Hà Nội sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế: Những con số ấn tượng

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với quyết tâm cao, năm qua, Hà Nội đã hoàn thành đúng tiến độ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, kiện toàn các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) theo đúng tinh thần các nghị quyết của T.Ư, nghị định mới của Chính phủ.

Đặc biệt, 2021 là năm kết thúc lộ trình giảm biên chế theo chỉ tiêu đề ra với kết quả nổi bật là TP đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu của giai đoạn 2016 - 2021.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn kiểm tra điểm tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Võ Hải  
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn kiểm tra điểm tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Võ Hải  

Tổ chức thực hiện khoa học, sáng tạo

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu chia sẻ, năm 2021, TP đã cơ bản trình ban hành quy định chức năng nhiệm vụ các cơ quan hành chính, hoàn thành đề án tổ chức sắp xếp một số ngành, lĩnh vực lớn, tiếp tục tạo bước đột phá trong công tác tinh gọn tổ chức, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động. Điển hình là việc sắp xếp lại các ban quản lý dự án thuộc TP, trường cao đẳng, trung cấp; một số ĐVSN ngành nông nghiệp… Sở Nội vụ cũng đã kịp thời tham mưu việc điều chỉnh biên chế công chức phường tại 175 phường không tổ chức HĐND theo mô hình chính quyền đô thị thành công chức cấp quận là 2.625 biên chế.

Nhận định về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho rằng, Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 19-NQ/TW Hội nghị T.Ư 6 khóa XII đã mở ra nhiều thuận lợi cho các địa phương. Trong đó, Hà Nội đã triển khai có hiệu quả công tác đổi mới hệ thống tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động các ĐVSNCL.

Với sự vào cuộc quyết liệt, đến nay TP sắp xếp giảm được 280/2.780 ĐVSNCL so với năm 2015 (tỷ lệ 10,1%); giảm 280 cấp trưởng, 560 cấp phó; giảm 840 người tại các vị trí việc làm (VTVL) dùng chung và VTVL chuyên môn cần tinh gọn. Năm qua, Hà Nội cũng tiếp tục xem xét các nội dung sắp xếp ĐVSN có tính chất phức tạp, phạm vi ảnh hưởng lớn, với quan điểm chủ đạo là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện ở những nơi có hiệu quả... Một số nội dung xác định tính cấp thiết (sắp xếp trường cao đẳng, trung cấp nghề, cơ sở bảo trợ xã hội...) được TP chủ động xin ý kiến Bộ LĐTB&XH mà không chờ hướng dẫn.

“Chỉ tiêu tinh giản yêu cầu giảm 12.890 biên chế giai đoạn 2016 - 2021, mỗi năm giảm 3.692 biên chế là một áp lực lớn với Thủ đô, song bằng nhiều giải pháp, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu. Sau sắp xếp ĐVSN, TP nhanh chóng phê duyệt VTVL, chỉ đạo các đơn vị xây dựng quy trình giải quyết công việc; kiên quyết giải quyết tinh giản hoặc chấm dứt hợp đồng với viên chức không làm được việc, có phẩm chất và thái độ không phù hợp. TP cũng chỉ đạo có lộ trình giải quyết dứt điểm hợp đồng chuyên môn tại ĐVSN chưa tự chủ, công tác tuyển dụng được phân cấp triệt để, chất lượng viên chức ngày càng tăng” - Chủ tịch UBND TP khẳng định.

Đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa

Từ quyết tâm đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa các ĐVSNCL, đến nay Hà Nội đã chuyển được 199 ĐVSN sang tự chủ, giảm 19.980 biên chế hưởng lương ngân sách. Để thực hiện được, Hà Nội đã ban hành kế hoạch nâng mức tự chủ ĐVSNCL giai đoạn 2018 - 2021 cụ thể, rõ nguyên tắc; thủ trưởng đơn vị không hoàn thành hoặc cố tình trì hoãn để được hưởng cả 2 nguồn tài chính sẽ bị xem xét trách nhiệm hoặc thay thế; với những đơn vị không hiệu quả thì kiên quyết sáp nhập để nâng cao quy mô, hiệu quả.

Đánh giá 199 đơn vị tự chủ cho thấy, việc tự chủ rõ ràng đã tạo quyền chủ động cho đơn vị; tạo điều kiện mở rộng, khai thác và phát triển nguồn thu, huy động các nguồn vốn trong xã hội để đầu tư nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; tăng thu nhập người lao động… Hà Nội cũng rất chú trọng khuyến khích thành lập ĐVSN ngoài công lập, đặc biệt đến năm 2021 toàn TP có 581 ĐVSN giáo dục ngoài công lập (20,6%) với 32.958 giáo viên (26%).

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực quản trị của ĐVSNCL, TP đã chủ động tăng quyền tự chủ cho các ĐVSNCL tự chủ chi thường xuyên; cụ thể hóa quyền của các đơn vị về tuyển dụng, tổ chức bộ máy, VTVL ngay tại quyết định phân cấp ngành nội vụ.

Việc phân cấp mạnh mẽ giúp giảm rõ rệt thủ tục hành chính, thời gian giải quyết công việc, có điều kiện tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng kịp thời cho người dân và xã hội. Đồng thời, TP thường xuyên tổ chức kiểm tra giám sát, đánh giá các đơn vị sau sắp xếp để thực hiện hiệu quả hơn, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra chuyên đề sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; công tác kiểm tra lồng ghép trong các đoàn kiểm tra cải cách hành chính, kiểm tra công vụ. Qua đó, tiếp tục phát huy những mặt đạt được và kịp thời khắc phục khiếm khuyết; các đơn vị đã nhanh chóng ổn định và phát triển.

 

Năm 2022 thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện sắp xếp tổ chức bộ máy một số đơn vị như thuộc Sở NN&PTNT, Sở TN&MT; hoàn thiện sắp xếp, tổ chức lại 6 ban quản lý dự án trực thuộc UBND TP. Sở Nội vụ cũng sẽ hoàn thiện thẩm định trình UBND TP phê duyệt Đề án VTVL các cơ quan hành chính, ĐVSNCL toàn TP.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu