Hà Nội tăng tốc sản xuất, đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm dịp Tết 2023

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm này, ngành nông nghiệp Hà Nội đang đẩy mạnh sản xuất vụ Đông, tăng cường kết nối lưu thông giữa Thủ đô và các tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm của người dân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Tăng tốc sản xuất

Chia sẻ niềm vui vì đợt này rau xanh được giá, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua cho hay, năm nay, giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh nhưng bù lại rau xanh được giá nên nông dân thu nhập trung bình 10 - 15 triệu đồng/sào/lứa rau.

Nông dân xã Văn Đức, huyện Gia Lâm chăm sóc rau vụ Đông. Ảnh: Ánh Ngọc
Nông dân xã Văn Đức, huyện Gia Lâm chăm sóc rau vụ Đông. Ảnh: Ánh Ngọc

HTX hiện có hơn 600 hộ sản xuất nông nghiệp, chuyên canh cây củ cải trắng và các loại rau màu khác. Hằng năm, HTX cung cấp cho thị trường Hà Nội khoảng 20% rau củ quả các loại, sản lượng 40.000 tấn rau xanh mỗi năm. Vụ Đông năm nay, HTX gieo trồng hơn 300ha rau xanh các loại, nhiều hơn vụ hè tới hơn 100ha, trong đó chủ lực là củ cải trắng và rau ăn lá, như cải ngọt, cải dưa...

Không chỉ đối với cây trồng, nhiều nông hộ, HTX còn tăng sản xuất nguồn giống gia cầm từ những tháng trước để phục vụ thị trường cuối năm. Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì Trần Đình Thành chia sẻ, từ tháng 9, các hộ chăn nuôi đã chủ động tăng lượng gà giống lên gấp 1,5 - 2 lần so với những lứa đầu năm bởi nhu cầu gia cầm cuối năm thường tăng rất cao. Hiện, quy mô chăn nuôi đang phát triển khá ổn định với nông hộ 100 - 500 con/hộ, chăn nuôi trang trại 2.000 - 10.000 con.

Hộ anh Ngô Trọng Hiển (xã Thụy An, huyện Ba Vì) dự kiến xuất bán 3.000 con gà thịt dịp trước và trong Tết Nguyên đán 2023. Ảnh: Ánh Ngọc
Hộ anh Ngô Trọng Hiển (xã Thụy An, huyện Ba Vì) dự kiến xuất bán 3.000 con gà thịt dịp trước và trong Tết Nguyên đán 2023. Ảnh: Ánh Ngọc

Theo thống kê của Sở NN& PTNT Hà Nội, vụ Đông năm 2022, toàn TP gieo trồng hơn 29.600ha, trong đó, riêng rau các loại là 13.966ha. Để gia tăng giá trị sản xuất vụ Đông, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương, DN, HTX tập trung vào sản xuất nguồn giống ngắn ngày, chất lượng cao, đặc biệt là phát triển hệ thống các chuỗi sản xuất. Cùng với đó, đẩy nhanh công tác tái đàn, áp dụng biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm.

Tăng kết nối thị trường và sức tiêu thụ

Năm 2022, ngành nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng 2,5 - 3% và mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được. Phân tích về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho rằng, cuối năm là thời điểm nhu cầu về lương thực, thực phẩm của người dân tăng cao nên TP đang đẩy mạnh sản xuất vụ Đông đối với cây trồng, vật nuôi ngắn ngày cũng như tận dụng lợi thế từ thị trường để tạo đà tăng trưởng.

Sản phẩm nông nghiệp Hà Nội và nhiều tỉnh, thành được trưng bày, quảng bá tại nhiều hội chợ từ nay đến Tết Nguyên đán 2023. Ảnh: Ánh Ngọc
Sản phẩm nông nghiệp Hà Nội và nhiều tỉnh, thành được trưng bày, quảng bá tại nhiều hội chợ từ nay đến Tết Nguyên đán 2023. Ảnh: Ánh Ngọc

“Việc gia tăng sản xuất, chủ động sản xuất theo nhu cầu thị trường trong những tháng cuối năm sẽ tạo đột phá cho sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp; đồng thời bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô.” – ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

Song song đó, Hà Nội tăng cường kết nối thị trường nhằm bảo đảm đầu ra cho nông sản, gia tăng giá trị từ lưu thông hàng hóa. Theo đó, TP tập trung vào các chuỗi sản xuất, DN, HTX chế biến nông sản. Hiện Hà Nội duy trì 159 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Các chuỗi có sản phẩm đa dạng, được kiểm soát chặt chẽ và phân phối tới hơn 110 siêu thị, hơn 1.400 cửa hàng kinh doanh tổng hợp, 300 cơ sở chuyên kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn TP. Qua đó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, HTX, DN...

Tháng cuối năm cũng là thời gian cao điểm Hà Nội đẩy mạnh liên kết với các tỉnh nằm trong chuỗi cung ứng nông sản cho Thủ đô, xây dựng kế hoạch liên kết, khảo sát thị trường để có hướng tập trung sản xuất theo nhu cầu, bảo đảm đầu ra cho nông sản; tiếp tục phối hợp với các địa phương mở gian hàng trưng bày, bán hàng nông sản nhằm quảng bá, tăng kết nối và sức tiêu thụ. Đặc biệt là tổ chức các hội chợ giới thiệu nông sản trong dịp Tết để người dân có thể trực tiếp mua sản phẩm từ nhà sản xuất với giá bình ổn.

 

Theo đánh giá của Sở NN& PTNT Hà Nội, hiện nay, sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 2,3% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP. Sản phẩm nông nghiệp làm ra mới đáp ứng 30 - 65% nhu cầu hơn 10 triệu người dân sinh sống, làm việc trên địa bàn. Cụ thể: Đáp ứng được 65,6% sản phẩm gạo; thịt lợn hơi 94,1%, trái cây 28,8%; trứng gia cầm 94,2%... Lượng hàng hóa còn thiếu được kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành trên cả nước và nhập khẩu từ nước ngoài.