Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần, Hà Nội ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng. Dự báo trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận bệnh nhân tại các quận, huyện, thị xã.

Ghi nhận 189 ca mắc sốt xuất huyết

Ngày 27/3, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 18 đến 24/3), Hà Nội ghi nhận 17 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 9 trường hợp so với tuần trước), không có ca tử vong.

Cộng dồn, từ đầu năm 2023 đến nay, TP Hà Nội có 189 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 10 ca so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 26/30 quận, huyện, thị xã; 120/579 xã, phường, thị trấn.

Đánh giá tình hình dịch, CDC Hà Nội nhận định, trong tuần, số ca mắc sốt xuất huyết tăng. Dự báo trong thời gian tới có thể vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận bệnh nhân tại các quận, huyện, thị xã.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà kiểm tra công tác phòng chống  sốt xuất huyết tại quận Thanh Xuân.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà kiểm tra công tác phòng chống  sốt xuất huyết tại quận Thanh Xuân.

Thời gian tới, Hà Nội cùng các đơn vị, cơ sở tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng chống dịch, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn TP.

Theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh, biến chủng trên thế giới và Việt Nam để kịp thời đề xuất các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Ngành Y tế Thủ đô cùng các đơn vị tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế đã được phân cấp. Rà soát, xác minh, cập nhật thông tin ca bệnh trên hệ thống phần mềm Thông tư 54/2015/TT-BYT để phát hiện sớm ca bệnh nhằm điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch kịp thời, hạn chế ổ dịch lan rộng. Thực hiện báo cáo kịp thời số liệu ca bệnh, ổ dịch theo quy định.

Theo dõi sát tình hình dịch bệnh, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chủ động giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh SXH tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, chủ động triển khai chiến dịch VSMT-DBG một cách triệt để, có hiệu quả.

Phun thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết.
Phun thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết.

Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch. Trong đó tập trung phòng chống sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng, thủy đậu phòng chống các bệnh lây qua đường hô hấp trong mùa Đông Xuân.

Tuyệt đối không chủ quan

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp - Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã chỉ ra 3 sai lầm thường gặp khiến bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trở nặng, thậm chí tử vong.

Đó là, người bệnh chủ quan không đi khám. Thứ hai, do quan niệm sai lầm khi cho rằng, hết sốt là khỏi bệnh. Thực tế, sau giai đoạn sốt cao lại chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh.

“Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh, có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc dengue, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, đây là giai đoạn cần được bác sĩ theo dõi sát sao và bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế vận động nặng, đi lại nhiều” - bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp cảnh báo.

Sai lầm thứ ba là nhiều người quan niệm, sốt xuất huyết chỉ mắc 1 lần trong đời. Tuy nhiên, bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 tuýp, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Vì vậy có thể hiểu rằng, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 tuýp virus khác nhau.

Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết.

Đề cập đến vấn đề này, theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, để chẩn đoán chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết cũng như mức độ giảm tiểu cầu thì cần phải làm xét nghiệm máu. Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150-450 G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L, mức nghiêm trọng là 10-20 G/L.

Nếu tiểu cầu giảm nhanh hoặc có biểu hiện xuất huyết chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, rong kinh (nữ giới), cũng như có hiện tượng cô đặc máu, như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao… bệnh nhân cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, việc truyền tiểu cầu chỉ tiến hành khi nào xuống thấp dưới 5 G/L hoặc có biểu hiện chảy máu. Sau khi hết sốt vài ngày, tiểu cầu sẽ tăng trở lại bình thường.

Do đó, PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản để phát hiện sốt xuất huyết sớm.

Nếu đúng sốt xuất huyết, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nhập viện nếu không có chỉ định.

Các chuyên gia cũng lưu ý, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trong những ngày đầu có thể chăm sóc tại nhà, cặp nhiệt độ hoặc theo dõi các dấu hiệu toàn thân khác.

Nếu đau mỏi người, sốt thì dùng hạ sốt, giảm đau, tránh dùng nhóm thuốc như aspirin, ibuprofen vì có thể gây chảy máu, không dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch như đạm, albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử mà cần sự theo dõi, chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.

Ngoài ra, bệnh nhân cần uống nhiều nước, như nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi. Sau ngày thứ 5 có thể sẽ hết sốt.

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có biểu hiện thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ dẫn đến hiện tượng tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, nôn, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh, rong huyết. Đó là những dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần