Hà Nội sẽ tăng mức học phí công lập từ 1/1/2016

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đó, khu vực thành thị sẽ tăng lên 60.000 đồng/tháng/học sinh, nông thôn tăng lên 30.000 đồng/tháng/học sinh và miền núi từ không thu lên 8.000 đồng/tháng/học sinh.

Chiều nay (2/12), với 84,78% đại biểu tán thành, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định về mức học phí và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của thành phố Hà Nội từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.
Ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, ngày 2/10/2015 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021. Trong đó đã điều chỉnh các quy định về thu mức học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập.

Vì vậy, theo ông Lê Hồng Sơn, Hà Nội cần có Nghị quyết mới nhằm thay thế Nghị quyết 14/2012/NQ-HĐND được ban hành từ 7/2012 để phù hợp với các quy định mới của T.Ư. Cùng với đó, mức học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập của TP cũng sẽ được thay đổi.

Mức học phí này sẽ được áp dụng cho các đối tượng: Trẻ em học mầm non, học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đang học tại các cơ sở giáo dục công lập.

Cụ thể, đối với chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn TP Hà Nội, mức thu học phí đề xuất năm học 2015-2016: Thành thị từ 40.000 đồng/tháng/học sinh lên 60.000 đồng/tháng/học sinh; Nông thôn từ  20.000 đồng/tháng/học sinh lên 30.000 đồng/tháng/học sinh. Đặc biệt, miền núi từ không thu lên 8.000 đồng/tháng/học sinh. Đây đều là mức thấp nhất theo quy định của Nghị định 86/2015/NĐ-CP.

Đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập, trong năm học 2015-2016, do các trường đã thực hiện thu học phí đối với học sinh, sinh viên đồng thời mức thu bằng hoặc thấp hơn mức trần học phí theo quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Vì vậy, UBND TP đề nghị mức thu học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà của các cơ sở trên bằng với mức thu học phí các trường đang thực hiện cho năm học 2015 - 2016. 

Riêng các các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao vẫn giữ nguyên mức học phí như hiện tại. 

Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, đối với mức thu từ năm 2016-2017, sẽ giao cho các Sở, Ngành tiến hành rà soát, tính toán đề xuất mức thu học phí phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm. 

Về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, UBND TP đề nghị tổ chức triển khai thực hiện miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho đối tượng theo đúng quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Riêng đối với đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiệu theo chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo của TP.

Đối với Nghị quyết này, Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP cho rằng do mức học phí trên chỉ áp dụng trong năm học 2015-2016, từ năm 2016-2017 và những năm tiếp theo UBND TP sẽ tiến hành rà soát, tính toán lại mức thu học phí. Vì thế, Ban đề nghị sửa tên Nghị quyết thành: Nghị quyết Quy định về mức học phí và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của TP Hà Nội từ năm học 2015-2016.

Ngoài ra, trong năm học 2015-2016, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp của TP chưa có chương trình đào tạo học viên cao học, nghiên cứu sinh. Do vậy, Ban Văn hóa Xã hội đề nghị không điều chỉnh đối tượng này trong Nghị quyết.

Góp ý về Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Tùng Lâm, đặt câu hỏi liệu mức thu học phí ở khung thấp nhất theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP liệu có đủ để các trường tăng chất lượng dạy và học? Đại biểu cũng đề nghị áp dụng mức thu cho khu vực thành thị lên mức cao nhất là 120.000 đồng/tháng/học sinh tương tự như TP Hồ Chí Minh, điều này sẽ triệt tiêu tình trạng nhà trường phát sinh các khoản thu khác, qua đó hạn chế tối đa tiêu cực trong nhà trường.

Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội - Nguyễn Hữu Độ cho rằng, mức thu học phí mới để ở khung thấp nhất theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP đã thể hiện được chính sách ưu việt của TP dành cho giáo dục. Mặc dù để ở mức này nhưng các trường vẫn đảm bảo ngân sách 70-30 dành cho lương và các nguồn chi khác. Nếu thiếu bao nhiêu sẽ được ngân sách TP bù.

Còn về các khoản thu khác có thể bị các trường tăng thêm khi mức học phí thấp, ông Nguyễn Hữu Độ cho rằng, các khoản thu ngoài học phí đã được quy định rõ ràng cụ thể, vì vậy đảm bảo sẽ không có tiêu cực.

Thời điểm áp dụng mức học phí mới sẽ bắt đầu từ 1/1/2016.