Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội sẵn sàng với nền hành chính điện tử

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định Chính phủ điện tử là phương thức hữu hiệu để các cơ quan Nhà nước phục vụ Nhân dân tốt hơn, Hà Nội hiện có 391 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức 3 và 4, đạt tỷ lệ gần 20,4%, dự kiến đến hết năm nay sẽ đạt tối thiểu 55%.

Nhiều chỉ số công nghệ thông tin ở top đầu

Theo báo cáo của Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) tại Phiên họp Hội đồng Giám đốc công nghệ thông tin (CNTT) của cơ quan Nhà nước các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư khu vực miền Bắc 2017 vừa diễn ra tại Hà Nội, cả nước hiện có 58/63 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đã cung cấp ít nhất 1 DVCTT mức độ 3 hoặc 4. Số lượng DVCTT mức độ 3, 4 được cung cấp khá cao ở các địa phương, trong đó tỷ lệ dịch vụ có phát sinh hồ sơ được giải quyết trực tuyến ở mức độ 3, 4 tương ứng là 81,67% và 22,63%.

Người dân tham khảo đăng ký qua mạng tại bộ phận một cửa quận Bắc Từ Liêm.  Ảnh:  Hải Linh

Hà Nội là địa phương xếp thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT, nằm trong top đầu về các chỉ số: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; Ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ; Cổng thông tin điện tử; Số lượng hồ sơ được giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4; Cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT; Nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT…

Chia sẻ tại Phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định: “Chính phủ điện tử từ cấp T.Ư đến địa phương là phương thức hữu hiệu để các cơ quan Nhà nước phục vụ Nhân dân tốt hơn. Đó cũng là nhận thức mà TP Hà Nội quán triệt và chủ động bằng hành động thực tế xây dựng Chính quyền điện tử Thủ đô theo khung Chính phủ điện tử quốc gia thống nhất”. Cho đến nay, Hà Nội đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân TP, hình thành hệ thống mạng dùng chung và triển khai cung cấp DVCTT mức độ 3 đến 584 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 100%); xây dựng và triển khai các hệ thống mạng dùng chung và triển khai các hệ thống thông tin trên một nền tảng ứng dụng đồng bộ, dùng chung, thống nhất tạo tiền đề thuận lợi cho việc liên thông, trao đổi, chia sẻ dữ liệu. Hà Nội hiện có 391 DVCTT đạt mức độ 3, 4 (trong đó 281 DVCTT mức độ 3, 110 DVCTT mức độ 4) đạt gần 20,4% tổng số thủ tục hành chính của cơ quan Nhà nước TP. Tỷ lệ giao dịch qua mạng đạt ở mức cao, trong đó: Lĩnh vực tư pháp và quản lý đô thị 100%, đăng ký kinh doanh trên 70%, bảo hiểm xã hội trên 80%...

Cũng theo lãnh đạo TP, từ năm 2016, Hà Nội đã triển khai tuyển sinh trực tuyến đến 2.620 trường cho 600.000 học sinh, đạt tỷ lệ trên 50% hồ sơ trực tuyến. Xây dựng hệ thống quan trắc môi trường tự động đo các chỉ số chất lượng không khí, nước, lượng mưa… cung cấp thông tin công khai cho người dân trên Cổng giao tiếp điện tử TP.

Tối thiểu 55% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, 4

Dự kiến, đến hết năm 2017, TP sẽ hoàn thành ít nhất 55% DVCTT đạt mức độ 3, 4. Đây là nền tảng hướng đến nền hành chính điện tử, thân thiện, phục vụ mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí cho công dân, tổ chức.

Năm 2017 cũng được Hà Nội xác định là năm đột phá căn bản về CNTT. TP sẽ tập trung triển khai mạnh mẽ các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT, tạo bước chuyển biến căn bản về xây dựng chính quyền điện tử và hướng tới xây dựng TP thông minh. Trong đó, TP đã xác định rõ một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác ứng dụng CNTT là tập trung triển khai hoàn thành hệ thống sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử dùng chung thống nhất cho 1,7 triệu học sinh, cấp hồ sơ khám sức khỏe điện tử cho trên 7,5 triệu công dân, tầm soát ung thư sớm cho hơn 2 triệu người trên 40 tuổi, xây dựng hệ thống thông tin quản lý đơn thư khiếu nại tố cáo, và các cơ sở dữ liệu quan trọng như: Đất đai, tư pháp hộ tịch, DN, cán bộ cao cấp, từng bước triển khai xây dựng trung tâm điều hành thông minh, du lịch thông minh, giao thông thông minh…

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã hình thành những xu thế công nghệ mới, tập trung vào nhiều lĩnh vực. Ngành TT&TT được dự báo tiếp tục đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Với tầm nhìn đó, TP Hà Nội luôn quan tâm, tạo điều kiện để ngành TT&TT nói chung và CNTT nói riêng phát triển đồng bộ, hiện đại, bền vững và hội nhập.

Phó Chủ tịch UBND TP

Ngô Văn Quý