Theo đó, sáng sớm 6/3, nhiều nơi tại Hà Nội chìm trong sương mù dày đặc, tầm nhìn giảm, các phương tiện tham gia lưu thông gặp khó khăn.
TS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, sương mù là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên do độ ẩm trong không khí tăng cao. Nhiều địa phương vùng cao ở nước ta như Lào Cai, Sa Pa, Mù Căng Chải, Nghệ An, Hà Tĩnh thường xuyên có hiện tượng sương mù vào mùa lạnh.
Tại Hà Nội, hiện tượng này khá hiếm nhưng đã xuất hiện trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý, sương mù có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ. Khi có sương mù, độ ẩm trong không khí tăng cao, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus phát triển.
Theo chuyên gia, trong thời tiết như hiện nay, nồm ẩm kéo dài làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp thường gặp như cúm, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi…
Đáng lưu ý, trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh nền hay phụ nữ mang thai là nhóm người dễ nhiễm bệnh do sức đề kháng kém. Người có bệnh nền như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn có thể khởi phát các đợt cấp nguy hiểm.
Bên cạnh đó, độ ẩm không khí cao sẽ ảnh hưởng lớn tới người có vấn đề về xương khớp, tim mạch, người mắc bệnh lý nền… rất dễ xảy ra những đợt khởi phát bệnh cấp tính phải nhập viện.
Theo chuyên gia y tế, độ ẩm không khí cao gây tụ hơi nước trong nhà khiến nấm mốc, virus, vi khuẩn phát triển mạnh. Khi trời nồm, các gia đình thường đóng kín cửa để ngăn hơi nước vào nhà làm cho không khí lưu thông kém và tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi, gây bệnh. Nhiệt độ trong và ngoài nhà chênh lệch kết hợp với thời tiết thay đổi thường xuyên khiến cơ thể khó thích ứng, dễ nhiễm bệnh hơn.
Trước đó, ngày 4/3 và 5/3, tại Hà Nội xuất hiện hiện tượng sương mù dày đặc bao phủ toàn TP. Không chỉ ảnh hưởng bởi sương mù, ghi nhận từ IQAir (hệ thống quan trắc chất lượng không khí theo thời gian thực) còn cho thấy, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại nhiều điểm ở Hà Nội lúc 13 giờ ngày 4/3 dao động ở mức trên 150. Đây là mức có hại cho sức khỏe.
Để giảm thiểu những tác hại của sương mù và không khí ô nhiễm, Bộ Y tế đưa ra các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (AQI ở mức 150 - 200).
Qua đó, người dân cần phải có các biện pháp phòng ngừa kịp thời, hạn chế ra đường quá sớm vào buổi sáng. Trường hợp cần phải di chuyển ra khỏi nhà thì nên đợi tan bớt sương mù để các chất độc trong không khí đã bay lên cao. Khi di chuyển ngoài đường, nên sử dụng khẩu trang y tế để phòng bệnh, đặc biệt, nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh.
Trong nhà, nên dùng thiết bị hút ẩm, mở điều hoà chế độ sưởi để hạn chế vi khuẩn, virus sinh sôi gây bệnh cho gia đình. Người dân không nên tập luyện thể dục thể thao ngoài trời vào buổi sáng sớm. Khi có dấu hiệu của bệnh hô hấp, cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và chỉ định điều trị, tránh để bệnh trở nặng và nguy hiểm.
Ngoài ra, mỗi người nên giữ ấm cơ thể để đảm bảo nguồn nhiệt; vệ sinh cá nhân thường xuyên, đảm bảo bổ sung đủ dinh dưỡng. Không phơi quần áo ngoài trời qua đêm; thực hiện việc là quần áo để tiêu diệt nấm mốc bám trên áo quần.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao. Nếu phải tham gia giao thông, nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.