Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Sản phẩm OCOP có chiếm lĩnh thị trường?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần. Thị trường các sản phẩm phục vụ tiêu dùng hiện rất đa dạng. Thách thức cạnh tranh cũng là cơ hội để các sản phẩm OCOP khẳng định ưu thế về chất lượng và giá cả, tạo dựng được lòng tin trong người tiêu dùng Thủ đô.

Thêm hàng trăm lựa chọn sản phẩm OCOP

Kể từ khi triển khai năm 2019 đến nay, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP Hà Nội đã gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ. Toàn TP hiện đã có 1.054 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng và cấp từ 3 sao trở lên. Trong số này có 4 sản phẩm OCOP 5 sao và 13 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao đang chờ Hội đồng T.Ư thẩm định.

Khách hàng xem sản phẩm OCOP được tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Khách hàng xem sản phẩm OCOP được tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Tiếp nối thành công của Chương trình OCOP, năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều mặt đời sống, kinh tế - xã hội, Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các sở ngành, địa phương quán triệt, tích cực triển khai chương trình. Phấn đấu trong năm 2021, có ít nhất 400 sản phẩm được Hội đồng TP đánh giá, phân hạng từ 3 sao OCOP trở lên.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, năm 2021, đã có 27/30 quận, huyện, thị xã đăng ký sản phẩm tham gia dự thi Chương trình OCOP. Sau nhiều vòng thẩm định nghiêm túc, theo đúng quy định của T.Ư và TP, 595 sản phẩm đã đủ điều kiện, được hoàn thiện hồ sơ và hiện đang trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP Hà Nội xem xét, cấp sao.

Với kết quả này, Hà Nội nhiều khả năng sẽ đạt và vượt mục tiêu có thêm ít nhất 400 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên trong năm 2021; qua đó, nâng tổng số sản phẩm OCOP của toàn TP lên hơn 1.500 sản phẩm. “Điều này sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn hàng, các sản phẩm OCOP cho thị trường tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Nhân Dần 2022” - ông Nguyễn Ngọc Sơn kỳ vọng.

Đa dạng hóa, bảo đảm chất lượng sản phẩm OCOP

Với khoảng 1.500 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên, Hà Nội tiếp tục giữ vững vị thế lá cờ đầu của cả nước trong phát triển Chương trình OCOP. Không chỉ phát triển ấn tượng về mặt số lượng, sản phẩm OCOP của Hà Nội cũng được đánh giá là rất đa dạng, trong khi chất lượng cũng được kiểm soát hết sức gắt gao.

Trong số 6 nhóm sản phẩm OCOP theo phân loại tại Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phát triển Chương trình OCOP, Hà Nội hiện đã có sản phẩm ở 5/6 nhóm. Trong số này, nhóm thực phẩm (bao gồm cả sản phẩm chế biến) chiếm đa số.

Ngoài ra, TP còn phát triển được sản phẩm thuộc nhóm hàng lưu niệm, nội thất, trang trí; vải, may mặc; đồ uống; thảo dược. Nhóm sản phẩm duy nhất còn lại Hà Nội chưa có là du lịch, cũng được Hà Nội hết sức quan tâm, chỉ đạo rà soát, đầu tư phát triển trong năm 2022.

Tiêu chí chất lượng sản phẩm OCOP cũng được Hà Nội đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, những tháng cuối năm 2021, cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, TP đã thành lập đoàn liên ngành, tiến hành kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP của 41 chủ thể tại 18 quận, huyện với tổng số 334 sản phẩm.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, đoàn liên ngành với sự tham gia của đại diện nhiều sở ngành của TP, làm việc công khai, khách quan. Quá trình kiểm tra, giám sát, các thành viên đoàn đã góp ý để các chủ thể tiếp tục hoàn thiện sản phẩm OCOP.

Theo ông Chí, đây là giải pháp của Hà Nội nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm OCOP cung ứng ra thị trường, đặc biệt là thời điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang tới gần.

Sản phẩm OCOP thu hút sự quan tâm mua sắm của người tiêu dùng Thủ đô. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Sản phẩm OCOP thu hút sự quan tâm mua sắm của người tiêu dùng Thủ đô. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các đơn vị phân phối sản phẩm OCOP cũng đặc biệt chú trọng giám sát chất lượng. Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Chủ tịch HĐQT Nutrimart, chuỗi bán lẻ với hơn 1.000 cửa hàng trên toàn quốc cho biết, hiện nay Hà Nội là địa bàn có số lượng cửa hàng lớn nhất trong toàn hệ thống. Hà Nội không chỉ là một thị trường rất lớn nhưng đòi hỏi của người tiêu dùng cũng hết sức khắt khe.

Cũng bởi vậy, không chỉ tại hệ thống của Nutrimart mà đối với nhiều nhà phân phối khác, tất cả các sản phẩm có chứng nhận OCOP là một lợi thế, nhưng đều được kiểm định chất lượng nghiêm ngặt. Điều này bảo đảm mang đến cho khách hàng những sản phẩm an toàn với chi phí hợp lý, nhất là trong bối cảnh cận Tết Nguyên đán, thị trường đón nhận rất nhiều mặt hàng với nguồn gốc, xuất xứ và chủng loại đa dạng.

Đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng

Việc chú trọng chất lượng là giải pháp để sản phẩm OCOP có thể “ghi sao” trong lòng người tiêu dùng, nhưng để đưa những mặt hàng này đến với người tiêu dùng, hoạt động xúc tiến thương mại là hết sức cần thiết. Thực tế những tháng cuối năm 2021, các sở ngành của TP cũng đã tổ chức nhiều hội chợ quảng bá, giới thiệu để đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng…

Đơn cử như chuỗi sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực Đồng bằng sông Hồng tại phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ); hay chuỗi sự kiện trưng bày sản phẩm OCOP tại các trung tâm thương mại lớn thuộc 4 quận (Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy); Diễn đàn Hà Nội 2021 - kết nối giao thương sản phẩm OCOP…

Các sự kiện có sự tham gia của hàng trăm chủ thể với hàng nghìn sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh, TP khác, đã giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với nguồn hàng khổng lồ phục vụ tiêu dùng dịp cận Tết Nguyên đán 2022. Đồng thời, có thể hoàn toàn yên tâm bởi chất lượng đã được UBND các tỉnh, TP chứng nhận, đơn vị cung ứng kiểm soát nghiêm ngặt.

“Vừa rồi, gia đình tôi có đi mua sắm tại hội chợ sản phẩm OCOP tổ chức ở Trung tâm thương mại Mê Linh Plaza Hà Đông. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm do chất lượng sản phẩm được bảo đảm thông qua chứng nhận OCOP. Thêm nữa, sản phẩm bày bán cũng rất đa dạng, đủ các chủng loại, nhất là về nông sản, thực phẩm. Nhiều chủ cửa hàng còn đưa ra khuyến mãi cho người mua…” - chị Đinh Thị Sen ở phố Vũ Hữu (quận Thanh Xuân) chia sẻ.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong năm 2022, TP sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tổ chức triển khai Chương trình OCOP đồng bộ từ TP đến cơ sở. Do đó Hà Nội phấn đấu đạt mục tiêu số lượng, nhưng cũng không xem nhẹ chất lượng.

Cùng với các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức thời gian qua, TP cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, nhất là trong ít tuần trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sắp tới, để người dân Thủ đô biết, lựa chọn sử dụng. Đây cũng là giải pháp nhằm thúc đẩy hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của TP Hà Nội.

 

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội phấn đấu đánh giá, phân hạng được ít nhất 2.000 sản phẩm OCOP; trong đó có khoảng 3% tổng số sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao. Hàng năm, mỗi quận, huyện, thị xã phát triển thêm hai điểm trưng bày, giới thiệu, quảng bá để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.

Hà Nội hiện nay vẫn là địa phương dẫn đầu của cả nước về phát triển sản phẩm OCOP. Không chỉ ở khía cạnh số lượng, những sản phẩm OCOP của Hà Nội cũng được đánh giá cao về chất lượng. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn TP tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ các chủ thể không chỉ của TP mà còn của các tỉnh, thành khác trong việc tiêu thụ sản phẩm OCOP. Từ đó, giúp sản phẩm OCOP “ghi sao” trong lòng người tiêu dùng. " - Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới T.Ư Nguyễn Minh Tiến