Theo Sở Nội vụ, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của 63 tỉnh, TP được Bộ Nội vụ triển khai khảo sát, đo lường bắt đầu từ năm 2017 gồm 5 yếu tố: Tiếp cận dịch vụ hành chính công; thủ tục hành chính (TTHC); công chức; kết quả; tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị. Mục tiêu là nhằm khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính theo nhiệm vụ đề ra tại Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.
Năm 2020, số lượng mẫu phiếu được phát ra tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2.520 phiếu, trong khi tại các tỉnh, TP còn lại là 690 phiếu (tỉnh, thành loại 1), 510 phiếu (loại II, III). Tại Hà Nội, thực hiện khảo sát tại 6 sở (TN&MT, GTVT, Xây dựng, VH&TT, NN&PTNT, Tư pháp); 9 UBND quận, huyện (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên, Gia Lâm, Mê Linh, Đan Phượng, Ứng Hòa) và 27 UBND xã, phường, thị trấn thuộc 9 quận, huyện trên.
Cụ thể, kết quả Chỉ số SIPAS năm 2020 của TP Hà Nội đạt 85,15%, tăng 5,06% so với năm 2019 (năm 2019 đạt 80,09%), xếp thứ 33/63 tỉnh, TP và tăng 19 bậc so với năm 2019 (năm 2019 xếp thứ 52/63 tỉnh, TP). Đặc biệt, 2020 là năm Hà Nội đạt kết quả Chỉ số SIPAS cao nhất trong 4 năm Bộ Nội vụ đánh giá (năm 2017 đạt 76,53%, năm 2018 đạt 83%, năm 2019 đạt 80,09%) và là năm thứ ba liên tiếp đạt trên 80%, được xếp vào nhóm tỉnh, TP có Chỉ số Hài lòng bền vững (đạt trên 85%).
So sánh với 5 TP trực thuộc T.Ư cho thấy, Hải Phòng đứng thứ 2/63 (đạt 93,57%), Hà Nội đứng thứ 33/63 (đạt 85,15%), Cần Thơ đứng thứ 38/63 (đạt 84,14%), TP Hồ Chí Minh đứng thứ 43/63 (đạt 83,74%), Đà Nẵng đứng thứ 47/63 (đạt 82,97%).
Người dân tìm hiểu về quy trình giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa UBND huyện Gia Lâm |
Bên cạnh đó, Chỉ số Chỉ số Hài lòng của TP Hà Nội năm 2020 có rút ngắn đáng kể khoảng cách so với Chỉ số trung bình của cả nước. Cụ thể, nếu năm 2019, chỉ số này của TP thấp hơn Chỉ số trung bình cả nước 4,36% (Chỉ số trung bình cả nước là 84,45%) thì đến năm 2020 giảm xuống chỉ còn thấp hơn 0,33% (trung bình cả nước 85,48%).
Đáng chú ý, về các tiêu chí, đây là năm duy nhất cả 5/5 tiêu chí của Chỉ số Hài lòng đều đạt trên 80%, trong đó: Tiêu chí "TTHC" cao nhất đạt 89,20%; tiêu chí "Kết quả" cao thứ 2 đạt 87,49%; tiêu chí "Tiếp cận dịch vụ" cao thứ 3 đạt 84,85%; tiêu chí "Công chức" cao thứ 4 đạt 83,61%; tiêu chí "Tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý phản ánh, kiến nghị" đứng thứ 5 đạt 80,74%. Cả 5 tiêu chí đều đạt điểm cao hơn năm 2019 từ 1,71 - 8,41%. Trong đó, tiêu chí "Tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý phản ánh, kiến nghị" có điểm số tăng cao nhất so với năm 2019 (từ 72,33% lên 80,74%, tăng 8,41%).
Tuy nhiên, theo Sở Nội vụ, khoảng cách giữa Chỉ số Hài lòng của TP Hà Nội so với tỉnh có Chỉ số Hài lòng cao nhất còn cao (chênh 10,01%), trong đó về tiêu chí “Tiếp cận dịch vụ” có tăng nhưng chuyển biến chậm (chỉ tăng 1,71%).
Về các mong đợi của người dân, tổ chức, xét ở 4 trong số 13 mong đợi có tỷ lệ người dân lựa chọn nhiều nhất cho thấy: 58,82% người dân, tổ chức được hỏi mong muốn tiếp tục đơn giản hóa TTHC; 43,85% người dân, tổ chức được hỏi mong muốn rút ngắn thời gian giải quyết TTHC; 42,21% người dân, tổ chức được hỏi mong muốn tăng cường tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua đường bưu điện; 41,27% người dân, tổ chức được hỏi mong muốn đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Đó thực sự là những vấn đề đòi hỏi các cơ quan hành chính Nhà nước từ TP đến cơ sở cần thẳng thắn nhìn nhận để có những giải pháp hiệu quả khắc phục trong thời gian tới.