Thông tin từ UBND huyện Thường Tín, hiện trên địa bàn huyện được UBND TP công nhận 4 điểm du lịch gồm: điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng nghề sừng Thụy Ứng và điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm.
Mặc dù đã được thành phố công nhận một số điểm du lịch nhưng việc thu hút du khách gặp nhiều khó khăn do chưa có tour đặc trưng. Việc xây dựng chương trình du lịch “Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái” sẽ tạo cơ hội cho người dân làng nghề giới thiệu những giá trị độc đáo của hai nghề làm sơn mài và làm đồ mã ở thôn Hạ Thái và thôn Phúc Am (xã Duyên Thái) tới du khách.
Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Thường Tín Trần Thị Lan cho biết, Phúc Am là làng nổi tiếng với việc sản xuất vàng mã và đồ lễ gắn liền với văn hóa tâm linh và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể năm 2016).
Làng nghề sơn mài Hạ Thái đã tồn tại và phát triển hơn 200 năm nay sản xuất theo công nghệ thủ công, sử dụng nguyên liệu tự nhiên để tạo ra những sản phẩm có độ bền cao và màu sắc bắt mắt. "“Chương trình du lịch "Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái" không chỉ là dịp để người dân làng nghề quảng bá sản phẩm, mà còn là cơ hội để phát triển kinh tế bền vững dựa trên các giá trị văn hóa và nghệ thuật”"- bà Lan nêu rõ.
Để các doanh nghiệp du lịch xây dựng tour đưa khách đến với Thường Tín, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng đề xuất, thời gian tới địa phương cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng bãi đỗ xe, cảnh quang, lưu trú homestay, cửa hàng lưu niệm, xưởng sản xuất và trải nghiệm du lịch…
Phát biểu tại buổi ra mắt chương trình du lịch “Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái”, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: Hà Nội với 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ bởi 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước.
Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”, Sở Du lịch triển khai xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm đặc thù gắn với giá trị di sản – di tích và làng nghề theo tuyến du lịch "Con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội” tại các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên trong năm 2024.
Sự kiện giới thiệu chương trình du lịch "Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái" tại huyện Thường Tín tập trung vào giới thiệu những giá trị độc đáo gắn liền với văn hóa tâm linh, tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam. Đặc biệt, sản phẩm sơn mài không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn thể hiện tinh hoa và sự sáng tạo của người nghệ nhân, thông qua việc tổ chức “Chương trình du lịch "Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái" sẽ mang lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với vùng làng nghề huyện Thường Tín nói riêng, TP Hà Nội nói chung”"-ông Hiếu nhấn mạnh.