sinh đỗ tốt nghiệp
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2021 - 2022, toàn TP có trên 93.300 thí sinh dự thi, thấp hơn năm học trước khoảng 3.800 thí sinh. Trong đó khối các trường THPT có 82.800 thí sinh, khối các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có 10.500 thí sinh.
Tổng số thí sinh đỗ tốt nghiệp xấp xỉ 92.500 em (đạt tỷ lệ 99,1%, cao hơn so với năm học trước 0,2%). Trong đó, tỷ lệ tốt nghiệp của khối các trường THPT (không tính số thí sinh tự do) đạt 99,45% và khối giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đạt 96,26%.
Hà Nội có 98/221 trường THPT tốt nghiệp đạt tỷ lệ 100% (tăng 9 trường so với năm học trước). Nhiều trường THPT dù còn khó khăn nhưng cố gắng nâng cao kết quả thi tốt nghiệp.
Đơn cử như Trường THPT Bất Bạt có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng 2,74%, số học sinh trượt tốt nghiệp giảm từ 13 học sinh xuống còn 3 học sinh. Trường THPT Đại Cường có tỷ lệ tốt nghiệp tăng 1,65%, số học sinh trượt giảm từ 6 xuống còn 2 học sinh. Trường THPT Tân Lập có tỷ lệ tốt nghiệp tăng 1,04%, số học sinh trượt tốt nghiệp từ 6 em xuống còn 0 em. Trường THPT Hoài Đức C năm đầu tiên có học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 100%. Trường Phổ thông dân tộc nội trú 3 năm liền tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100%...
Bên cạnh đó, nhiều trường liên tục 5 năm liền có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 100% như: THPT Đan Phượng, THPT Thạch Bàn, THPT Trần Nhân Tông, THPT Trần Quốc Tuấn. Kết quả trên cho thấy nỗ lực nâng cao chất lượng dạy học, công tác tổ chức hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn tập thi tốt nghiệp đã được các nhà trường quan tâm, dành nhiều tâm huyết và công sức.
Tiếp tục sát sao công tác ôn tập
Tuy tỷ lệ tốt nghiệp chung của TP đạt mức cao nhưng Hà Nội vẫn đứng thứ 27/64 tỉnh, thành về thứ hạng; mặt khác, phổ điểm trung bình một số môn thi cũng chưa cao.
Hội nghị đã thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến kết quả tốt nghiệp còn hạn chế. Trong đó có kể đến việc Hà Nội có số lượng thí sinh dự thi đông (hàng năm khoảng gần 100.000 em), nhiều thí sinh tự do; chất lượng “đầu vào” và điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng dạy học ở các trường còn có sự chênh lệch khá lớn...
Ý kiến của các nhà trường cũng nhận định, công tác kiểm tra, đánh giá quá trình ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi ở một số nơi chưa sát sao. Điều này thể hiện ở số học sinh bị điểm liệt ở các môn thi nhiều hơn.
Kỳ thi tốt nghiệp năm 2022, toàn TP có 167 thí sinh bị điểm liệt trong số 842 em trượt tốt nghiệp; trong đó môn Ngoại ngữ có 60 em (nhiều hơn năm trước 45 em), môn Ngữ văn có 33 em (nhiều hơn năm trước 12 em)...
Thời điểm hiện tại, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đang đến gần. Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường vừa tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục cấp THPT, vừa giữ vững, nâng cao chất lượng mũi nhọn, thu hẹp khoảng cách chất lượng dạy học giữa các cơ sở giáo dục.
Đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở giáo dục, tích cực rà soát, đánh giá chất lượng, hỗ trợ đội ngũ giáo viên dạy lớp 12 tại những trường có tỷ lệ tốt nghiệp thấp.
Thêm vào đó, cần quan tâm, tập trung vào công tác ôn tập, chuẩn bị cho học sinh lớp 12 tham gia thi tốt nghiệp; trong đó, xây dựng kế hoạch ôn tập, kiểm tra, khảo sát, đánh giá chất lượng học sinh gắn với việc xây dựng ma trận đề theo định hướng của Bộ GD&ĐT.
Thực hiện tốt công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh trong đăng ký, lựa chọn môn thi tốt nghiệp; quan tâm và có giải pháp hỗ trợ đối với những học sinh yếu kém hay gặp khó khăn trong quá trình học tập. Đánh giá, xếp loại học sinh chặt chẽ, kiên quyết không để học sinh không đủ điểu kiện vẫn hoàn tất hồ sơ được dự thi tốt nghiệp.
Sở GD&ĐT khuyến khích các cụm trường tổ chức kiểm tra, đánh giá theo hướng đề chung, chấm chung nhằm động viên, thúc đẩy học sinh học tập, giúp ban giám hiệu đánh giá, điều chính kế hoạch của trường mình. Các thầy cô, nhà trường phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh, tạo điều kiện tốt đa giúp các em ôn tập đạt hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương đánh giá đây là hội nghị rất giá trị, là cơ hội để các nhà trường chia sẻ, bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT nói riêng.
Chia sẻ với những khó khăn của các nhà trường, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội kêu gọi thầy cô giáo, cán bộ quản lý cùng nâng cao trách nhiệm để đồng hành, hỗ trợ học sinh tốt nhất, quyết tâm nâng tỷ lệ, thứ hạng và phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của Hà Nội lên cao hơn.
“Bên cạnh các giải pháp toàn ngành đang triển khai, các nhà trường cần tiếp tục tạo sự lan tỏa của phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm” với những nội dung cụ thể, thiết thực nhằm khắc phục những bất cập, khó khăn ở từng đơn vị..." - Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương nhấn mạnh.