Tỷ lệ chọn tổ hợp môn khoa học xã hội áp đảo
Đánh giá sơ kết năm đầu tiên thực hiện chương trình GDPT 2018 với lớp 10, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, học sinh được học các môn học theo nguyện vọng, sở trường nên chất lượng đã có sự thay đổi rõ rệt. Kết quả sơ kết học kỳ I năm học 2022-2023 khối lớp 10 tại Hà Nội cho thấy tỉ lệ học sinh "không đạt" ở các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học đã giảm chỉ còn 0,1%, mức thấp nhất từ trước tới nay.
Đặc biệt, đã có sự thay đổi trong ý thức và thái độ học tập của học sinh. Học sinh được chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức, được khuyến khích phát huy năng lực sở trường của mình và đã đem đến cho các giờ học không khí chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo.
Đánh giá kết quả học tập của học sinh theo Thông tư 22 hiện nay so với Thông tư 58 trước đây cho thấy nhiều thay đổi, đó là tỉ lệ học sinh lớp 10 xếp loại "tốt" ở học kỳ I năm học 2022-2023 tuy không bằng so với cùng kỳ năm học trước, nhưng tỷ lệ học sinh "không đạt" đã thấp hơn hẳn.
Việc tổ chức giảng dạy các môn học lựa chọn đáp ứng nguyện vọng học tập của học sinh dựa trên nguồn lực và điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện có được thực hiện tốt. Tuy nhiên về lâu dài, việc tổ chức giảng dạy các môn lựa chọn như hiện này chưa thể là giải pháp hoàn hảo khi học sinh đang có xu hướng lựa chọn các môn Khoa học xã hội thay vì các môn Khoa học tự nhiên.
Tại Hà Nội, tỷ lệ học sinh tham gia tổ hợp môn Khoa học tự nhiên trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2020-2021 là 37%, năm học 2021-2022 là 29% và tỉ lệ này trong kỳ kiểm tra, khảo sát lớp 12 năm 2023 chỉ còn 25%.
Nhìn tỷ lệ chênh lệch trên, câu hỏi được đặt ra: Phải chăng học sinh có xu hướng thích môn tự nhiên và giỏi môn tự nhiên hơn? Nhiều hiệu trưởng cho rằng, thực tế không hẳn vậy bởi không ít học sinh có xu hướng học không tốt các môn tự nhiên, sợ môn tự nhiên nên chuyển sang chọn tổ hợp xã hội. Chương trình GDPT 2018 cho phép việc này, do vậy có thể kéo theo một số bất cập.
“Nếu sau này, số học sinh chọn tổ hợp xã hội tiếp tục tăng thì giáo viên dạy môn xã hội thiếu còn giáo viên môn tự nhiên lại thừa; phải giải quyết bài toán này như thế nào"?- Hiệu trưởng một trường THPT cho biết.
Năm học 2022- 2023, Hà Nội có 14 trường THPT tổ chức tổ hợp có môn Mỹ thuật và 16 trường tổ chức tổ hợp có môn Âm nhạc. Do chưa có giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc cấp THPT nên để khắc phục, các trường này đã chủ động hợp đồng với giáo viên. Đây được xem là giải pháp tình thế hợp lý để đáp ứng nhu cầu trước mắt của cả phía nhà trường và học sinh.
Gửi học sinh sang trường khác được không?
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú- Hoàn Kiếm Trần Thị Hải Yến, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nhà trường tiến hành thực hiện ngay những ngày tiếp nhận học sinh lớp 10 nhập học năm học 2022- 2023, đó là công tác tư vấn chọn môn, chọn chuyên đề cho học sinh. Thông qua 3 vòng tư vấn của chuyên gia, của nhà trường, của các thầy cô giáo dưới hai hình thức (trực tuyến và trực tiếp), học sinh cùng phụ huynh đã nhìn thấy được bức tranh nghề nghiệp tương lai, đặc điểm của từng nghề; đồng thời cung cấp cho học sinh công cụ tìm hiểu và khám phá bản thân, từ đó lựa chọn môn phù hợp năng lực của mình, tránh việc chọn rồi lại đổi.
“Sau khi cho học sinh đăng ký môn lựa chọn, nhà trường cũng cho các em và phụ huynh thời gian suy nghĩ, tham vấn, chọn lựa rồi đăng ký 2 nguyện vọng vào phiếu; từ đó, trường tiến hành xếp lớp theo 7 tổ hợp. Riêng với học sinh có năng khiếu và đăng ký tổ hợp có âm nhạc, mỹ thuật thì trường chưa đáp ứng được do cơ sở vật chất chưa có; trường cũng chưa mời giáo viên thỉnh giảng dạy môn này.
“Với trường chưa có đủ điều kiện để tổ chức giảng dạy tổ hợp có mỹ thuật, âm nhạc nhưng có học sinh đăng ký, liệu các nhà trường có thể gửi học sinh sang trường khác học môn đó được không? Nếu các trường hợp tác, liên kết trong việc giảng dạy học sinh với những môn học có ít học sinh đăng ký có được không?...", Hiệu trường THPT Trần Phú đề đạt.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie đặt câu hỏi: "Với trường có học sinh lớp 11 xin chuyển đến trường nhưng trong tổ hợp môn lựa chọn của em có 1 môn không trùng với tổ hợp của nhà trường thì có được tiếp nhận, sau đó điều chỉnh không?".
Thêm nữa, các trường đều mong muốn sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để tạo yên tâm cho thầy cô trong quá trình triển khai thực hiện.
Đồng quan điểm cho rằng, đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường tập huấn giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, chuyển đổi số, sẻ chia trách nhiệm... cùng sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh là những yếu tố quan trọng nên các nhà trường bày tỏ tinh thần quyết tâm cao, chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, mạnh dạn đề xuất giải pháp để Chương trình GDPT 2018 đạt được nhiều kết quả cao hơn.