Hà Nội sẽ nhân rộng mô hình giáo dục STEM trong các trường tiểu học

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/12, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học năm học 2022- 2023. Nhiều ưu điểm và hạn chế còn tồn tại của việc triển khai chương trình này đã được chỉ rõ.

Học sinh trường Tiểu học Văn Chương, quận Đống Đa với chuyên đề
Học sinh trường Tiểu học Văn Chương, quận Đống Đa với chuyên đề "Tổ chức hoạt động dạy học STEM lớp 3 theo chương trình GDPT 2018"

Năm học 2022-2023, Hà Nội được chọn là 1 trong số 7 tỉnh, TP tham gia thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học. Sở GD&ĐT Hà Nội đã chọn 10 trường tiểu học ở 5 quận, huyện để triển khai thí điểm giáo dục STEM gồm: Tràng An, Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm); Thịnh Hào, Văn Chương (quận Đống Đa); Dương Xá, Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm); Tây Đằng B, Phú Sơn (huyện Ba Vì); Hồng Sơn, Xuy Xá (huyện Mỹ Đức). 

Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm, tham mưu UBND TP bố trí nguồn kinh phí, trang bị cơ sở vật chất bảo đảm cho việc triển khai thí điểm giáo dục STEM đạt hiệu quả. Thời gian triển khai thí điểm từ tháng 9-2022 đến tháng 12-2022. Cán bộ quản lý, giáo viên của 10 trường tiểu học đã được tập huấn đầy đủ, nghiêm túc.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Phương- giáo viên lớp 3, trường Tiểu học Văn Chương, quận Đống Đa- một trong 10 trường thí điểm triển khai giáo dục STEM chia sẻ, dạy theo bài học STEM giúp tạo hứng thú, khơi gợi ý tưởng sáng tạo và sự tự tin của học sinh. Còn với hình thức dạy học theo hoạt động trải nghiệm (sử dụng công nghệ), học sinh phát huy tối đa sự liên tưởng, tư duy logic qua các hoạt động mô phỏng, thực hành chế tạo; từ đó giúp tăng tư duy logic, giải quyết vấn đề, kỹ năng truyền đạt thông tin, làm việc nhóm, nghiên cứu ứng dụng...

Qua một học kỳ triển khai thí điểm phương pháp giáo dục STEM trong trường tiểu học, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Hà Nội) Đào Tân Lý nhận xét: Hiện đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường tham gia thí điểm giáo dục STEM đã được tiếp cận với phương pháp dạy mới. Học sinh biết đến hoạt động thực hành ngay sau mỗi bài học, tạo điều kiện tốt để hình thành kỹ năng, phát triển phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mặc dù giáo dục STEM là nội dung mới, chưa có tài liệu tham khảo, giáo viên chưa có kinh nghiệm, các lớp đều có sĩ số khá cao nên còn khó khăn trong việc tổ chức thực hành, trưng bày sản phẩm... nhưng trước những mặt tích cực do giáo dục STEM mang lại cũng như yêu cầu của công tác đổi mới, Sở GD&ĐT Hà Nội dự kiến nhân rộng mô hình này ở các trường tiểu học trên địa bàn TP từ học kỳ II năm học 2022-2023.