Hà Nội sẵn sàng phương án ứng phó mưa to, gió lớn do bão số 3

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bão số 3 là một trong những cơn bão mạnh nhất trong hàng chục năm trở lại đây. Mức độ rủi ro thiên tai rất cao. Khi đổ bộ đất liền, bão có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân tại nhiều địa phương, trong đó có thủ đô Hà Nội.

Mưa gió kéo dài 3 ngày

Sau khi đạt cấp siêu bão, bão số 3 tiếp tục duy trì cường độ, di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10 - 15km/giờ. Dự kiến vào chiều tối ngày 7/9, bão đổ bộ đất liền khu vực Bắc Bộ (từ Quảng Ninh đến Nam Định) với cường độ cấp 9 - 12, giật cấp 13 - 14.

Phó Giám đốc Đài khí tượng thuỷ văn khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ Nguyễn Văn Hiệp cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, từ sáng 7/9, hầu hết các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội sẽ có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 7 - 8, giật cấp 9. Gió mạnh có thể gây tốc mái, hư hại nhà cửa, làm gãy đổ cây cối, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Bão số 3 đang di chuyển ngày một gần đến đất liền nước ta.
Bão số 3 đang di chuyển ngày một gần đến đất liền nước ta.

Từ ngày 7 - 9/9, TP sẽ có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa tại hầu hết các quận, huyện phổ biến ở mức 200 - 300mm, có nơi trên 350mm. Riêng các huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, lượng mưa dự báo vào khoảng 150 - 250mm, có nơi trên 300mm.

Mưa lớn kéo dài có thể gây ra sạt lở đất, đặc biệt là tại các khu vực có địa hình dốc; làm ngập úng, gãy đổ cây trồng, gây thiệt hại cho mùa màng. Đồng thời còn khiến giảm tầm nhìn khi lái xe, gây ra trơn trượt và tai nạn giao thông; có thể làm quá tải hệ thống thoát nước đô thị, gây ra ngập úng trong các khu dân cư…

Cùng với mưa to, gió lớn, cơ quan khí tượng thuỷ văn cũng nhận định từ ngày 7 - 10/9, trên các sông suối Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội), sẽ xuất hiện một đợt lũ, với đỉnh lũ trên sông Thao, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam ở mức báo động (BĐ)1 - BĐ2; sông Lô lên mức BĐ1; sông Hoàng Long lên mức BĐ2.

Bảo đảm an toàn cao nhất cho người dân

Theo đánh giá, bão số 3 là một trong những cơn bão mạnh nhất trong hàng chục năm trở lại đây. Mức độ rủi ro thiên tai rất lớn. Khi đổ bộ đất liền, bão có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân tại nhiều địa phương, trong đó có thủ đô Hà Nội.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 3, UBND TP Hà Nội đã sớm ban hành Công điện số 10/CĐ-UBND chỉ đạo. Chiều tối 5/9, ngay sau cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Hà Nội cũng đã tổ chức họp bàn, lên phương án ứng phó với bão số 3. Động thái cho thấy lãnh đạo TP rất quan tâm đến diễn biến và tác động của bão số 3 đối với đời sống người dân.

Dự kiến trên địa bàn Hà Nội sẽ có mưa từ ngày 7 - 9/9.
Dự kiến trên địa bàn Hà Nội sẽ có mưa từ ngày 7 - 9/9.

Để ứng phó với bão số 3, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, đơn vị đã chuẩn bị nguồn hàng hoá, nhất là các loại nhu yếu phẩm cần thiết, với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng. Sở sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp bảo đảm cung ứng, hỗ trợ người dân các địa phương trong trường hợp xảy ra mưa lũ, chia cắt.

Trong khi đó, vấn đề phòng, chống ngập úng trong bão số 3 được Sở Xây dựng Hà Nội đặc biệt lưu tâm. Phó Giám đốc Nguyễn Thế Công thông tin, đơn vị đang duy trì vận hành đúng quy trình, đảm bảo mực nước khống chế trên hệ thống hồ điều hòa, kênh, mương, sông. Theo dõi chặt chẽ, bố trí sẵn nhân lực, thiết bị ứng trực tại 30 điểm úng ngập khi mưa lớn đến 100mm/giờ để chủ động xử lý ngay khi sự cố phát sinh.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trên tinh thần không chủ quan và chủ động cao nhất, Hà Nội đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội và các sở ngành xây dựng kịch bản, lên phương án ứng phó với từng giai đoạn của bão số 3.

Hiện, TP đã sẵn sàng các phương án phòng ngừa trước khi bão đổ bộ; phương án ứng phó khi bão đổ bộ và phương án khắc phục hậu quả sau bão. Trong đó, tiếp tục tập trung nhiệm vụ kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, xung yếu, có nguy cơ ngập lụt, sạt lở để sơ tán, di dời người dân nhằm đảm bảo an toàn ở mức cao nhất. 

 

Tính đến sáng 6/9, 3 hồ thuỷ điện lớn trên lưu vực sông Hồng tiếp tục duy trì mở nhiều cửa xả nhằm bảo đảm an toàn hồ, đập và vùng hạ du. Cụ thể, hồ Hoà Bình mở 1 cửa xả đáy, hồ Tuyên Quang mở 2 cửa xả đáy, hồ Thác Bà mở 2 cửa xả mặt. Mực nước trên hệ thống các sông của Hà Nội dự kiến sẽ tiếp tục lên trong những ngày tới, kéo theo đó là nguy cơ ngập lụt tại các vùng trũng, thấp và khu dân cư ven sông.