Hà Nội sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã: Tạo mọi thuận lợi cho người dân

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện nghiêm Kế hoạch 212/KH-UBND ngày 20/9/2019 của UBND TP về triển khai sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2021, các quận, huyện, phường, xã diện sắp xếp đang gấp rút tiến hành đảm bảo tiến độ và yêu cầu đề ra, song cũng có không ít băn khoăn, vướng mắc từ thực tế cần được quan tâm tháo gỡ.

Chủ động, khẩn trương
Theo phương án, TP sẽ sắp xếp 4 phường, 4 xã không đủ 50% cả về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo Nghị quyết 1211 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn, phân loại ĐVHC.
Cụ thể, quận Hai Bà Trưng sáp nhập phường Nguyễn Du với phường Bùi Thị Xuân và một phần diện tích, dân số phường Ngô Thì Nhậm (mặt phố Huế từ số nhà 52 - 214); sáp nhập phần diện tích, dân số còn lại của phường Ngô Thì Nhậm với phường Phạm Đình Hổ. Tại Phúc Thọ, sáp nhập các xã Phương Độ với Sen Chiểu, Cẩm Đình với Xuân Phú, Vân Hà với Vân Nam. Tại Phú Xuyên, sáp nhập xã Thụy Phú với xã Văn Nhân.
 Công chức bộ phận một cửa UBND phường Nguyễn Du hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính.
UBND TP đã giao Sở Nội vụ tổng hợp, hoàn thiện Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã, các tài liệu liên quan để Ban Cán sự Đảng UBND TP báo cáo Thành ủy, trình HĐND TP; khi HĐND TP có Nghị quyết, Sở hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Bộ Nội vụ, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước 10/11/2019.
Khi có Nghị quyết của Quốc hội, UBND TP sẽ báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, có kế hoạch triển khai, đồng thời sắp xếp kiện toàn hệ thống chính trị ở các ĐVHC cấp xã mới, đảm bảo tiến độ tổ chức Đại hội Đảng, ổn định đời sống Nhân dân (trong năm 2019, quý I/2020).
Thực hiện kế hoạch này, quận Hai Bà Trưng, huyện Phú Xuyên, Phúc Thọ đều đang xây dựng đề án chi tiết sáp nhập, điều chỉnh, thành lập ĐVHC cấp xã trên cơ sở sáp nhập các phường, xã. Từ chỉ đạo của quận, huyện, UBND phường, xã đã lập, đang niêm yết danh sách cử tri để lấy ý kiến về Đề án theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định 54/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018. Trong đó, tại Phú Xuyên từ 24/9 bắt đầu niêm yết danh sách cử tri để lấy ý kiến tại trụ sở Đảng ủy, UBND xã Thụy Phú, Văn Nhân.
Đặc biệt, để kịp tiến độ và có cơ sở xây dựng đề án, ngay khi có kết luận Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy đầu tháng 9/2019, UBND quận Hai Bà Trưng đã chủ động giao Phòng Nội vụ tham mưu xây dựng kế hoạch, tổ chức sắp xếp các ĐVHC phường, lập hồ sơ dự thảo đề án, hướng dẫn phường và phối hợp các phòng chuyên môn đảm bảo thủ tục, nội dung, tiến độ xây dựng đề án...
Quận cũng giao Phòng VH&TT tuyên truyền trên Cổng Thông tin điện tử, hướng dẫn phường vận động tạo thống nhất cao trong hệ thống chính trị, người dân; tổ chức hội thảo lấy ý kiến cơ quan, nhà nghiên cứu để chọn tên ĐVHC mới… 4 phường đều đã niêm yết danh sách ngay từ 16/9 tại Đảng ủy, UBND, Công an phường, một số nhà văn hóa dân cư..., kéo dài đến 30/9; sau đó tổ chức lấy ý kiến cử tri theo tổ dân phố rồi tổng hợp kết quả, cung cấp đủ số liệu liên quan, hoàn chỉnh hồ sơ lấy ý kiến, báo cáo UBND quận trong ngày 6/10. Từ 11 - 15/10, HĐND các phường họp thông qua nghị quyết về phương án sắp xếp trình HĐND - UBND quận; từ 16-20/10, HĐND quận sẽ họp, báo cáo TP.
Hỗ trợ cán bộ, công dân
Theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Xuyên Lê Thanh Hải, chủ trương sáp nhập một số xã đã được huyện, xã tuyên truyền đến người dân từ trước khi có kế hoạch cụ thể của TP, trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Đến nay, huyện, xã chưa nhận được kiến nghị gì, cơ bản người dân đồng thuận. Việc đặt tên xã mới cũng sẽ không gặp trở ngại bởi trước đây 2 xã Thụy Phú, Văn Nhân được tách ra từ xã Nam Tiến nên chủ trương xã mới sẽ lấy lại tên đó. Tuy nhiên, khó khăn chủ yếu ở việc bố trí trụ sở cơ quan xã và sắp xếp bộ máy, tổ chức cán bộ sau sáp nhập.
“Huyện đang rà soát cán bộ, công chức (CBCC) của 2 xã, trong đó sẽ điều động số công chức thừa sau sắp xếp sang làm ở xã đang thiếu. Khó khăn nhất là sắp xếp cán bộ chuyên trách và không chuyên trách, cơ cấu cấp ủy và đại biểu HĐND xã, bởi sẽ có dôi dư nên cần lộ trình chứ không thể ngày một, ngày hai.
Trong đó, với số cán bộ tính đến Đại hội Đảng tới không đủ tuổi tái cử, chúng tôi vận động nghỉ chế độ. Với các trường học thuộc quản lý tại 2 xã, cũng cần thời gian để xây dựng đề án sáp nhập riêng, sau khi đã ổn định xã mới” - ông Hải chia sẻ.
Đồng thời bày tỏ mong muốn các cấp, ngành tạo điều kiện tối đa cho các cán bộ dôi dư được giữ nguyên chế độ trong thời gian chờ sắp xếp bộ máy. Đặc biệt, cần tạo thuận lợi cho người dân khi giải quyết thủ tục liên quan đến thay đổi Chứng minh Nhân dân (CMTND), Hộ khẩu thường trú (HKTT)… do đổi tên xã, tên tổ chức Đảng đang sinh hoạt.
Khảo sát tại phường Nguyễn Du cho thấy, người dân cơ bản đồng thuận, song khó khăn ở việc lấy ý kiến cử tri về phương án sáp nhập của quận, tên phường mới. Ngoài lấy ý kiến người dân đã sinh sống ổn định, người nơi khác đến ở (KT2) từ 6 tháng trở lên, phường còn phải lấy ý kiến đối tượng KT2 đã đi nơi khác nhưng chưa cắt HKTT, rất khó tìm.
Đồng thời, phải lấy ý kiến đối tượng đang bị tạm giam, đưa đi cơ sở (HKTT vẫn ở phường), có đối tượng gây án ở địa bàn rất xa như Cà Mau nên việc gửi phiếu vào trại giam trong đó, nhận phản hồi khó đảm bảo thời hạn đang rất gấp (ngày 5/10 phải tổng hợp xong việc xin ý kiến để gửi hồ sơ báo cáo quận). Trong khi, các phường rất thiếu CBCC, lại đang phải sáp nhập tổ dân phố, địa bàn theo Đề án 06.
“Chúng tôi quán triệt đến mọi CBCC cơ sở, người dân là sáp nhập địa giới hành chính cũng nhằm phục vụ giải quyết hành chính cho người dân sau này. Song, khó khăn từ thực tế sẽ khiến khó tránh khỏi chậm muộn khi triển khai. Để phát huy tính dân chủ, đảm bảo chất lượng xin ý kiến thì cần có thời gian cho cơ sở. Hơn nữa, dù chuyển từ CMTND cũ sang CMTND mới chỉ mất 10 ngày nhưng tâm lý người dân ngại tìm các giấy tờ liên quan nên cần tạo điều kiện tối đa, hạn chế ảnh hưởng.
Nhà nước trước khi ra chủ trương này tất nhiên đã nghiên cứu kỹ, sáp nhập cũng nhằm đưa công tác quản lý, phục vụ người dân tốt hơn, là chủ trương đúng. Song cần có lộ trình, cách làm khoa học và đảm bảo phục vụ quyền lợi người dân mới là quan trọng nhất”- Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du Dương Minh Đức nói.
Cũng theo đại diện một số phường, trước kia, tách huyện Từ Liêm thành 2 quận và đặt tên quận cần tới 4 - 5 tháng, qua rất nhiều hội thảo. Trong khi đó, khối quận có mặt bằng dân trí không đều nên việc lấy ý kiến để đặt tên phường sau sáp nhập càng phức tạp.

"Quá trình thực hiện đề án, quận, phường sẽ tiếp tục xin ý kiến cử tri, họp HĐND (gồm cả việc đặt tên phường mới). Về lâu dài, tên phường theo địa danh sẽ đảm bảo tính bền vững, ít tác động tâm tư, tạo sự đồng thuận trong dân. Song, dù tên gì thì người dân cũng phải thay đổi giấy tờ hành chính nên quan trọng nhất là chất lượng phục vụ của CBCC. Phòng Nội vụ, Phòng VH&TT chọn một số phương án đặt tên theo địa danh (do các nhà khoa học đề xuất), rồi UBND quận cùng lãnh đạo các phường thống nhất một phương án, lấy ý kiến để có thống nhất tương đối của cử tri, triển khai tạo đồng thuận chung. " - Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong


"Chúng tôi đồng tình chủ trương sáp nhập song Nhà nước cần tạo điều kiện cho cả CBCC cơ sở và người dân, trong đó hướng dẫn, hỗ trợ để hai bên hợp tác giải quyết công việc hiệu quả. Ngoài ra, Nhà nước cần chủ động tháo gỡ cho người dân ngay từ đầu, không để bức xúc do phiền hà khi làm thủ tục, phải đi lại xác nhận vì thay đổi giấy tờ…" - Bà Hoàng Bích Thúy - (số 52 Trần Nhân Tông, phường Nguyễn Du)