Đây là thông tin được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà đưa ra tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa Giáo dục phổ thông.
Còn khoảng trên 19% giáo viên chưa đạt chuẩn
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát ghi nhận đội ngũ nhà giáo tại Hà Nội nhìn chung tâm huyết, trách nhiệm, tích cực đổi mới phương pháp dạy học. Nhiều nhà giáo đạt trình độ đào tạo trên chuẩn, có năng lực tự chủ, sáng tạo tốt. Đồng thời, Đoàn giám sát cũng đề nghị UBND TP làm rõ một số nội dung như kết quả thực hiện tuyển dụng viên chức, phê duyệt chỉ tiêu, phân cấp quản lý viên chức, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, lộ trình nâng chuẩn...
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, TP Hà Nội đã chủ động xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo lộ trình, đảm bảo đủ số lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo quy định. Năm 2022, biên chế sự nghiệp khối giáo dục được giao là 99.711 biên chế, thấp hơn so với định mức của ngành giáo dục quy định (10.265 biên chế viên chức).
Đối với việc tuyển dụng và sử dụng giáo viên, hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy, trong hai năm 2019 và 2020, TP Hà Nội đều tổ chức các kỳ tuyển dụng viên chức giáo viên đối với 30 quận, huyện, thị xã. Trong quá trình thực hiện công tác tuyển dụng giáo viên, TP luôn chú ý đảm bảo số dư để thực hiện tinh giản 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với biên chế được giao năm 2021.
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà cho biết, để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, TP Hà Nội rà soát số lượng giáo viên thiếu, số lượng các đơn vị sự nghiệp giáo dục tự chủ một phần chi thường xuyên và ban hành Quyết định giao chỉ tiêu ký hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy từ nguồn thu sự nghiệp. Năm 2021 giao 3.029 chỉ tiêu; năm 2022 giao 4.200 chỉ tiêu hợp đồng lao động.
Bên cạnh đó, TP đã rà soát, xác định cơ cấu giáo viên các trường phổ thông công lập theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt đã xác định tỷ lệ giáo viên/lớp đối với các môn tích hợp như: Khoa học tự nhiên, Tin học và Công nghệ, Nghệ thuật…, từ đó xây dựng kế hoạch sử dụng, tuyển dụng giáo viên, giải quyết từng bước các trường hợp thừa/thiếu giáo viên, có kế hoạch cử đi đào tạo ở những môn tích hợp, liên môn theo yêu cầu.
Qua thống kê thực trạng, tính đến ngày 30/9/2020 toàn TP có 14.817 giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 (chiếm 19,19%). Để thực hiện nâng chuẩn, 7.222 giáo viên phải tham dự các lớp đào tạo theo chuẩn mới. Hàng năm, TP đã chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng chuẩn giáo viên theo lộ trình, báo cáo UBND TP phê duyệt.
Đối với việc đào tạo, tập huẩn, bồi dưỡng giáo viên để chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm 2018 đến năm 2022, TP Hà Nội đã bố trí, cấp cho Sở GD&ĐT gần 109 tỷ đồng để thực hiện công tác bồi dưỡng cho gần 362.000 lượt cán bộ quản lý, giáo viên.
Ngoài ra, các năm 2018, 2019 và 2020, TP Hà Nội đã phê duyệt kinh phí cấp cho Sở GD&ĐT theo Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020, mỗi năm được cấp 14 tỷ đồng để đào tạo, bồi dưỡng cho 1.280 cán bộ quản lý và giáo viên. TP đã tổ chức cho 1.300 giáo viên cốt cán, 160 cán bộ quản lý cốt cán tham gia chương trình bồi dưỡng theo các mô đun. Công tác đào tạo bồi dưỡng đại trà cho 100% giáo viên các cấp học theo kế hoạch được hoàn thành trong năm 2022...
Hà Nội đang triển khai xây dựng cơ chế tự chủ theo đơn giá, định mức
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới TP Hà Nội sẽ sắp xếp và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo. Tiếp tục rà soát, đánh giá năng lực thực tiễn, cơ cấu đội ngũ; kịp thời bổ sung, điều chuyển hợp lý. Chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, phẩm chất, đạo đức lối sống, tác phong của nhà giáo, trình độ chuyên môn, chuẩn nghề nghiệp của đội ngũ bảo đảm đủ số lượng, đạt chuẩn nghề nghiệp, đồng bộ về cơ cấu và một bộ phận trên chuẩn.
UBND TP Hà Nội kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành chính sách về chế độ đặc thù lương, phụ cấp đối với giáo viên và cán bộ quản lý, công chức công tác tại các cơ quan quản lý ngành GD&ĐT. Lý do bởi thực tế hiện nay lương và chế độ đãi ngộ của giáo viên vẫn chưa có chính sách ưu tiên riêng, vẫn xếp tương đương với viên chức trong các lĩnh vực khác. Lương thấp nên chưa tạo động lực để giáo viên yên tâm công tác và cống hiến hết mình cho sự nghiệp đổi mới GD&ĐT.
Bên cạnh đó, đối với đội ngũ công chức làm việc ở các cơ quan quản lý không được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo nên lương thấp hơn lương của giáo viên cùng năm công tác, do vậy không thu hút được viên chức giỏi trong ngành về công tác tại các cơ quan quản lý.
Đặc biệt, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của giáo viên được nâng lên so với trước đây theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019. Theo lộ trình quy định đến năm 2028 độ tuổi nghỉ hưu của nam là 62 và đến năm 2035 độ tuổi nghỉ hưu của nữ là 60. Với đặc thù tính chất công việc và tâm lý lứa tuổi học sinh thì độ tuổi nghỉ hưu như vậy không phù hợp đặc biệt là đối với giáo viên mầm non. TP Hà Nội đề nghị Chính phủ xem xét quy định về độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS cho phù hợp.
Tham dự buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Hà Nội đang triển khai xây dựng cơ chế tự chủ theo đơn giá, định mức và cơ chế đặt hàng trong lĩnh vực giáo dục, vấn đề thiếu giáo viên sẽ được hạn chế, cũng là điều kiện để thu hút đầu tư của xã hội cho giáo dục. Bí thư Thành ủy đề nghị cần quy định tỷ lệ trường học, biên chế giáo viên theo tình hình dân cư và tăng cường ứng dụng phương thức dạy học trực tuyến để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.